Mặc dù diện tích không lớn nhưng Ninh Bình vẫn có đủ núi đồi, đồng bằng và biển với nhiều giá trị di sản nổi bật, trong đó có các giá trị khảo cổ, cả tiền sử lẫn lịch sử.
Vị trí địa lý đó đã tạo nên một "Văn hóa Ninh Bình" đặc sắc phát triển trên nền tảng của "Văn minh châu thổ sông Hồng". Các nhà khảo cổ đã chứng minh rằng nơi đây từng là cái nôi của người tiền sử, với các phát hiện xương răng đười ươi và động vật trên cạn thuộc sơ kỳ đá cũ ở núi Ba (thị xã Tam Điệp); di chỉ văn hóa Hòa Bình trong hang động người xưa ở Vườn Quốc gia Cúc Phương và một số hang động khác ở Tam Điệp, Nho Quan; di chỉ văn hóa đồ đá mới ở đồng bằng ven biển Ninh Bình như di chỉ Đồng Vườn (Yên Mô), phát triển lên di chỉ Mán Bạc ở giai đoạn văn hóa đồ đồng từ cuối Phùng Nguyên đến đầu Đồng Đậu…
Thời gian gần đây, các nhà khoa học Viện Khảo cổ học đã tiến hành một loạt điều tra, khảo cổ bổ sung ở khu vực Tràng An. Họ còn phát hiện ra di chỉ khảo cổ học tiền sử ở 16 hang động khác cùng với 5 di tích chùa hang thời kỳ lịch sử và con số này đang còn tiếp tục tăng thêm. Kết quả điều tra khảo cổ cho thấy, ngoài các hang đã khảo sát ở trung tâm khối đá vôi Tràng An, các di tích khảo cổ mới phát hiện ở đây phân bố với mật độ cao trong các thung lũng karst ngập nước, tập trung thành một số cụm ở ven rìa khối.
Tầng văn hóa ở các hang động này dày từ 0,5-2m, được bảo tồn nguyên vẹn và chứa rất nhiều công cụ lao động, đồ gốm, các tàn tích thức ăn của người xưa để lại như xương động vật, vỏ các nhuyễn thể, các loài giáp xác… Đặc biệt đã tìm thấy 3 di cốt người trong số 6 địa điểm thám sát, cho thấy ngoài chức năng cư trú, hang động còn là nơi chế tác công cụ, nơi để mộ táng, đổ chất thải…
Tính chất và sự phân bố các di tích khảo cổ tiền sử hang động thể hiện rõ môi trường sống thời kỳ đầu là lục địa nhưng kể từ 7.000 năm BP trở đi, người tiền sử ở đây đã hạ dần độ cao sinh sống và tỏa rộng ra ven rìa khối đá vôi để thích ứng với các biến đổi của môi trường, khí hậu và đã tìm kiếm, khai thác thêm nguồn thức ăn từ biển. Các di tích chùa hang cũng như Cố đô Hoa Lư cũng chứng tỏ rằng sau khi hạ thấp độ cao và mở rộng không gian cư trú, con người ở khu vực này đã mạnh dạn bước ra khỏi các hang động và mặc dù không từ bỏ các hang động hoàn toàn, họ đã tích cực tận dụng các điều kiện tự nhiên để xây dựng nên ở đây một kinh đô đầu tiên của nhà nước Việt Nam phong kiến độc lập cách đây hơn 1 nghìn năm.
Kết quả khảo cổ cũng cho thấy người tiền sử ở Tràng An đã duy trì truyền thống chế tác đá và sử dụng công cụ ghè đẽo làm từ đá vôi ngay từ khoảng 23.000 năm trước và kéo dài liên tục cho đến cách ngày nay khoảng 3.000 năm - một nét nổi bật so với nhiều khu vực khác ở Việt Nam.
Đồ gốm xuất hiện sớm, tương đương hoặc thậm chí sớm hơn văn hóa Đa Bút (9.000 năm so với 6.000 năm), đồng nhất cao về chất liệu, loại hình và hoa văn trang trí giữa các di tích, minh chứng cho sự thống nhất về văn hóa, đồng thời cũng cho thấy Tràng An là một trung tâm gốm sớm của khu vực này.
Những kết quả khảo cổ nêu trên cho thấy, văn hóa Tràng An mặc dù đang được coi là tương đương với văn hóa Hòa Bình nhưng vẫn có một số đặc trưng khác với các văn hóa khảo cổ đã biết ở Việt Nam như: văn hóa Hòa Bình (khởi từ Hòa Bình, 17.000 đến 7.000 năm BP - chỉ giới hạn ở các hang động đá vôi trong điều kiện lục địa); văn hóa Đa Bút (khởi từ Thanh Hóa, 6.500-4.000 năm BP - thu lượm hến sông ở giai đoạn đầu và chuyển sang khai thác thức ăn từ biển ở giai đoạn sau); văn hóa Quỳnh Văn (khởi từ Nghệ An, 6.000-3.500 BP- sinh sống ven vùng biển kín)…
Bên cạnh những khác biệt về không gian cư trú, điều kiện sống và nguồn thức ăn, văn hóa Tràng An cũng còn khác biệt với những nền văn hóa khảo cổ tiền sử kể trên về chất liệu, loại hình, kỹ thuật gia công công cụ đá, về truyền thống chế tác và sử dụng đồ gốm… hơn thế nữa, văn hóa Tràng An đã có sự giao thoa, tiếp xúc và diễn tiến liên tục để bước từ nguyên thủy sang văn minh ở một địa bàn hết sức đặc trưng của vùng thung lũng karst ngập nước, tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên để xây dựng nên ở đây kinh đô đầu tiên của Nhà nước Việt Nam phong kiến độc lập và còn tiếp tục đến ngày nay.
Những di vật nêu trên được khai quật, đo vẽ, thu thập, định danh, phân tích và xác định tuổi một cách cẩn thận, chuyên nghiệp, chính xác. Những bằng chứng cụ thể này được hỗ trợ bởi nhiều bằng chứng lịch sử và văn hóa khác như hệ thống các đình chùa, miếu mạo, hệ thống các lễ hội, kho tàng văn học dân gian, đồ thủ công mỹ nghệ… tất cả cho phép khẳng định tính chân xác của các giá trị di sản văn hóa Tràng An.
Bảo Yến