Chúng tôi về xã Khánh Tiên (huyện Yên Khánh) vào một ngày đầu tháng ba âm lịch, được tận mắt chứng kiến không khí tập luyện hăng say của CLB múa trống. Chị Trần Thị Thu Thủy, Chủ nhiệm đồng thời là người múa trống cái của CLB múa trống xã Khánh Tiên cho biết, từ nhiều năm nay, cứ vào ngày quê hương mở hội Hoa Lư, những thành viên trong CLB múa trống ở Khánh Tiên lại náo nức chuẩn bị tiết mục để tham gia. Tập luyện từ nhiều năm nay, mỗi động tác đã trở nên quen thuộc, nhuần nhuyễn, vậy nhưng cứ trước ngày khai hội, các thành viên lại tề tựu, dày công tập luyện vào tất cả các buổi tối với mong muốn sẽ mang đến Lễ hội, giới thiệu với du khách thập phương về bộ môn nghệ thuật truyền thống của quê hương Khánh Tiên.
Giới thiệu về môn nghệ thuật đặc sắc, luôn tạo được ấn tượng mạnh với du khách gần, xa trong mỗi kỳ lễ hội, chị Thủy cho biết thêm, múa trống ở Khánh Tiên đã xuất hiện từ những năm 60 của thế kỷ trước. Trải qua bao thế hệ, lấy cảm hứng từ niềm vui của người nông dân mừng ngày hội mùa, những người dân lao động nơi đây đã sáng tạo, gìn giữ và phát triển nghệ thuật múa trống, đưa múa trống trở thành nét văn hóa đặc sắc, quen thuộc không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, trở thành niềm tự hào, là món ăn tinh thần không thể thiếu của bao thế hệ người dân Khánh Tiên. Với sức sống bền bỉ, ban đầu, múa trống chỉ xuất hiện trong dịp lễ hội của làng quê Khánh Tiên, sau này khi mọi người đã truyền dạy và luyện tập cho nhau theo lối truyền khẩu thì múa trống dần trở thành hình thức sinh hoạt của cả cộng đồng, được đông đảo người dân rất yêu thích. Hiện nay, tại xã Khánh Tiên, ngoài CLB múa trống của xã, còn duy trì được 2 CLB múa trống khác, đó là CLB múa trống của Hội Phụ nữ, CLB múa trống ở xóm 4. Các CLB múa trống đã không chỉ tham gia biểu diễn phục vụ các lễ hội của địa phương, mà còn tham gia biểu diễn tại các kỳ Hội diễn văn nghệ quần chúng cấp tỉnh, cấp huyện và giành được nhiều giải cao. Năm 2006, múa trống Khánh Tiên được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) tiến hành chương trình sưu tầm, để bảo tồn nét đẹp văn hóa.
Đồng chí Tạ Quang Thao, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Yên Khánh cho biết: Tham gia Lễ hội Hoa Lư, huyện Yên Khánh tổ chức 2 đoàn tham gia Lễ rước kiệu. Đoàn rước kiệu của Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, Đền Tam Thánh và Chùa Yên Lữ, xã Khánh An, di tích liên quan đến triều Đinh; đoàn rước kiệu của di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, Đền Nội thị trấn Yên Ninh, di tích liên quan đến triều Lê. Cùng với đó, huyện cũng tham gia các nội dung khác như: Múa trống dân gian, tổ tôm điếm, nấu ăn, giao lưu nghệ thuật quần chúng, hội trại thanh niên, cờ người, chọi gà, trưng bày mâm ngũ quả, vật dân tộc, viết chữ thư pháp và tham gia gian hàng giới thiệu các sản phẩm thủ công truyền thống và đặc sản tiêu biểu của huyện. Để mang đến Lễ hội những tiết mục văn hóa đặc sắc, mang đậm dấu ấn của đất và người Yên Khánh, những ngày này, không chỉ riêng CLB múa trống ở Khánh Tiên, mà ở tất cả các đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện các tiết mục, chương trình tham gia Lễ hội đều tích cực tập luyện, say sưa sáng tạo ra các tiết mục mới, tạo điểm nhấn để thực sự hấp dẫn được người xem, đóng góp vào hoạt động chung của Lễ hội Hoa Lư.
Bên cạnh việc chuẩn bị các tiết mục tham gia tại Lễ hội, huyện Yên Khánh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới đông đảo quần chúng nhân dân về vị trí, vai trò và giá trị lịch sử to lớn của Nhà nước Đại Cồ Việt-Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam trong tiến trình lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Thông qua công tác tuyên truyền và tổ chức các hoạt động hướng về Lễ hội, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân trong huyện ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Yên Khánh lần thứ XXIII.
Nguyễn Hùng