Nhận thức rõ vị trí, vai trò nền tảng của nông nghiệp trong phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực và các vấn đề xã hội, những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã có định hướng và nhiều chính sách hỗ trợ, ưu tiên phát triển đặc biệt dành cho ngành Nông nghiệp. Nhờ vậy sản xuất nông nghiệp đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận: Tốc độ tăng trưởng duy trì ổn định ở mức trên 2%; giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha canh tác tăng nhanh qua các năm, trong 10 năm tăng gần 60 triệu đồng (từ 96,6 triệu đồng/ha/ năm năm 2013 lên 155 triệu đồng/ha/ năm năm 2023). Điều đáng nói là tư duy của nông dân đã bắt đầu thay đổi, từng bước "thoát ly" sản lượng để hướng vào chất lượng, tăng giá trị sản phẩm. Nhìn từ ngành hàng lúa gạo, nếu như trước kia, diện tích lúa lai chiếm khoảng 60% cơ cấu, thì nay diện tích lúa chất lượng cao, lúa đặc sản chiếm ưu thế, với tỷ lệ gần 80%. Gần đây, Ninh Bình đặc biệt quan tâm đến phát triển xanh, phát triển bền vững trong nông nghiệp nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sống. Toàn tỉnh đã mở rộng diện tích sản xuất lúa chất lượng cao, đặc sản theo hướng hữu cơ lên 4 nghìn ha với các giống lúa mang thương hiệu Ninh Bình như Nếp hạt cau, Nếp hương, Hương Bình… Qua đó từng bước tạo dựng thương hiệu, nâng cao giá trị cho sản phẩm lúa gạo của tỉnh. |
Trong lĩnh vực thủy sản, 800 ha nuôi ngao ở vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn đã được Tổ chức Chứng nhận quốc tế toàn cầu cấp Giấy chứng nhận ASC, trở thành vùng thứ 2 của Việt Nam, cũng là vùng thứ 2 trên thế giới được cấp giấy chứng nhận này. Đây là sự xác nhận thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư, mở ra cơ hội tốt cho sản phẩm ngao Ninh Bình xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, những năm qua, giá trị nông sản tiếp tục được tăng thêm khi gắn với du lịch, dịch vụ, mở ra hướng phát triển du lịch nông nghiệp, phát huy tiềm năng, lợi thế tại các làng nghề nông, lâm, ngư nghiệp truyền thống ở tỉnh ta. Nhiều tour du lịch nông nghiệp hấp dẫn ở Ninh Bình đã thu hút du khách trong nước và quốc tế như: Một ngày làm nông dân ở Khu du lịch sinh thái động Thiên Hà (huyện Nho Quan); cánh đồng lúa Tam Cốc, đầm sen ở Hang Múa, vườn nho Hạ Đen (huyện Hoa Lư); cánh đồng dứa, đào phai, vườn cây ăn quả kết hợp nuôi con đặc sản ở Quèn Thờ (thành phố Tam Điệp)... |
Ngoài ra, thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 177 sản phẩm OCOP, trong đó có 109 sản phẩm 3 sao, 68 sản phẩm 4 sao. Chương trình OCOP đã và đang góp phần quan trọng vào phát triển sản phẩm chủ lực tại các địa phương, thúc đẩy mở rộng ngành nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. |
Là vùng đất Cố đô với lịch sử hàng nghìn năm, Ninh Bình hội tụ rất nhiều sản vật và công thức chế biến đặc biệt, riêng có, như: Dê núi, cơm cháy, nem chua, mắm tép, cá rô Tổng Trường, cá Tràu tiến vua, Trà hoa vàng Cúc Phương… Đặc biệt, gần đây, Ninh Bình đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam với nhiều khu, điểm du lịch nổi tiếng, quy mô quốc gia và quốc tế, nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đón nhiều khách du lịch nhất cả nước. |
