Hàng chục ngày nay, bà Phạm Thị Hoan, Trưởng đội tế cửu khúc nữ quan thôn Đông Thành kiêm Trưởng đội tế cửu khúc nam quan xã Trường Yên tất bật đồng hành tập luyện cho cả đội tế nam và nữ của xã. Mỗi đội tế 25 người, các buổi tối quay vòng tập luyện để đảm bảo các khúc ca, tấu lễ được nhuần nhuyễn, đẹp mắt. Bà Hoan chia sẻ, vất vả là vậy nhưng ai cũng rất vui, bởi đó là niềm tự hào của mỗi người con quê hương xã Trường Yên. Bà Hoan đảm nhiệm vai trò là trưởng đội và là thành viên Đội tế nữ quan mấy chục năm qua. Vài năm gần đây, bà còn vinh dự được giao trọng trách hướng dẫn, chọn lựa và tập luyện cho Đội tế cửu khúc nam quan - Đội tế này được phục dựng lại nghi thức tế cửu khúc (9 đoạn) của triều đại vua chúa ngày xưa từ năm 2017. Phụ trách hai đội tế quan trọng trong lễ hội, bà Hoan cho biết, bà và các thành viên luôn ý thức cao trong việc tập luyện.
Điều thuận lợi là tất cả các thành viên trong các Đội tế đều là những người có niềm yêu thích văn hóa văn nghệ, nhiệt tình với các hoạt động văn hóa tâm linh của làng, của xã, nên đều có ý thức tập luyện dày công và nghiêm túc, cơ bản nhuần nhuyễn theo đúng bài tế được phục dựng, đảm bảo đúng theo các nghi lễ truyền thống được lưu truyền. Các Đội tế sẽ thực hiện tế lễ vào tối ngày mùng 9 và 10/3 âm lịch, góp phần lưu giữ và bảo tồn nét văn hóa truyền thống thời vua Đinh, vua Lê.
Đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Chủ tịch UBND xã Trường Yên cho biết: Là nơi diễn ra các hoạt động trong Lễ hội Hoa Lư năm 2019, xã Trường Yên với những phần việc được Ban Tổ chức lễ hội cấp tỉnh giao cho đã và đang tập trung triển khai thực hiện nhằm đảm bảo tổ chức tốt nhất một lễ hội với quy mô cấp tỉnh, mang vị thế của Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Để các hoạt động tổ chức phục vụ lễ hội đảm bảo yêu cầu đề ra, UBND xã đã thành lập Ban phục vụ lễ hội Hoa Lư năm 2019 với trên 20 thành viên, phân công nhiệm vụ cụ thể, gắn trách nhiệm ở từng khâu, từng công đoạn cho từng thành viên, tổ chức, đoàn thể, các thôn, xóm trên địa bàn một cách cụ thể, chi tiết, đảm bảo thực hiện hiệu quả, chất lượng nhất. Cụ thể như: MTTQ xã chịu trách nhiệm về văn tế, đội tế, nhạc lễ; Đoàn thanh niên đảm nhiệm việc khênh các kiệu trong lễ rước nước, giữ gìn an ninh trật tự; Hội nông dân được giao 2 đội Rồng và thi chèo thuyền khéo;
Hội phụ nữ là lực lượng nòng cốt khi tham gia các hoạt động lễ hội như khênh các kiệu quả, kiệu hoa, kiệu võng, tham gia đội tế nữ quan; Văn phòng UBND xã đảm nhiệm công tác hậu cần và chuẩn bị các mâm lễ với nhiều phẩm vật theo yêu cầu… Cùng với đó, để đảm bảo tiến độ và kế hoạch, Ban phục vụ lễ hội xã Trường Yên thường xuyên tổ chức các cuộc họp triển khai nhiệm vụ, thực hiện báo cáo tiến độ công việc được giao, nắm bắt những vướng mắc, khó khăn để xử lý hoặc xin ý kiến tháo gỡ kịp thời.
