Lần này tới thăm cụ Dậu, vẫn là cụ bà tươi tắn, hay chuyện với hàm răng đen nhánh, ánh mắt tinh anh và dáng đi nhanh nhẹn, nhưng đúng như cụ từng nói, cụ đã dừng dệt chiếu từ hơn 2 năm nay. Nơi cụ đặt chiếc khung dệt, đã được con gái cơi nới trở thành một xưởng may giải quyết việc làm cho vài lao động trong xóm. Giờ, những lúc rảnh rỗi, cụ Dậu giúp xưởng may của con gái nhặt chỉ, đính tem. Phấn chấn khi nhớ về nghề xưa, cụ Dậu bảo rằng vài chục năm làm nghề, cái nghề đã mang lại cơm ăn, áo mặc cho biết bao thế hệ người dân ở Khánh Thiện, giờ không làm được nữa, tôi nhớ lắm chứ. Với tôi, mỗi đôi chiếu không chỉ là một sản phẩm hàng hóa, bán chiếu lấy tiền, mà đó còn là nơi để gửi gắm nhiều tình cảm, tâm tư. |
Bên ấm trà thơm trong một ngày mưa lạnh, cụ Dậu kể cho chúng tôi nghe về nghề dệt chiếu Bồng Hải (nay là xã Khánh Thiện). Nghề dệt chiếu đến với người dân Bồng Hải khi nào không còn ai nhớ chính xác, nhưng ước tính cũng phải hàng trăm năm. Nghề có những giai đoạn cực kỳ hưng thịnh, đó là vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Khi ấy, ở Bồng Hải thành lập hẳn một HTX chiếu cói với trên 200 hộ tham gia. Cụ Dậu được bầu làm Phó Chủ nhiệm HTX. "Thu nhập của từng tay dệt phụ thuộc vào tay nghề. Sản phẩm làm ra được xếp theo chất lượng hạng A, B, C. Những người làm nghề dệt chiếu đều có thể "sống khỏe" bằng nghề"- cụ Dậu nhớ lại. |
Cụ Vũ Văn Nhớn cũng là những "thế hệ vàng" tham gia vào HTX chiếu cói ở Bồng Hải với nhiệm vụ là người phụ trách kỹ thuật cho HTX. Cụ Nhớn nhớ lại: Tiếng là trong ban phụ trách kỹ thuật, nhưng nhiệm vụ chủ yếu của tôi khi ấy là phân loại chất lượng sản phẩm. Trong Ban quản trị khi ấy có cụ Tạng, cụ Trưởng, cụ Quỳ… là những tay dệt giỏi nhất. Các cụ phụ trách hướng dẫn kỹ thuật cho các thành viên trong HTX và trực tiếp đi truyền nghề. Cứ như thế, "lửa nghề" được truyền từ đời này sang đời khác hàng trăm năm… |
Để làm ra những đôi chiếu đẹp, bền chắc, người thợ phải tỉ mẩn, có kinh nghiệm và khéo tay, ngay từ khâu lọc cói. Những sợi cói đẹp, kích thước đều sẽ làm nên đôi chiếu đẹp. Một đôi chiếu cải đẹp thì phải mất vài ngày mới dệt xong. Chiếu đậu thì nhanh hơn, chỉ chừng 1 ngày là xong. Chiếu Bồng Hải dày, bền chắc và có màu sắc tươi thắm. Nằm trên chiếu cói, có cảm giác mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Nhà ai cưới vợ cho con, bao giờ cũng đặt đôi chiếu hoa, có lẫy chữ "trăm năm hạnh phúc". Thời nghề dệt chiếu hưng thịnh, những người giàu rất hào phóng, họ sẵn sàng trả công đôi chiếu cải bằng cả tạ thóc. Người thợ cũng tỉ mỉ, cẩn thận để làm ra một đôi chiếu thật đẹp cho xứng với niềm tin của khách hàng. Trước đêm tân hôn, gia đình hỉ chủ phải nhờ người lớn tuổi, có đủ vợ chồng, cuộc sống hạnh phúc, con cháu đủ đầy để trải giúp đôi chiếu lên giường với hi vọng đôi vợ chồng trẻ sẽ được trăm năm hạnh phúc, đông con nhiều cháu. |
Nhưng thời ấy đã qua rồi. Sau khi HTX chiếu cói giải thể theo cơ chế thị trường thì nghề dệt chiếu ở Bồng Hải cũng mai một theo. "Khi tôi còn nhỏ, ông bà, bố mẹ tôi cũng làm nghề dệt chiếu. Thế hệ được sinh ra vào những năm 70-80 của thế kỷ trước như tôi đong đầy ký ức về những tháng năm tuổi thơ phụ giúp cha mẹ làm các công đoạn đơn giản như phơi đay, phơi cói, phân loại cói… Cuộc sống của người nhà nông thêm nhộn nhịp, ấm no nhờ vào nghề dệt chiếu này. Đó cũng là những ký ức khó phai đối với thế hệ tôi"- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Khánh Thiện Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ. |
