Yên Mô được xem là cái nôi của nghệ thuật hát Xẩm gắn với tên tuổi của cố nghệ nhân, nghệ sĩ ưu tú Hà Thị Cầu. Sau khi bà Cầu về với "tổ tiên", nhiều người lo lắng loại hình nghệ thuật dân gian này sẽ bị lãng quên trên chính quê hương của Xẩm. Nhưng không, thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Giữa dòng chảy hối hả của đời sống đương đại, Xẩm vẫn tồn tại một cách mạnh mẽ và sinh động. Những lời ca, giai điệu Xẩm luôn có sức cuốn hút lạ thường, lay động tâm hồn người hát, người nghe, hướng con người tới những giá trị đẹp, cách sống nhân văn...
Tích cực truyền dạy hát Xẩm cho thế hệ trẻ
Để Xẩm không bị thất truyền, ngày càng phát triển và phát huy được giá trị truyền thống tốt đẹp đến hôm nay, không thể không kể đến vai trò, công sức những người yêu thích hát Xẩm, đã dành trọn đam mê và tâm huyết của mình cho Xẩm, như một cách lưu giữ lại nét văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc cho mai sau. Họ đã bền bỉ đúc kết, truyền dạy lại cách hát, cách biểu diễn nhạc cụ cho các thế hệ sau này. Điều đáng quý là hiện nay, Xẩm đang được một thế hệ rất trẻ, mới đang tuổi thiếu niên, nhi đồng say mê, yêu thích và mang quyết tâm theo đuổi Xẩm chuyên nghiệp.
Em Đinh Thùy Linh, 12 tuổi, học sinh lớp 7, thành viên CLB hát Xẩm Hà Thị Cầu, xóm Phú Mỹ, xã Yên Phong (huyện Yên Mô), mới đây đã đạt giải khuyến khích tại Liên hoan hát Xẩm mở rộng năm 2022 tại Ninh Bình. Em cũng thường xuyên biểu diễn tại các hội thi, giao lưu, liên hoan của huyện, của tỉnh, trong khu vực và toàn quốc, cho biết: Cháu tham gia CLB đã được 4 năm, được bà ngoại là bà Nguyễn Thị Mận, Chủ nhiệm CLB hát Xẩm Hà Thị Cầu hướng dẫn. Cháu càng học càng thấy thích và hiện có bài có thể một mình vừa hát vừa biểu diễn được một số nhạc cụ như gõ trống mảnh, đánh xênh, gõ phách...
Theo bà Nguyễn Thị Mận, Chủ nhiệm CLB hát Xẩm Hà Thị Cầu, xã Yên Phong (huyện Yên Mô), là con gái của U Cầu nên tôi ý thức rất rõ sự cần thiết phải có trách nhiệm tiếp nối, trân quý và phát huy bộ môn nghệ thuật hát Xẩm mà U tôi gần như cả đời đã gắn bó, gìn giữ. Rất may, những năm qua, tôi đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, động viên cả về kinh phí và các thủ tục để tham gia biểu diễn tại các sân chơi, sân khấu lớn, để có thể duy trì và thu hút đông đảo các thành viên sinh hoạt, tập luyện. Hiện nay, CLB hát Xẩm Hà Thị Cầu có trên 30 thành viên, trong đó có hơn một nửa là các em, các cháu ở độ tuổi dưới 20...
Với ông Vũ Xuân Năng, thành viên CLB hát Xẩm Hà Thị Cầu, ông biết đến Xẩm từ khi còn là một cậu bé, đến nay đã vào tuổi "xưa nay hiếm". Ông Năng bảo, Xẩm đã ngấm vào tâm hồn, là niềm đam mê và món ăn tinh thần hàng ngày không thể thiếu. Ông Năng cũng chính là người luôn đồng hành cùng bà Hà Thị Cầu đi biểu diễn ở nhiều nơi, đạt được nhiều giải thưởng cao. Hiện ông Năng là một trong số rất ít người biểu diễn thuần thục các nhạc cụ trong hát Xẩm như kéo nhị, gõ trống mảnh, gõ phách, đánh xênh... Nên dù tuổi cao, ông Năng vẫn tích cực truyền dạy cách chơi nhạc cụ cho những người yêu thích Xẩm, đặc biệt là những người trẻ tuổi.
