Tỉnh Ninh Bình có Quần thể Danh thắng Tràng An là điểm du lịch được Ủy ban Di sản Thế giới công nhận là Di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới, hiện đang là điểm đến rất hấp hấp khách du lịch. Tuy nhiên, trong thời gian qua, lượng khách du lịch Nhật Bản đến tham quan du lịch Việt Nam nói chung, Ninh Bình nói riêng còn hạn chế.
Do đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL ) Ninh Bình đã phối hợp với JICA, thông qua hoạt động của hai tình nguyện viên Nhật Bản, công tác tại Sở VHTTDL Ninh Bình để nghiên cứu sản phẩm du lịch Ninh Bình, tuyên truyền quảng bá tại thị trường du lịch Nhật Bản nhằm thu hút khách du lịch Nhật Bản đến Ninh Bình.
Tình nguyện viên Endo Ayakođược cử đến làm việc tại Phòng Nghiệp vụ Du lịch, tình nguyện viên Suzuki Shihođược cử đến Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch, Sở VHTTDL tỉnh Ninh Bình. Theo đó, tình nguyện viên Endo Ayako có nhiệm vụ hỗ trợ cải thiện dịch vụ du lịch và phát triển hệ thống tiếp nhận khách du lịch ở Ninh Bình. Tình nguyện viên Suzuki Shiho có nhiệm vụ hỗ trợ khai thác thị trường khách du lịch Nhật Bản.
Tình nguyện viên Endo Ayako: Cần thay đổi ý thức về thời gian của người Việt
Nói về công việc của mình, chị Endo Ayako cho biết, hiện tại chị đang triển khai 3 hoạt động chính ở Ninh Binh, bao gồm: phát triển du lịch nông thôn ở Vân Long; cải thiện dịch vụ tại khách sạn, nhà hàng; dạy tiếng Nhật cho các cán bộ của Sở VHTTDL tỉnh Ninh Bình.
Chị Endo chia sẻ, ở Vân Long - nơi được công nhận là khu bảo tồn thiên nhiên, khách du lịch có thể du ngoạn trên những chiếc thuyền nhỏ và thưởng thức cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Ngoài ra, khách du lịch còn có thể ngủ lại nhà dân, trải nghiệm làm nông nghiệp.
Chị cùng các đồng nghiệp đang triển khai những hoạt động để phát triển hệ thống tiếp nhận khách du lịch nước ngoài ở các hộ gia đình có dịch vụ cho người nước ngoài ngủ lại, các hộ gia đình có dịch vụ ăn uống, giải khát…. Các hoạt động phát triển du lịch khác cũng được triển khai để khách nước ngoài đến tham quan Ninh Bình thấy hài lòng với hoạt động tiếp đón và từ đó có thể sử dụng thời gian ở Ninh Bình một cách hiệu quả.
Ngoài ra, dịch vụ du lịch cho các hộ gia đình bán quà lưu niệm cũng được cải thiện, để họ có ý thức không ép khách mua hàng mà tôn trọng ý muốn của khách. "Tôi cũng mong muốn nâng cao ý thức của người dân về du lịch sinh thái, giá trị của thiên nhiên, tầm quan trọng của việc bảo vệ khu bảo tồn thiên nhiên này với cuộc sống thường ngày để từ đó người dân có thể truyền tải những thông điệp đó cho khách du lịch" - chị Endo nói.
Về hoạt động cải thiện dịch vụ tại khách sạn, nhà hàng, chị Endo cho biết: "Tôi chủ yếu triển khai các hoạt động cải thiện dịch vụ ở khu lễ tân và nhà hàng. Tôi là người nước ngoài nên với con mắt của người nước ngoài, tôi tìm ra những điểm cần phải cải thiện mà bình thường người Việt Nam khó có thể nhận ra.
Sau đó, tôi sẽ trực tiếp cùng làm và hướng dẫn các cán bộ của khách sạn giải quyết những điểm còn thiếu sót đó. Ngoài ra, tôi cũng mở các hội thảo về dịch vụ tiếp khách, các lớp tiếng Nhật tại các khách sạn. Ở các hội thảo, tôi hướng dẫn nhân viên khách sạn về các phong tục, thói quen của người Nhật, cách cúi chào, cách trang điểm, cách nhặt đồ, cách nghe điện thoại…theo kiểu của Nhật".
Chị Endo cho rằng, đối với dịch vụ tiếp khách, điều quan trọng nhất là cải thiện ý thức phục vụ. Việc cải thiện ý thức còn hơn cả cải thiện kỹ năng và không phải chuyện có thể làm được ngay. "Dù bạn đã được học các kỹ năng, nhưng nếu không có "tâm" phục vụ khách hàng hay không có ý muốn thực hành các kỹ năng đó thì không thể phục vụ khách hàng một cách tốt nhất được. Ngoài ra, "tâm" phục vụ khách hàng không phải là thứ có thể nhìn thấy nên việc dạy cái không thể nhìn thấy thực sự là điều rất khó" - chị nói.
Chị Endo còn tham gia dạy tiếng Nhật cho các cán bộ của Sở VHTTDL tỉnh Ninh Bình. Chị không dạy theo hình thức giảng dạy cho những người học và nghiên cứu tiếng Nhật mà theo hình thức làm quen với tiếng Nhật từ những câu hội thoại đơn giản hàng ngày kết hợp với giới thiệu văn hóa Nhật Bản.
