- Cơ cấu lại tính chất lãnh thổ giữa nông thôn và đô thị sau 33 năm tái lập tỉnh, 15 năm xây dựng nông thôn mới, công nhận thành phố Hoa Lư là đô thị loại 1, đô thị di sản thiên niên kỷ: Vừa tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu sau khi được công nhận tỉnh nông thôn mới; chuyển trọng tâm sang phát triển đô thị đối với khu vực quy hoạch dự kiến hình thành đô thị; tích hợp di sản nông nghiệp, di sản kinh tế nông thôn vào phát triển đô thị di sản cảnh quan. - Cơ cấu lại giữa yêu cầu phát triển địa phương và khẳng định vai trò trung tâm vùng, quốc gia, quốc tế trên một số chuyên ngành: trung tâm du lịch, trung tâm cơ khí ô tô, trung tâm chế biến rau quả, tổ chức sự kiện; bổ sung thêm những lĩnh vực như công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, kinh tế di sản, hậu cần sinh thái; kiến tạo các lĩnh vực liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo ngành nghề mới nổi, giáo dục, y tế, công nghiệp công nghệ cao. - Cơ cấu lại giữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế-xã hội với bảo tồn, phục hồi, phát huy giá trị di sản và phát triển kinh tế-xã hội; gắn với chiến lược chấn hưng và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Với Ninh Bình bảo tồn, phục hồi mang cả chức năng tạo hạ tầng cho phát triển kinh tế di sản, du lịch, vừa xây dựng bản sắc đô thị, thương hiệu địa phương. Xác định tài nguyên di sản là tài nguyên cơ bản. Giai đoạn 2025-2035 triển khai quy mô lớn các dự án phục hồi, phục dựng, phỏng dựng di sản (kiến trúc, cảnh quan, thiên nhiên, di sản tư liệu, di sản văn hóa phi vật thể) gắn với phát huy trong đời sống du lịch, công nghiệp văn hóa, di sản cảnh quan, di sản nông nghiệp, di sản văn hóa, di sản đô thị Cố đô... - Cơ cấu lại giữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa với đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Quy hoạch phát triển đô thị gắn với phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn với đẩy mạnh công nghiệp hóa, những ngành kinh tế phi nông nghiệp hoặc nông nghiệp phi lương thực, thực phẩm. - Cơ cấu lại các ngành kinh tế giữa phát triển các sản phẩm giản đơn, thô sơ với những sản phẩm chế biến sâu, đổi mới sáng tạo, làm mới truyền thống, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, sản xuất cụm ngành, cho giá trị gia tăng cao: (i) trong du lịch (di sản và công viên di sản), (ii) trong nông nghiệp (trồng lúa và trồng thảo dược), (iii) trong công nghiệp văn hóa (thêu gia công với thêu trên các sản phẩm phân khúc cao cấp). - Cơ cấu lại giữa phát triển kinh tế-xã hội với sắp xếp, đổi mới hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong đó có 2 việc: (i) phân cấp, phân quyền, trao quyền, ủy quyền theo trục dọc và trao quyền, chuyển quyền theo trục ngang; (ii) bảo đảm an ninh, quốc phòng; (iii) hội nhập quốc tế. |