Chiến lược phát triển du lịch Nghị quyết số 15/NQ/TU ngày 13-7-2009 của BCH Đảng bộ tỉnh Ninh Bình về "Phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" xác định du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp. Phát triển du lịch là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của mỗi người dân. Phát triển du lịch bền vững, từng bước đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực cùng phát triển. Coi trọng tính hiệu quả, tập trung đầu tư vào các lĩnh vực lưu trú, vui chơi giải trí, làng nghề, mua sắm, ẩm thực… nhằm thu hút khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của du khách để tăng thu nhập từ du lịch.
Với chính sách phát triển du lịch của tỉnh, ngành du lịch Ninh Bình đã có bước phát triển mạnh mẽ. Nhiều khu, điểm du lịch được hình thành, phát triển mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Đặc biệt, Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Có thể khẳng định, thời gian gần đây, hạ tầng cơ sở du lịch của tỉnh được đầu tư lớn. Nhiều khu du lịch được hình thành và phát triển với nhiều các loại hình du lịch: tham quan, du ngoạn, khám phá, học tập, nghiên cứu văn hóa lịch sử, văn hóa tâm linh…
Đã và đang có nhiều liên doanh, liên kết, các doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ du lịch. Nhiều công trình du lịch hoành tránh, quy mô to lớn đã và đang được đầu tư xây dựng. Có thể kể đến Khu du lịch sinh thái Tràng An vừa được ghi danh Di sản Văn hóa, Thiên nhiên thế giới. Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính - ngôi chùa có nhiều kỷ lục nhất Việt Nam. Khu du lịch Thung Nham được mệnh danh là "Xứ sở các loài chim" nằm cạnh Khu du lịch nổi tiếng Tam Cốc - Bích Động - được ví như "Vịnh Hạ Long cạn". Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long nơi có hệ sinh thái rừng cực kỳ đa dạng phong phú, còn được du khách gọi là "Vịnh không sóng"… Cùng với hàng loạt địa chỉ đang hoạt động đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, chữa bệnh cho du khách gần xa: Khu nghỉ dưỡng Cúc Phương, Emeralda, suối khoáng nóng Kênh Gà. Nhiều khách sạn cao cấp như khách sạn: Hoàng Sơn Peace, Ninh Bình Legend, The Vissai, Royal, Gold… có thể phục vụ yêu cầu ăn, nghỉ và tổ chức hội nghị, sự kiện trong nước và quốc tế.
Lượng khách du lịch đến tham quan, du lịch ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước, mỗi năm toàn tỉnh đón hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước. Trong năm 2015, lượng khách du lịch đến Ninh Bình đạt hơn 5,994 triệu lượt. Tính từ khi có Nghị quyết số 15, đến nay, lượng khách du lịch đến Ninh Bình hàng năm tăng 550 nghìn lượt khách (bình quân mỗi năm tăng khoảng 27%).
Lượng du khách là tín hiệu vui cho du lịch Ninh Bình và đồng thời cũng đặt ra khó khăn, thách thức mới với các cấp, ngành. Công tác quản lý môi trường, bảo đảm an ninh, an toàn tại các khu, điểm du lịch ngày càng đòi hỏi được cải thiện, tăng cường.
Đảm bảo môi trường văn hóa, an toàn cho du khách
Nhìn lại tổ chức hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh thời gian qua có thể thấy bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý môi trường, văn hóa, bảo đảm an ninh, trật tự các điểm du lịch còn tồn tại những bất cập. Vẫn còn tội phạm lợi dụng các hoạt động lễ hội đông người để trộm cắp, cướp giật, lừa đảo. Cùng với đó là ép giá, chèo kéo, đeo bám khách du lịch; công tác quản lý các hoạt động dịch vụ du lịch có lúc, có nơi còn lộn xộn, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường văn hóa, khả năng thu hút khách của tỉnh.
Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do công tác quản lý môi trường, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách còn nhiều bất cập, sự phối hợp giữa các cấp, ngành liên quan chưa chặt chẽ, lực lượng làm công tác bảo đảm an ninh, trật tự xã hội ở các khu, điểm du lịch còn mỏng. Thiếu các quy định, chế tài xử phạt hoặc việc xử phạt chưa đủ tính răn đe đối với các hành vi đeo bám, ép giá, lừa đảo du khách. Hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức, nếp sống văn minh cho khách du lịch và người dân ở các khu, điểm du lịch chưa cao.
