Cùng dự còn có đồng chí Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục Trưởng, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); đại diện Vụ Lữ hành; lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình; 51 doanh nghiệp Lữ hành, đại diện của 20 cơ quan báo, đài truyền hình ở Trung ương trong cả nước về Ninh Bình nghiên cứu, khảo sát sản phẩm du lịch giới thiệu cho khách du lịch.
Tại buổi tọa đàm, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch (Sở VH,TT &b DL Ninh Bình) giới thiệu khái quát về du lịch Ninh Bình, trong đó nhấn mạnh về ưu thế phát triển: Vị trí địa lý thuận lợi; địa hình đa dạng; tài nguyên phong phú và đặc sắc. Đồng thời thông tin về những chính sách, định hướng phát triển du lịch Ninh Bình trong thời gian tới với các dự án đang được đầu tư, hứa hẹn những sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút khách du lịch, đó là: Công viên động vật hoang dã quốc gia, dự kiến hoàn thành năm 2020; Tổ hợp dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, tắm khoáng nóng Kênh Gà, dự kiến hoàn thành năm 2030; Khu sinh thái biển Cồn Nổi, dự kiến hoàn thành năm 2021.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chúc chương trình khảo sát và tọa đàm thành công tốt đẹp. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng khái quát tiềm năng, thế mạnh và sự phát triển đa dạng các loại hình du lịch văn hóa, tâm linh, nghỉ dưỡng,… của địa phương.
Đồng thời ghi nhận, Chương trình khảo sát và tọa đàm xây dựng sản phẩm du lịch có ý nghĩa lớn với sự phát triển ngành du lịch Ninh Bình. Đây là dịp để các chuyên gia, các doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp du lịch trong cả nước trao đổi thông tin, kinh nghiệm tìm ra các giải pháp nhằm tăng cường liên kết tour, tuyến du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch mới.
Đồng thời đóng góp những ý kiến quý báu để du lịch Ninh Bình phát triển ngày càng chuyên nghiệp hơn, dần vươn lên trở thành điểm du lịch trọng điểm của đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Đại diện các doanh nghiệp lữ hành có nhận xét, đưa ra những sáng kiến giúp Ninh Bình có những giải pháp phát triển du lịch, như: Để kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch, Ninh Bình cần đẩy mạnh phát triển các loại hình văn hóa truyền thống của địa phương phục vụ khách du lịch; tăng cường đầu tư các điểm vui chơi giải trí về đêm, hình thành chợ đêm phục vụ khách du lịch Ninh Bình; nên khai thác vẻ đẹp du lịch ở trên cao (có thể bằng cáp treo, máy bay, tầu lượn...), đầu tư khai thác các sản phẩm du lịch phải chú ý đến độ tinh tế, độc đáo.
Quan tâm đến tính liên kết các sản phẩm du lịch giữa các vùng miền, các địa phương, đan xen giữa các mùa trong năm; Tăng cường đầu tư đào tạo nguồn nhân lực mới và tại chỗ, đào tạo kỹ năng du lịch, nâng cao trình độ ngoại ngữ...; Ninh Bình còn thiếu sản phẩm đặc sản, quà lưu niệm đặc trưng; Ninh Bình tăng cường đầu tư, mời gọi tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa lớn mang tầm quốc gia, khu vực...
Đồng chí Bùi Thành Đông, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tiếp thu và ghi nhận những ý kiến chia sẻ hữu ích từ các doanh nghiệp lữ hành, đại diện các cơ quan truyền thông và với chức năng, nhiệm vụ, Sở sẽ tham mưu cho lãnh đạo tỉnh các bước đi phù hợp nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại để du lịch Ninh Bình phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Trước đó, các ngày 16 và 17/6, các đại biểu đi nghiên cứu, khảo sát thực tế một số khu, điểm du lịch và cơ sở dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh gồm: Bảo tàng Ninh Bình, Núi và chùa Non Nước, Động Hoa Lư, Đền Vua Đinh Tiên Hoàng (xã Gia Phương), Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long, Khu du lịch sinh thái Tràng An, Trải nghiệm chùa Bái Đính về đêm và một số Nhà hàng, Khách sạn...
Tin, ảnh: Minh Đường