Nơi đây đã được ông tổ thiền phái Trúc Lâm-Phật hoàng Trần Nhân Tông (thế kỷ XIII) cảm nhận và vinh danh bằng ngôn ngữ thơ ca: "Lặng lẽ nghìn non rơi lá đỏ, mây giăng như mộng tiếng chuông xa", nơi được danh nhân Cao Bá Quát (thế kỷ XIX) ví: "Sông tựa dải là cô gái đẹp; núi như chén úp khách làng say", nơi ôm ấp Kinh đô nước Đại Cồ Việt ở thế kỷ thứ X và là hành cung của nhà Trần chống lại quân Nguyên - Mông ở thế kỷ XIII. Một khu vực có nhiều giá trị thiên nhiên và văn hóa, cùng hòa quyện, cùng thăng hoa, cùng nâng tầm giá trị nổi bật toàn cầu, nơi có nhiều di tích lịch sử, thắng cảnh nổi tiếng, gắn liền với hàng trăm tín ngưỡng, tâm linh về nhiên thần và nhân thần huyền bí.
Tràng An- nơi hội tụ những di sản
PGS.TS Nguyễn Khắc Sử (Viện Khảo cổ học Việt Nam) cho biết: Trên 30 di tích khảo cổ học thời tiền sử đã được phát hiện trong Quần thể danh thắng Tràng An, gồm những di tích trong hang động, mái đá và trên các thềm đất cát ven chân núi. Qua kết quả nghiên cứu và phân tích đã cho chúng ta hiểu được cách người tiền sử thích nghi với biến cố lớn về môi trường, cảnh quan. ít nhất là từ khoảng 23.000 năm đến nay, một số nền văn hóa tiền sử đã tiến hóa liên tục ở khu vực này, từ thời đồ đá cũ qua thời đại Đá mới đến thời đại đồ Sắt và đồ Đồng. Trong khoảng thời gian đó, khu vực này cũng đã trải qua một số lần dao động mực nước biển đáng kể.
Trong điều kiện tự nhiên đặc biệt, hầu như chỉ có đá vôi là chất liệu đá duy nhất, người Tràng An đã biết sử dụng nó làm công cụ lao động ít nhất cho đến cách ngày nay khoảng 3.000 năm, trong quá trình đó đã nhận biết được rằng đá vôi đô-lô-mít thuộc loại chất liệu tốt nhất có thể có. Đồng thời với giai đoạn biển tiến lớn nhất cuối cùng (khoảng 7.000-4.000 năm trước) người tiền sử Tràng An đã biết tới nghệ thuật làm đồ gốm. Những chứng cứ sớm nhất được cho là tương đương với gốm Đa Bút ở Thanh Hóa (6.000 năm trước), nhưng thực tế đã được làm ra ở đây sớm hơn nhiều (khoảng 9.000 năm trước) và tiến hóa liên tục qua thời đại Kim khí (khoảng 4.000-3.500 năm trước) đến tận sau này. Việc sử dụng đồ gốm từ sớm và liên tục ở Tràng An chứng tỏ rằng một trung tâm gốm sứ rất khác biệt so với nhiều trung tâm gốm sứ khác ở Việt Nam đã từng tồn tại ở đây.
Cùng quan điểm về khảo cổ học với PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, TS. Masanari Nishimura (Nhật Bản) qua nghiên cứu khảo cổ học tiền sử Quần thể danh thắng Tràng An đã khẳng định: Cách đây 5.000-6.000 năm trước, có một trận động đất lớn ở Tràng An và người Việt cổ ở Tràng An đã trải qua nhiều sự biến đổi của thiên nhiên để thích ứng và phát triển cho đến ngày nay, tạo nên một giá trị về một nền văn hóa Tràng An.
Bên cạnh những giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa và thẩm mỹ, Quần thể Tràng An còn là ví dụ nổi bật, đại diện cho các giai đoạn lịch sử chính của trái đất, bao gồm cả tiến trình phát triển sự sống, những quá trình địa chất đang hình thành nên các dạng địa hình, các đặc điểm địa mạo hoặc sơn văn nổi bật.