Chị Hồng Nhung, một khách hàng đến mua chiếu Bồng Hải nuối tiếc: bây giờ có rất nhiều sản phẩm độc đáo, mới lạ và tiện lợi như chiếu nhựa, chiếu trúc… mà giá thành lại rẻ. Vì vậy, nhiều gia đình lựa chọn các sản phẩm này thay cho chiếu cói, ngay cả gia đình tôi cũng vậy. Có lẽ vì vậy mà thị trường dành cho chiếu cói bị thu hẹp dần. Sắp tới, con trai tôi cưới vợ. Tôi tìm về những tay dệt giỏi một thời bày tỏ mong muốn đặt mua một đôi chiếu cải. Nhưng rất tiếc là bây giờ "thế hệ vàng" của nghề dệt chiếu không ai còn làm nghề nữa. |
Mỗi lần phải từ chối đơn hàng của khách, điều làm ông Hoàng Cao Cự, 79 tuổi nuối tiếc không phải là số tiền công tương xứng mà là sự nhớ nghề đến da diết. Ông Cự cho biết, trong nhịp sống hiện đại, dẫu thất thế so với các sản phẩm từ chất liệu khác, song chiếu Bồng Hải vẫn được một bộ phận người mua tìm kiếm như một của hiếm, nhất là vào mùa cưới. Một đôi chiếu cải đẹp nhất có giá giao động từ 1,2-1,5 triệu đồng/đôi. Làm chăm chỉ thì chừng 2-3 ngày là hai ông bà dệt xong được đôi chiếu cải. Tính ra thì ngày công lao động cũng đạt được trên 100 nghìn đồng/người/ngày… cũng đủ để vợ chồng ông mưu sinh và giữ nghề. |
Nhưng từ hơn chục năm trước, vợ ông Cự bị mù hẳn do biến chứng của bệnh tiểu đường. Vậy là ông bà quyết định gác khung cửi, dẫu trong lòng không nỡ. Các con của ông Cự đều biết dệt chiếu, nhưng bảo các con dệt chiếu để mưu sinh và gìn giữ nghề của cha ông thì không ai đồng ý. Dẫn chúng tôi vào ngắm đôi chiếu cuối cùng ông đã dệt, ông Cự rưng rưng: Đôi chiếu này tôi dệt vào năm 2011. Hơn chục năm sử dụng mà đôi chiếu vẫn bền, đẹp màu. Sau khi dệt đôi chiếu này, tôi gác khung cửi, không làm nghề nữa. Thật tiếc là giới trẻ bây giờ không ham, không bị cuốn hút bởi sự độc đáo của nghề dệt chiếu này. Sự không kế thừa của người trẻ là nguyên nhân chính khiến nghề dệt chiếu bị mai một. Ở đây, giờ chỉ còn có duy nhất một hộ còn dệt chiếu, đó là vợ chồng ông Thành, bà Hiền. |
Theo lời giới thiệu của cụ Cự, chúng tôi đi tìm người dệt chiếu cuối cùng ở Bồng Hải. Như mọi ngày, ông Thành đi chợ bán chiếu, vợ ông- bà Phạm Thị Hiền đang tỉ mẩn ngồi lọc cói và chuẩn bị các công đoạn để khi chồng về thì tiếp tục dệt tấm chiếu mới. Bà Hiền kể rằng, ông bà sinh được 4 người con, cả 4 người con đều trưởng thành, lập gia đình và có cuộc sống sung túc. Kinh tế khá giả, các con không muốn bố mẹ phải vất vả mưu sinh. Bỏ mặc lời khuyên, thậm chí đôi lúc còn hờn giận của các con, vợ chồng bà Hiền vẫn đều đặn dệt chiếu, đưa từng tấm chiếu mới ra bán ở chợ làng. Dẫu hiện có nhiều loại chiếu khác nhau, có giá rẻ và tiện lợi, nhưng chiếu Bồng Hải khác biệt hẳn về chất lượng vẫn cuốn hút người mua. Nằm trên chiếu Bồng Hải sẽ cảm nhận cái mát rượi khi trời nóng bức và ấm áp khi trời lạnh. Người nằm còn cảm nhận được mùi thơm dịu của cói, của hương đồng gió nội… Còn với bà Hiền, ông Thành, dệt chiếu, bán chiếu không hẳn là vì mưu sinh nữa. Đó, đơn thuần chỉ là nỗ lực níu kéo, đợi chờ và hy vọng. |
Ông Phạm Hồng Quang, Chủ tịch UBND xã Khánh Thiện thở dài: Theo tư liệu trong cuốn lịch sử Đảng bộ xã Khánh Thiện, nghề dệt chiếu Bồng Hải còn in đậm dấu ấn, trở thành niềm tự hào của người dân Khánh Thiện khi sản phẩm dân dã này đã vượt trùng khơi theo các tàu buôn sang nước ngoài. Ngoài ra, những tay nghề dệt chiếu giỏi ở Bồng Hải được tham gia dệt chiếu hoa phục vụ Quốc hội, có những lá chiếu rộng 2m cải rồng để phục vụ khách Quốc tế và cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước… Nhằm bảo tồn nghề có hàng trăm năm tuổi này, xã Khánh Thiện đã có nhiều nỗ lực nhằm khơi dậy, bảo tồn và phát triển nghề dệt chiếu. Xã cũng đã tích cực tuyên truyền, có chính sách hỗ trợ để kéo người trẻ đến với các lớp truyền nghề dệt chiếu. Tuy nhiên, mọi nỗ lực đều không có kết quả. Thời buổi kinh tế thị trường đã mở ra cho người dân Khánh Thiện nhiều cơ hội để tìm một việc làm "sang" hơn và với thu nhập cao hơn. |