CLB hát Xẩm Hà Thị Cầu biểu diễn tại lễ hội đường phố - Festival Ninh Bình 2022.
Nghệ nhân Phạm Thị Kim Ngân cũng là một trong những truyền nhân của cụ Hà Thị Cầu và hiện nay bà đang phát huy nghệ thuật hát Xẩm bằng việc truyền dạy cho các thế hệ trẻ. Bà Ngân cho biết, bà đến với Xẩm là cái duyên, nhưng gắn bó với Xẩm lại bằng tất cả tình yêu và nhiệt huyết của mình. Đã nhiều năm nay, ngôi nhà ở xã Yên Nhân (huyện Yên Mô) của bà Kim Ngân trở thành điểm hẹn của những người có cùng niềm say mê với Xẩm. Tình yêu với loại hình nghệ thuật này là chất keo gắn kết những người nghệ sỹ nông dân lại với nhau và họ đã làm khá tốt việc nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người qua nghệ thuật hát Xẩm truyền thống của quê hương.
"Tôi thành lập CLB hát Xẩm Kim Ngân từ năm 2014. Trong những năm qua, tôi đã lan tỏa niềm đam mê với Xẩm cho nhiều người dân. Đến nay, CLB đã mở được hàng chục lớp, cho hàng trăm học sinh trên địa bàn xã, huyện theo học để biết hát và hát hay Xẩm. Đồng thời, tôi cũng được mời đi giảng dạy, trợ giảng cho các lớp truyền dạy hát Xẩm tại các xã, các huyện thành lập các CLB nghệ thuật, trong đó có hát Xẩm. CLB hát Xẩm Kim Ngân cũng tham gia nhiều chương trình hội thi, hội diễn, hoạt động văn hóa trong và ngoài tỉnh, đạt được nhiều thành tích cao của tập thể và cá nhân..." - Nghệ nhân Phạm Thị Kim Ngân chia sẻ.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Hạnh, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết: Hát Xẩm là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo trong kho tàng âm nhạc cổ truyền của dân tộc. Bộ môn nghệ thuật này không hề kén người thưởng thức bởi lời Xẩm mộc mạc, dễ hiểu, phong cách phóng khoáng, chậm rãi và tự do. Dù đề tài về tình yêu hay cuộc sống, về đạo làm người… đều được các nghệ nhân Xẩm kể bằng âm nhạc một cách hóm hỉnh, dễ nghe, dễ nhớ. Nhẹ nhàng mà thâm thúy, những ca từ của Xẩm hàm chứa những triết lý và lời răn dạy đạo lý làm người, về tình nghĩa vợ- chồng, ơn cha- nghĩa mẹ sinh thành, về tình yêu quê hương, đất nước...
Chúng tôi rất phấn khởi, vui mừng khi hiện nay, nghệ thuật Hát Xẩm ở Ninh Bình đang khá phát triển, tập trung nhất tại huyện Yên Mô. Toàn huyện Yên Mô đã hình thành và duy trì khoảng 20 CLB, nhóm, chiếu hát Xẩm theo phong cách cổ truyền và lời mới. Không gian hoạt động của Xẩm là tại nhà văn hóa xã, thôn, xóm và thường xuyên tập luyện, giao lưu trong các ngày lễ, ngày hội tại địa phương và tham gia các cuộc thi do huyện, tỉnh tổ chức. Thông qua các hoạt động mở lớp truyền dạy hát Xẩm trong cộng đồng, số người biết đến hát Xẩm trên địa bàn huyện ngày càng nhiều và đa dạng về lứa tuổi. Đặc biệt, có những cháu còn rất nhỏ tuổi, chỉ từ 4-5 tuổi cũng đã tham gia học hát Xẩm...
Trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình cần có mục tiêu thúc đẩy hơn nữa các hoạt động biểu diễn hát Xẩm tại các khu du lịch. Bởi đó chính là dịp để giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước về giá trị nghệ độc đáo của loại hình nghệ thuật hát Xẩm, đa dạng hóa loại hình biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách du lịch. Đồng thời tạo cơ hội quảng bá tiềm năng, thế mạnh về kinh tế- xã hội, các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử- văn hóa của Ninh Bình nói riêng, Việt Nam nói chung đến với du khách trong và ngoài nước." - Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Hạnh khẳng định.