Chị chia sẻ: "Tôi mong muốn xây dựng một lớp học mà mọi người cảm thấy thích thú khi được học tiếng Nhật và được tìm hiểu về văn hóa Nhật. Tôi cảm thấy rất vui khi các cán bộ của Sở VHTTDL tỉnh Ninh Bình đã nói được tiếng Nhật và trong các sự kiện giới thiệu du lịch Ninh Bình cho phía Nhật Bản họ đã có thể giới thiệu bằng tiếng Nhật".
Sau hơn 1 năm làm việc, cô gái Nhật Bản cho biết, chị đã thích nghi được với cuộc sống tại Việt Nam. Tuy nhiên, chị vẫn chưa quen với ý thức về thời gian của mọi người ở đây. Chị chia sẻ rằng, tàu siêu tốc Shinkansen và tàu điện ở Nhật hoạt động chính xác theo đơn vị giây. Chỉ cần muộn 30 giây thôi cũng đã là lỗi lớn, gây ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống tàu điện. Điều này khiến cho người Nhật được cả thế giới công nhận là rất tôn trọng giờ giấc.
Tuy nhiên ở Việt Nam, đã xảy ra trường hợp khi khách hàng người Nhật tới khách sạn, nhân viên khách sạn chậm trễ, không tôn trọng thời gian nên khách hàng Nhật không thể đi kịp đến địa điểm du lịch. Ở Nhật đây là một lỗi rất nghiêm trọng. Do vậy, việc chậm giờ đã không ít lần gây phiền phức và khó chịu cho khách du lịch. Chị mong rằng, vấn đề này sẽ được cải thiện trong thời gian tới, có như vậy, mới góp phần nâng cao chất lượng ngành du lịch .
Tình nguyện viênSuzuki Shiho: Cần cho mọi người biết về cái tên "Ninh Bình"
Chị Suzuki Shiho học về lữ hành và du lịch trong khoảng 6 năm tại Hoa Kỳ. Sau khi tốt nghiệp đại học, chị đã vào làm việc cho một công ty hàng không trong 1 năm tại Hawaii rồi quay về Nhật Bản. Ở Nhật Bản, chị làm việc cho một công ty tổ chức xúc tiến sự kiện và đến năm 2014, chị sang Việt Nam để làm tình nguyện viên hỗ trợ phát triển du lịch Ninh Bình.
Công việc của chị chủ yếu là hỗ trợ khai thác thị trường khách du lịch Nhật Bản. "Nội dung công việc của tôi là tìm hiểu về nhu cầu, nguyện vọng của khách du lịch Nhật Bản, khảo sát về tài nguyên du lịch để phát triển du lịch Ninh Bình hơn nữa, và phát triển phù hợp với nhu cầu của khách du lịch Nhật Bản, xây dụng trang web du lịch Ninh Bình bằng ngôn ngữ tiếng Nhật và xuất bản một số tài liệu bằng ngôn ngữ tiếng Nhật để xúc tiến quảng bá du lịch Ninh Bình" - chị nói.
Trong đó, một trong những hoạt động của chị Suzuki tại Ninh Bình là xây dựng bản đồ du lịch Ninh Bình bằng tiếng Nhật. Để làm được bản đồ du lịch này chị đã dành rất nhiều thời gian điều tra, khảo sát cũng như nhiều công sức đến thăm các điểm du lịch nhiều lần, chụp rất nhiều ảnh ở cùng một địa điểm với thời gian khác nhau.
Ngoài ra, về hoạt động hợp tác của các khách sạn ở Ninh Bình, chị cũng đang tiến hành khảo sát khách du lịch Nhật Bản về du lịch và dịch vụ khách sạn ở Ninh Bình. Mặc dù số lượng câu trả lời từ khách du lịch Nhật Bản còn ít nhưng đã có rất nhiều ý kiến đóng góp quý báu từ họ. Những ý kiến đó rất có ích cho công tác điều tra thị trường khách du lịch Nhật Bản, giúp ích rất nhiều trong việc tìm ra các điểm cải thiện cho các khách sạn cũng như cho Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh Ninh Bình.
Về công tác quảng bá du lịch Ninh Bình, chị Suzuki cho rằng: "Điều cần thiết là chúng ta cần cho mọi người biết về cái tên "Ninh Bình". Năm 2014 đã có 1 điểm du lịch ở Ninh Bình được công nhận là di sản thế giới và thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người nhưng thực tế là thị trường khách du lịch Nhật Bản vẫn chưa được khai thác nhiều.
Bản đồ du lịch Ninh Bình đã hoàn thành, Website du lịch Ninh Bình thì đang trong quá trình xây dựng và tôi sẽ sử dụng những công cụ này để quảng bá du lịch Ninh Bình cho thị trường Nhật Bản. Hiện tại, khi khách du lịch đến Việt Nam thì thường là "đi Hà Nội nên tiện thể đi Ninh Bình" hoặc "đi Vịnh Hạ Long nên tiện thể đi Ninh Bình" nhưng mong muốn của tôi sau này khách du lịch sẽ "vì muốn đi Ninh Bình nên chọn Việt Nam là điểm đến".
Hai tình nguyện viên Nhật Bản tuy mới làm việc tại Việt Nam hơn 1 năm nhưng những đóng góp của các chị đối với hoạt động du lịch của tỉnh Ninh Bình là rất đáng ghi nhận. Mong rằng, với sự nỗ lực không ngừng của địa phương và sự phối hợp của hai tình nguyện viên Endo và Suzuki, Ninh Bình sẽ là một điểm đến hấp dẫn không chỉ với khách du lịch Nhật Bản mà còn với khách du lịch trên toàn thế giới.