Trong một dịp đến Ninh Bình, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam C.G.Christian Berger đã chia sẻ: Tôi có tình cảm đặc biệt với rừng Cúc Phương, Trung tâm cứu hộ linh trưởng và Cơ sở bảo tồn gấu, đây là các địa điểm tuyệt vời để những người yêu thích thiên nhiên có thể quan sát các hoạt động, vẻ độc đáo của từng loài động vật hoang dã và thu thập các kiến thức bổ ích. Từ đó, thức tỉnh tình yêu, ý thức bảo vệ thiên nhiên trong mỗi người tham quan, tạo cơ sở cho các hành vi trách nhiệm với môi trường thiên thiên. Ông cho rằng: Phát triển du lịch trải nghiệm kết hợp giáo dục môi trường ở các địa điểm này rất triển vọng, đồng thời cho biết sẵn lòng giới thiệu một số công ty du lịch của Đức chuyên tổ chức các tour du lịch chuyên biệt về các hoạt động này (đối tượng là các du khách yêu thiên nhiên và có năng lực tài chính tốt) để về khai thác, kết nối với du lịch Ninh Bình.
Thời gian qua, tỉnh Ninh Bình cũng rất quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Cùng cả nước, Ninh Bình tham gia có trách nhiệm vào các công ước và cam kết quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học; tuyên truyền và thực hiện nghiêm túc các luật về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học như: Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Thủy sản, Luật Du lịch, Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030… Đặc biệt, tỉnh cũng có nhiều chính sách khuyến khích phát triển du lịch sinh thái và các loại hình du lịch thân thiện với môi trường.
Thực tế, nhờ thụ hưởng những tiềm năng to lớn từ thiên nhiên cộng hưởng với những định hướng và chính sách ưu đãi đã từng bước định vị Ninh Bình trên bản đồ du lịch sinh thái thế giới. Thời gian qua, khách du lịch quan tâm, tìm đến các sản phẩm du lịch trải nghiệm kết hợp với giáo dục bảo vệ thiên nhiên của Ninh Bình ngày càng nhiều, lượng khách đến tham quan tăng lên theo từng năm. Minh chứng như ở Vườn Quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Thung Nham, Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình… mỗi năm đón hàng trăm nghìn lượt khách tham quan. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều loại hình du lịch mang tính giải trí gần như "đóng băng" thì người dân lại có xu hướng đến với các hoạt động du lịch gần gũi với thiên nhiên, bởi vậy các địa điểm này vẫn duy trì được lượng khách nhất định. Đáng mừng, đa phần du khách là giới trẻ, điều này khẳng định rằng du lịch trải nghiệm gắn với giáo dục bảo vệ thiên nhiên sẽ có thể phát triển mạnh trong tương lai. Theo thống kê của Viện nghiên cứu phát triển du lịch, các vườn quốc gia và khu bảo tồn tại Việt Nam thu hút trên 30% lượng khách du lịch hàng năm.
Mới lạ, hấp dẫn, tuy nhiên, loại hình du lịch trải nghiệm kết hợp với giáo dục bảo vệ thiên nhiên này vẫn chưa phổ biến ở Việt Nam. Bằng chứng là chỉ một vài tỉnh, thành ở nước ta mới bắt đầu để ý đến loại hình này và không nhiều công ty lữ hành đưa vào khai thác. Tại Ninh Bình, sự phát triển của nó mới ở giai đoạn đầu và còn nhiều điểm hạn chế, các sản phẩm chưa đa dạng, phong phú, chưa có sản phẩm và thị trường mục tiêu, chưa có đầu tư xúc tiến.
Để đưa loại hình du lịch trải nghiệm kết hợp với giáo dục bảo vệ thiên nhiên và trở thành hợp phần quan trọng của ngành kinh tế du lịch, là chất xúc tác cho sự thay đổi tích cực trong bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững trong tương lai, Ninh Bình cần có thêm những định hướng chiến lược. Trước hết, cần kết hợp đồng bộ ba yếu tố: Chủ trương, chính sách của Nhà nước, sự điều hành của chính quyền các cấp, sự phối hợp tham gia của doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, kịp thời có những nghiên cứu, quy hoạch để phát triển du lịch sinh thái nói chung, du lịch trải nghiệm gắn với giáo dục bảo vệ thiên nhiên nói riêng. Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng và nâng cao chất lượng sản phẩm của loại hình du lịch này.
Ông Đỗ Hồng Hải, Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ - Vườn Quốc gia Cúc Phương chia sẻ: Trước kia du khách đến với Vườn mới chỉ tiếp cận được các hệ sinh thái rừng, các loài thực vật và một số loài côn trùng. Điều này thiếu tính hấp dẫn đối với du khách. Vì vậy, hiện nay chúng tôi đang mở rộng các dịch vụ, đưa vào khai thác nhiều sản phẩm mới như các tour "Về nhà", "Khám phá kỳ quan hang động, hệ karst độc đáo", "Quan sát linh trưởng quý hiếm", Lễ hội đom đóm, lễ hội bướm… Ông Hải cũng chia sẻ: Hiện nay các hoạt động du lịch ở đây đều do cán bộ, nhân viên của Vườn phụ trách, trong khi đó rất ít người được đào tạo bài bản về du lịch. Do vậy trong thời gian tới rất cần có định hướng cụ thể hơn của các cấp chính quyền, sự phối hợp, hỗ trợ, tư vấn của ngành du lịch.
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch, Sở Du lịch cho biết: Khai thác du lịch và bảo tồn thiên nhiên thực chất là mối quan hệ cộng sinh. Hoạt động du lịch đem lại nguồn thu và 1 phần hoặc 100% thu nhập từ các hoạt động này sẽ quay lại hỗ trợ cho công tác bảo tồn. Trong những năm gần đây, các điểm du lịch như Vườn Quốc gia Cúc Phương, Khu du lịch sinh thái Vân Long, Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình, Thung Nham… đã đón số lượng khá lớn khách du lịch trong và ngoài nước. Các hoạt động du lịch trải nghiệm, giáo dục bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã ở đây đã trở thành một sản phẩm không thể thiếu trong các tour du lịch của khách quốc tế khi đến Ninh Bình.
Thời gian tới, đơn vị sẽ tham mưu triển khai lập kế hoạch, cải tiến và xây dựng các quy định nhằm tổ chức, quản lý, khai thác loại hình du lịch này một cách hiệu quả hơn.
Học tập những kinh nghiệm của thế giới về cách quản lý bền vững các khu vực được bảo tồn và phát triển hoạt động du lịch đảm bảo việc sử dụng đất đai, tài nguyên thiên nhiên mang lại hiệu quả kinh tế và đóng góp cho bảo tồn đa dạng sinh học. Xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích, giải pháp kinh tế để thu hút cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường, làm du lịch và phát triển du lịch một cách bền vững. Cùng với đó, xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm du lịch đó. Ngoài ra, ưu tiên cho công tác đào tạo nhân sự bởi ở loại hình du lịch này, ngoài những kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về du lịch, người làm du lịch còn cần phải có sự hiểu biết sâu rộng về thiên nhiên và văn hóa bản địa để giảng giải, thuyết minh cho du khách…
Bài, ảnh: Bách Hợp