Tập Đường thi Tam Điệp có 25 tác giả tham gia với 180 bài thơ, số lượng 115 trang in, hình thức trình bày đẹp, trang nhã. Với một tập thơ độ dày như vậy là vừa phải. Thơ Đường có nhiều dạng thức: thất ngôn bát cú, "thất ngôn tứ tuyệt", "ngũ ngôn tứ tuyệt", ngũ ngôn bát cú ... ở tập thơ này phần đa các tác giả sử dụng thể loại thất ngôn bát cú, số sử dụng các thể tứ tuyệt, ngũ ngôn có số lượng ít hơn.
Nhìn tổng thể, đa số các tác giả đã tuân thủ đúng hình thức thể loại thất ngôn bát cú xét từ các phương diện: Luật, niêm, vần, đối và bố cục. Tuy nhiên cũng có những tác giả chỉ đạt tương đối các tiêu chí trên. Song điều này cũng có thể thông cảm được bởi lẽ đây là tập thơ đầu tay khó tránh được khiếm khuyết. Ngoài ra đây chỉ là một câu lạc bộ với những người chơi thơ, những người làm thơ không chuyên nên khó mà đặt ra các yêu cầu cao với các tác giả. Vả lại cho dù ngay cả với nhà thơ cự phách cũng không phải bài thơ nào cũng đạt được sự toàn bích. Từng có trường hợp "thất niêm", "phá luật". Đã không có sự tuyệt đối ngay cả với những "nhà thơ chuyên nghiệp" thì cũng không nên khắt khe với những người chỉ xem thơ như một thú tiêu dao như các thi hữu CLB Đường thi Tam Điệp.
ở phần trên ta đã nói đến hình thức tập thơ với một đánh giá tổng quát rằng nhìn tổng thể tập thơ độ dày như vậy là vừa phải. Tuy nhiên cũng cần phải nói thêm rằng giá trị của một tập thơ không nằm ở chỗ dày hay mỏng, dài hay ngắn mà nó tùy thuộc vào "độ nén" của cảm xúc, vào chiều sâu của mỹ cảm. ở thi tập này 25 tác giả là 25 khuôn mặt người thơ với nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau. Và đôi khi ngay cả với một tác giả cũng có nhiều cung bậc cảm xúc. Cũng có thể nói rằng khó có một tác giả nào khuôn vào một chủ đề nhất định. Với một tập thơ mà cảm xúc đa dạng, đa diện như vậy nó cho phép những thi phẩm nhìn sâu vào những vấn đề của hiện thực trong tính muôn màu vẻ của nó. Đây là hình ảnh đất thiêng Tam Điệp hiện hữu qua thi phẩm của nhà thơ Phạm Định: Cửu Chân sóng vỗ ru bờ cát/ Thiên Lý nhạc reo giục vó câu/ Vương ngự lệnh truyền vang bốn cõi/ Ba đèo vọng mãi tiếng quân reo (Nhạc Ba Đèo). Bốn câu thơ ngắn gói cả cảnh lẫn tình. Cảnh là những địa danh lịch sử giàu sức gợi, thi nhân đã khéo léo gửi vào đó một chút tình hoài cổ. Thơ Đường vốn "ý tại ngôn ngoại". Trong lối miêu tả tưởng như những nét phác kia còn ẩn giấu niềm luyến thương, xen lẫn tự hào về một địa danh đã đi vào quá vãng, vào thơ ca: Núi biếc thi nhân trao ý đẹp/ Đèo cao nữ sỹ gửi tình sâu (Nhạc Ba Đèo). Nhưng hình ảnh con đèo Tam Điệp không chỉ là cảm xúc của nỗi hoài vọng về quá khứ mà còn hiện hữu trong vẻ tiêu sơ quạnh vắng của hiện tại: Lối cũ đường mòn gai mọc lấp/Dấu xưa nền đá quán nằm trơ/ Ngày đêm sương gió phơi đồi vắng/ Năm tháng nắng mưa phủ bụi mờ (Lên Ba Dội). Vẽ lại hình ảnh con đèo trong vẻ quạnh hiu của nó, tác giả Nguyễn Huy Hổ cũng gửi vào đó ít nhiều nỗi cảm khái về sự thay đổi cảnh vật. Cho nên dù nhìn Tam Điệp Sơn ở chiều kích của quá khứ hay ở hiện tại thực chất nó cũng chỉ là hai trạng huống khác nhau của một sự cộng cảm. Cả Phạm Định lẫn Nguyễn Huy Hổ đều xót xa đến quặn lòng về một Tam Điệp sơn hùng vĩ nên thơ nhưng đã nhiều thay đổi. Tuy nhiên nói đến mảnh đất Tam Điệp xúc cảm của những thi nhân không chỉ có những địa danh mang tầm lịch sử mà đôi khi đó chỉ là một sắc đào trong tiết xuân tươi: Đào khoe sắc thắm dưới trời xuân/ Lữ khách gần xa níu bước chân (Sắc đào Đông Sơn-Nguyễn Công Hoan) hay mùi thơm hương dứa, vị đượm chát của chè xanh: Hương dứa mênh mang thơm vạn nẻo/Vị chè ngan ngát đượm muôn nơi (Ngày thơ Tam Điệp- Bùi Trọng Loan).
Nhưng cái hay của tập thơ không chỉ ở khả năng miêu tả, lối miêu tả kiểu chấm phá, giàu ẩn ý của tranh Tàu mà cái thần của thơ Đường chính là ở chỗ với khả năng vi diệu của ngôn ngữ đã "thu cả thế giới vào trong thơ". Có thể tìm thấy lối viết ấy trong một bài tứ tuyệt của thi sỹ Bùi Trọng Loan: Lác đác vàng rơi rắc ngõ đầy/ Lời ve vội tắt đến thơ ngây/ Đây cây phượng vỹ màu xanh biếc/ Kìa trái hồng tơ sắc đỏ hây(Thu sang). Cái thú vị của bài thất ngôn tứ tuyệt này không nằm trong sự khéo miêu tả mà nằm ở chỗ chỉ với bốn câu thơ tác giả đã bắt được cái vi diệu của thời khắc chuyển mùa giữa hạ sang thu.
Xin lại một lần trở về với bút pháp của thơ Đường. Đường thi xưa nay thường hay dùng bút pháp miêu tả mang tính ước lệ với một hệ thống các biểu tượng. Khi nói về thiên nhiên thường là những "phong, hoa, tuyết, nguyệt" khi tả cảnh thời là "tùng, cúc, trúc mai". Tuy nhiên hệ thống biểu tượng ấy bao giờ tự thân nó cũng mang nhiều lớp nghĩa. Nói cách khác thủ pháp của Đường thi thường là lối "tả cảnh ngụ tình" "vẽ mây nảy trăng". Lối dùng thủ pháp ấy (ở một chừng mực nhất định) người đọc đã tìm thấy khi thưởng thức những thi phẩm trong tập Đường thi Tam Điệp. Khi thi hữu Hà Thế Luân hạ bút miêu tả về Núi Ngọc Mỹ Nhân: Mái tóc buông lơi khi chiều xuống/ Bờ vai thả lỏng lúc hừng đông... thì tôi tin câu thơ ấy mang vẻ "gợi" nhiều hơn "tả". Và cho dù sự ước thúc của lối gieo vần bằng trắc có khiến câu thơ khuôn sáo đến đâu cũng không khuất lấp được cái tình chứa chan của người làm thơ. Thế cho nên khi tác giả Phạm Huy Thu viết: Chuông rền sớm tối vang trời đất/ Mõ điểm đêm thanh vọng tháng ngày (Quang Sơn Tự)...Đôi câu thơ tưởng như những lối trực tả quan phương về cảnh một ngôi chùa, nhưng thực ra vẫn có một chút xao động trong tâm can của người thơ khi đối diện với nhưng thanh âm của chốn thiền môn. Nhân vật trữ tình tuy không lộ diện nhưng thực ra vẫn thấp thoáng đâu đó. Giọng thơ tưởng như bằng lặng mà lại rất tình.