Tỉnh Ninh Bình xác định quan điểm nhất quán, xuyên suốt là phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, mang tính điều hướng, dẫn dắt các ngành, lĩnh vực phát triển theo hướng xanh, bền vững và xây dựng Hoa Lư-Ninh Bình trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ. Chính bởi vậy, định hướng phát triển nông nghiệp và nông thôn cần đồng bộ với mục tiêu đó. Nội tại của sản xuất nông nghiệp và hoạt động phát triển nông thôn phải đáp ứng mục tiêu của một Đô thị di sản. Nông sản và hàng hóa nông thôn phải ưu tiên phục vụ nhu cầu tại chỗ và thị trường du lịch. Hơn thế nữa, Ninh Bình cần hướng tới nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị, kết tinh giữa tài nguyên bản địa với các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và bản sắc văn hóa-xã hội trong đó, tạo thành thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Đây là hướng đi chính mà nông nghiệp Ninh Bình đã, đang và sẽ hướng tới trong tương lai. |
Trao đổi với ông Đinh Văn Khiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, chúng tôi hiểu rõ hơn chiến lược của ngành Nông nghiệp tỉnh nhà bởi cái khó của Ninh Bình là diện tích dành cho sản xuất nông nghiệp nhỏ bé, không có lợi thế để sản xuất hàng hóa lớn. Ngoài cây dứa thì tỉnh không phải là vùng chuyên canh chính của các nông sản chiến lược Quốc gia có năng lực xuất khẩu. Do vậy, trong quá trình phát triển, nông nghiệp Ninh Bình phải chọn cho mình hướng đi riêng, không nhất thiết phải xuất khẩu. Chúng ta sẽ mời gọi thế giới đến với Ninh Bình để chiêm ngưỡng cảnh đẹp, trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa, đồng thời thưởng thức nông sản, ẩm thực đặc sắc, tươi ngon ngay tại chỗ. Đây là một cách "xuất khẩu tại chỗ" nông sản rất hiệu quả. Với định hướng rõ ràng như trên, ngành Nông nghiệp đã nghiên cứu, phân chia 5 tiểu vùng kinh tế sinh thái nông nghiệp khác nhau, gồm: Tiểu vùng đồi núi bán sơn địa, tiểu vùng trũng, tiểu vùng đồng bằng, tiểu vùng ven đô thị, tiểu vùng ven biển. Mỗi tiểu vùng đã được định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản riêng, thời gian tới sẽ được tập trung đầu tư, phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ, đảm bảo các tiêu chí: Độc đáo, môi trường, an toàn, gắn với bản sắc lịch sử, văn hóa của địa phương. Tiến tới xây dựng bản đồ điện tử các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh để phục vụ công tác quảng bá. |
Cùng với đó, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, bên cạnh cải tạo, nâng cấp điện, đường, trường, trạm theo hướng "văn minh-hiện đại", Ninh Bình cần chú trọng hơn đến việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống ở nông thôn như: Cây đa, dòng sông, bến nước, sân đình; kiến trúc nhà ở dân gian, trang phục dân tộc, đền chùa, miếu mạo; tín ngưỡng dân gian, âm nhạc truyền thống… Hình ảnh làng quê dân dã, giàu bản sắc, đậm chất văn hóa, tràn đầy sức sống, cộng đồng hài hòa, thân thiện sẽ là sức hút người xa xứ quay trở về nhiều hơn, khách phương xa tìm đến trải nghiệm, khám phá. Sản phẩm từ làng sẽ được tiêu thụ, ưa chuộng nhiều hơn. Thu nhập và chất lượng sống của người dân sẽ được nâng lên... Việc phát triển nông nghiệp đa giá trị là một "bài toán" khó. Nhưng có đi thì mới đến đích. Hy vọng nông nghiệp đa giá trị ở Ninh Bình sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, để nông nghiệp không chỉ là "trụ đỡ" của nền kinh tế, mà còn hướng đến khát vọng vươn tầm, góp phần tạo dựng hình ảnh, bản sắc cho Đô thị di sản thiên niên kỷ mà Ninh Bình đang hướng tới trong tương lai. |