Cảnh quan, địa chất, địa mạo của Tràng An là một trong những cảnh quan karst dạng tháp nổi bật nhất trên trái đất, với tập hợp vô cùng phong phú và ấn tượng các tháp karst đơn lẻ, muôn hình vạn trạng, nổi cao khoảng 200m ở ven rìa khối đá vôi Tràng An, trên nền những cánh đồng bằng phẳng. Vào trung tâm khối là cảnh quan dạng chóp nón, đỉnh liên kết với nhau bao quanh các hố sụt nông, khô hoặc các thung lũng sâu, kín, đẳng thước hoặc kéo dài dạng tuyến, vách dựng đứng và quanh năm ngập nước…
Sự có mặt của nhiều dạng cảnh quan karst dạng tháp và chóp nón đã khiến Tràng An trở nên khác biệt so với các vùng karst khác trên thế giới. Cộng hưởng với màu sắc, đường nét và vẻ đẹp của cảnh quan là lớp phủ thực vật nguyên sinh dày khắp mọi nơi, trên đỉnh các tháp, chóp, thậm chí cheo leo trên các vách núi. Không hề kém cạnh là hệ sinh thái đất ngập nước cùng mạng lưới dày đặc các dòng chảy êm nhẹ, xanh và sạch; nhiều nơi sông chảy qua những đoạn hang động ngầm dài, tối với muôn hình vạn trạng các nhũ đá rủ xuống từ trần hang. Cùng với đó là những cánh đồng lúa dọc hai bên triền sông và chiếm phần lớn diện tích vùng đệm… Thật dễ hiểu vì sao đây lại là cái nôi của người Việt cổ với dày đặc các di tích văn hóa-lịch sử…TS. Trần Tân Văn đã khẳng định.
Hành trình hướng đến di sản thế giới.
Việc tiếp nối và vinh danh khu vực này là trọng trách của thế hệ hôm nay để bảo tồn di sản cho thế hệ mai sau. Trong xu thế hội nhập quốc tế, việc ghi danh khu vực này vào Danh mục di sản Thế giới càng là vấn đề cấp bách và có ý nghĩa lớn lao.
Nhận thức được trọng trách đó, đầu năm 2011 tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là di sản thế giới. Sau khi có ý kiến đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, ngày 30-9-2011, Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO đã chính thức đưa Quần thể danh thắng Tràng An vào Danh mục Dự kiến. Để triển khai lập hồ sơ di sản thế giới, tỉnh Ninh Bình đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng hồ sơ do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, đồng thời thành lập Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An để thống nhất quản lý di sản theo yêu cầu của UNESCO và trực tiếp tổ chức việc xây dựng hồ sơ.
Qua nghiên cứu sơ bộ, tham vấn ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức hội thảo khoa học "Xác định giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An" và thống nhất những tiêu chí chính thức để xây dựng hồ sơ di sản thế giới. Với những thông tin khoa học hiện có, qua hội thảo, các nhà khoa học đã xác định và lựa chọn được ba tiêu chí chính thức xây dựng hồ sơ di sản thế giới, đó là tiêu chí 5 (về giá trị văn hóa), tiêu chí 7 (về giá trị thẩm mỹ) và tiêu chí 8 (về giá trị địa chất, địa mạo).
Việc lựa chọn các tiêu chí để xây dựng hồ sơ của Ninh Bình đã được GS-TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia đánh giá: "Nếu chỉ có những giá trị về cảnh quan, địa chất, địa mạo, Tràng An khó có thể đánh giá hết những giá trị của mình để tạo nên sự nổi bật toàn cầu, nhưng thế mạnh của Tràng An chính là những giá trị về văn hóa tiêu biểu của khu vực Đông Nam á. Đây là khu vực có núi, có biển, đất liền. Sự chuyển dịch của văn hóa loài người để thích ứng được với thiên nhiên và sống sót đến ngày nay đã tạo nên một chương cơ bản trong lịch sử loài người, vì vậy, nó có ý nghĩa nổi bật toàn cầu. Với những giá trị to lớn về văn hóa ở Tràng An cùng với giá trị về cảnh quan, địa chất, địa mạo độc đáo, tin rằng Tràng An sẽ là thành viên tiếp theo của di sản thế giới ở Việt Nam".
Đồng chí Trần Hữu Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Với những giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa, địa chất, địa mạo và thẩm mỹ đã được các nhà khoa học trong nước và quốc tế nhận diện và khẳng định trong hồ sơ, cùng với lợi thế là hồ sơ hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam do chuyên gia quốc tế tư vấn, trực tiếp viết và chỉnh sửa; các nội dung của hồ sơ được trình bày đẹp, khoa học, văn phong mạch lạc, đảm bảo đầy đủ các thành phần theo yêu cầu, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng Quần thể danh thắng Tràng An sẽ trở thành Di sản Thế giới mới của Việt Nam vào tháng 6-2014, tại Kỳ họp lần thứ 38, ủy ban Di sản Thế giới (họp tại Qartar).
Nguyễn Thơm