Để tạo ấn tượng và thông báo rộng rãi về lễ hội đến người dân và du khách, công tác thông tin, tuyên truyền được xã Trường Yên tổ chức làm 3 đợt: Đợt thứ nhất, trước dịp Lễ hội (từ ngày 20/2 đến ngày 31/3); đợt thứ 2 (là đợt tuyên truyền cao điểm từ ngày 1/4 đến ngày 20/4) và đợt thứ 3 (sau dịp Lễ hội, từ ngày 21/4 đến ngày 5/5/2019). Trong đó tập trung tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh xã với gần 40 lượt tin, bài về vị trí, vai trò và giá trị lịch sử to lớn của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam; tuyên truyền về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chuẩn bị tổ chức Lễ hội; các hoạt động, phong trào thi đua yêu nước chào mừng Lễ hội của các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội trên địa bàn xã.
Đặc biệt năm nay, xã Trường Yên đã huy động được nguồn kinh phí từ nguồn xã hội hóa đổ bê tông trên 100m2 đường xuống bến thuyền phục vụ lễ Rước nước, với nguồn kinh phí 50 triệu đồng. Đồng thời, cũng từ nguồn kinh phí xã hội hóa đã sửa chữa và đóng mới được 17 thuyền, trong đó có 6 thuyền đóng mới, đủ phục vụ cho Lễ rước nước. Công tác tuyên truyền trực quan và trên đài truyền thanh được quan tâm, chỉ đạo. Trên các trục đường chính của xã và đường vào Trung tâm bảo tồn di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư được chăng treo hàng nghìn cờ các loại, 30 băng zôn, biển hiệu chào mừng…
Xã cũng chỉ đạo các thôn, hộ dân dọc tuyến đường trục chính từ phủ Thành Hoàng đến Đền vua Đinh, vua Lê, với chiều dài gần 3km, thực hiện mỗi hộ dân treo 2 giỏ hoa dạ yến thảo, hoa phong lữ, với gần 700 giỏ hoa và 130 chậu hoa, tổng kinh phí trên 20 triệu đồng. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan, trường học, các thôn, xóm chỉnh trang, trồng lại và trồng bổ sung các chậu hoa đã úa hỏng, không đảm bảo. Các thôn tổ chức chăng treo cờ tại hội trường thôn, các trục đường của thôn và tuyên truyền, vận động nhân dân treo cờ tại nhà...
Đến thời điểm hiện nay, các phần việc, công đoạn phục vụ Lễ hội được giao cho xã Trường Yên đã cơ bản hoàn tất và theo đúng tiến độ kế hoạch. Công tác lễ tân và hậu cần được chuẩn bị chu đáo bằng việc đặt hàng, ký kết hợp đồng tại các cơ sở cung cấp thực phẩm đảm bảo uy tín, chất lượng. Những người tham gia, phục vụ các đoàn tế lễ, phường bát âm… đều được chuẩn bị đầy đủ quần, áo, mũ, hài. Các kiệu, lọng, tán, ô che phục vụ lễ hội được sửa chữa, bổ sung, trang trí đảm bảo đầy đủ, đẹp mắt.
Xã đã chuẩn bị đủ thuyền, huy động gần 1 nghìn người tham gia, các đoàn tế của các thôn, xóm; hàng trăm học sinh tham gia cầm cờ thần, cờ Tổ quốc, cờ chuối. Các thôn, xóm tổ chức dọn dẹp, vệ sinh môi trường, chỉnh trang nhà cửa, đảm bảo xanh, sạch, đẹp. Các hàng quán được tuyên truyền thực hiện kinh doanh văn minh, lịch sự, không bán hàng rong, nài ép, chặt chém khách...
Tất cả các hoạt động phục vụ Lễ hội được lên phương án, kịch bản và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, cụ thể, đảm bảo cho Lễ hội Hoa Lư năm 2019 diễn ra trang trọng, ấn tượng, tuyệt đối an toàn và tiết kiệm, để lại ấn tượng tốt đẹp về nếp sống văn hóa, lễ hội văn minh đối với mỗi du khách khi có dịp về với Lễ hội Hoa Lư và đến với Ninh Bình.
Hạnh Chi