Tập "Đường thi Tam Điệp" không chỉ có thơ vịnh cảnh, tả tình mà một trong những điểm mấu chốt làm nên sức nặng của tập thơ chính là chiều sâu của sự chiêm cảm, suy nghiệm. Thi sỹ Đinh Văn Sự trong một phút trải lòng cùng cảnh vật nơi Kẽm Đó đã hạ bút: Vực thẳm đất bày nhiều kẻ sợ/ Thế cờ trời đặt lắm người cân (Kẽm Đó). Cái nhìn về một thắng tích như một thứ trận đồ, một "thế cờ" không bao giờ là cái nhìn của một người trẻ tuổi mà là lối thấu cảm của những người đã đi qua nhưng biến thiên của biết bao nhiêu trò dâu bể. Cho nên ở tuổi bảy ba thi sỹ đã viết những vẫn thơ đầy sự suy nghiệm: Trải bao gian khó tình không đổi/ Phúc đức cao dầy ắt mệnh qua. Đọc câu thơ này người viết rất thích cái định đề mà tác giả quan niệm. Người xưa quan niệm "Ngũ thập tri thiên mệnh" (50 tuổi thi hiểu được mệnh trời). Thi sỹ của chúng ta đã sang tuổi thất thập. Cái mệnh mà ông nói ở đây không chỉ có ý nghĩa của sự tri túc mà xa hơn đó là cách quan niệm đầy nhân bản "phúc đức cao giầy" thì qua được mệnh giời. Đọc câu thơ khiến người đời không khỏi suy tư. Mới hay bản mệnh người đời dẫu có quan trọng nhưng mà việc tạo phúc ở đời mới chính là cách tạo mệnh của mình vậy. Cùng một mạch cảm hứng suy nghiệm về lẽ thế thái nhân tình thi sỹ Nguyễn Thiện viết: Nắng mưa là việc của thiên nhiên/ Đảo lộn tình người ấy chuyện riêng/ Quyền thế xa rời quên chốn cũ/ Giàu sang đổi bạn đổi tâm duyên/ Đường đời lên xuống vui buồn lẫn/ Thế sự vòng vo lúc hết quyền/ Xe ngựa tớ thày quay quắt cả/ Đó đây còn lại bóng chiều nghiêng. Những câu thơ trên thì đã rõ nhưng câu thơ kết có vẻ như một ẩn dụ.Tác giả cố tình để ngỏ câu trả lời, ngõ hầu tạo cho bạn đọc thơ mỗi người sẽ có một câu trả lời riêng cho chính mình. Có vẻ như đó là một lối thủ bút rất cao tay của nhưng người chơi thơ Đường.
Trên đây trong chừng mực kiến văn hạn hẹp của mình, tôi đã nói hết về những cái ưu của các tác giả.Tuy vậy tập thơ không phải không có những khiếm khuyết, như có nhưng bài thơ gieo vẫn thất luật, còn có bài thơ tuy đảm bảo được kết cấu nhưng có chỗ đối thanh, đối ý chưa thật chỉnh, hay có những bài thiên về cách gieo vần độc, lạ nhưng ngôn ngữ chưa theo kịp lối cảm xúc thi phẩm trở nên nặng về hình thức do đó dễ trở nên khuôn sáo...Nhưng như đã nói ở trên với tầm mức một tập thơ đầu tay của một câu lạc bộ, khó mà yêu cầu sự hoàn hảo. Các khiếm khuyết này có thể khắc phục được trong lần ra mắt tập thơ tiếp theo.
Mai Phương