Để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch trong thời kỳ mới mang tính chuyên nghiệp, hàng năm, ngành du lịch Ninh Bình đã đẩy mạnh sự liên kết, phối hợp của các nhà quản lý, trung tâm xúc tiến, các công ty lữ hành, các đơn vị đầu tư tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho thương hiệu du lịch Ninh Bình tại Hội chợ du lịch thương mại trong nước và quốc tế. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với doanh nghiệp và tranh thủ các dự án để mở hàng chục lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho nhiều lượt cán bộ, nhân viên, hướng dẫn viên đang hoạt động tại các khu, điểm du lịch và các làng nghề truyền thống;…. tham mưu phối hợp với các cấp, ngành, đơn vị triển khai nhiều hoạt động cụ thể, sâu sát thúc đẩy vì sự phát triển du lịch tỉnh nhà.
Ngành Công an đẩy mạnh phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nâng cao nhận thức về phòng ngừa tội phạm cho cộng đồng tại các khu, điểm du lịch, phổ biến kiến thức pháp luật liên quan đến giữ gìn an ninh trật tự, mở lớp bồi dưỡng kiến thức giao tiếp, ứng xử văn minh, lịch sự, thân thiện với du lịch cho cảnh sát giao thông, lực lượng thường xuyên tiếp xúc với du khách, tăng cường công tác quản lý xuất nhập cảnh, lưu trú đối với du khách là người nước ngoài, phòng ngừa ngăn chặn đối tượng lợi dung hoạt động du lịch để thực hiện hoạt động gây rối các khu, điểm du lịch và xâm phạm an ninh quốc gia. Ngành Giao thông- Vận tải tăng cường đầu tư xây mới, hoàn chỉnh các hạng mục đường, cầu, lắp đặt biển báo, biển chỉ dẫn giao thông, biển chỉ dẫn du lịch rõ ràng, phù hợp, đảm bảo an toàn giao thông, phòng ngừa ùn tắc giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến các khu, điểm du lịch vào các đợt lễ hội và thường nhật. Cùng với đó tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý triệt để tình trạng các phương tiện vận chuyển khách du lịch kinh doanh không phép, không niêm yết giá, thu cước vượt mức, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây phiền hà trong lưu thông vận tải. Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tăng cường phối hợp với các địa phương thực hiện các biện pháp nhằm giảm bớt tình trạng có người đi lang thang cơ nhỡ, ăn xin, giả danh ăn xin phiền nhiễu đến du khách, làm xấu hình ảnh văn hóa, văn minh ở các điểm du lịch. Ngành Y tế tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định… Đồng thời sẵn sàng phương tiện, lực lượng khắc phục giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra…
Các ban quản lý, trung tâm hỗ trợ du khách, các doanh nghiệp, tổ dịch vụ… đang quản lý, đầu tư khai thác du lịch tại các khu, điểm du lịch luôn nêu cao tinh thần hợp tác với các cơ quan chuyên môn, đôn đốc giao trách nhiệm cho từng bộ phận phụ trách đang vận hành tại đơn vị. Rà soát đào tạo nghề cho người lái đò, thực hành an toàn sông nước, an toàn đi rừng, an toàn cháy, nổ. Cùng với đó huy động mọi cộng đồng tích cực bảo vệ môi trường du lịch, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến các công trình văn hóa, di sản của quốc gia, quốc tế.
Ninh Bình đã, đang huy động các nguồn lực, tập trung khai thác hợp lý tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa - nhân văn, xây dựng vùng đất Cố đô là điểm đến an toàn, hấp dẫn khách du lịch và trở thành một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước. Muốn làm được điều này, không chỉ riêng ngành du lịch, mà còn cần sự huy động vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhà đầu tư, doanh nghiệp đến mỗi người dân từ trong suy nghĩ đến hành động, dù là nhỏ nhất cũng phải hướng tới sự chuyên nghiệp, tính an toàn, hấp dẫn đối với du khách.
Nguyễn Minh