Đồng chí Trần Hữu Bình, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Nghị quyết 15-NQ/TU là một trong những Nghị quyết được triển khai sâu rộng và nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống, phát huy hiệu quả thiết thực. Ngay sau khi có Nghị quyết 15-NQ/TU, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 07/KH-UBND ngày 17-7-2009 giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, thị xã nghiêm túc quán triệt, triển khai Nghị quyết của Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh, từ đó tạo sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện. Các nhiệm vụ trọng tâm như: công tác quy hoạch du lịch được tổ chức triển khai; hạ tầng du lịch được đầu tư, mở rộng, nâng cấp; số lượng nhà hàng, khách sạn cao cấp trên địa bàn tỉnh tăng nhanh; chất lượng nguồn nhân lực du lịch được nâng cao, do đó số lượt khách, doanh thu du lịch ngày càng tăng, góp phần chuyển dịch cơ cấu, tạo việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống cho hàng vạn lao động trên địa bàn.
Trong 3 năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo lập quy hoạch chi tiết Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu núi chùa Bái Đính, Vùng bảo vệ đặc biệt Cố đô Hoa Lư, Khu du lịch sinh thái hồ Đồng Chương, Khu du lịch Tam Điệp-phòng tuyến Biện Sơn và các quy hoạch chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực du lịch. Cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư, nâng cấp, nhất là các khu du lịch trọng điểm như: Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động, Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính, Khu du lịch sinh thái hồ Đồng Chương. Hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy đến các khu, điểm du lịch được tập trung nâng cấp, làm mới. Ngoài ra, một số dự án lớn đang được tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện như: Dự án đầu tư xây dựng hệ thống giao thông đường bao hào nước vùng bảo vệ đặc biệt Cố đô Hoa Lư, Dự án sông Sào Khê, Dự án khu công viên văn hóa Tràng An, dự án xây dựng Quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế... Từ năm 2009-2012, tỉnh đã kêu gọi được 28 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng số vốn 6.108 tỷ đồng, tập trung đầu tư vào các lĩnh vực: hoàn thiện các công trình du lịch trọng điểm; nâng cấp, làm mới hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy đến các khu, điểm du lịch.
Để thu hút và "níu chân" du khách đến với Ninh Bình, đồng thời đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch, các cơ sở dịch vụ, các nhà hàng cao cấp, cơ sở lưu trú, cao cấp được xây dựng, mở rộng; nhiều dự án xây dựng các cơ sở lưu trú được triển khai tích cực, kịp thời đưa vào khai thác có hiệu quả. Nếu như năm 2008, toàn tỉnh mới có 103 cơ sở lưu trú với 1.576 phòng ngủ (không có khách sạn tiêu chuẩn 3 sao trở lên), thì đến nay, toàn tỉnh đã có trên 235 cơ sở lưu trú với 3.628 phòng ngủ, trong đó có 6 cơ sở lưu trú xây dựng theo tiêu chuẩn từ 3 đến 5 sao với 527 phòng ngủ.
Đổi thay rõ nét nhất của du lịch Ninh Bình trong 3 năm qua đó là cách làm du lịch mang tính chuyên nghiệp hơn, nguồn nhân lực du lịch được chuẩn hóa, nhận thức của cộng đồng về phát triển du lịch được nâng cao. Đội ngũ làm du lịch được quan tâm đào tạo chuyên nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng du lịch trong và ngoài tỉnh. Từ năm 2009 đến nay, đã có 2.300 lượt lao động trực tiếp, trong đó có 532 sinh viên tốt nghiệp trung cấp du lịch và 8.700 lượt lao động gián tiếp trong ngành du lịch được đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành du lịch. Vì thế, phong cách giao tiếp, ứng xử trong hoạt động kinh doanh du lịch đã có nhiều tiến bộ rõ nét. Việc đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự và các hoạt động dịch vụ tại các khu, điểm du lịch luôn được quan tâm, chú trọng, kịp thời phát hiện, giải quyết các vụ việc phát sinh, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Công tác bảo tồn và phát triển các sản phẩm truyền thống của địa phương phục vụ du lịch được quan tâm, đầu tư. Các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, thị xã đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu, lập và triển khai các đề án phát triển các sản phẩm, dịch vụ phục vụ du lịch như làng nghề thêu Văn Lâm (Ninh Hải, Hoa Lư), làng đá mỹ nghệ (Ninh Vân, Hoa Lư), làng nghề cói ở Kim Sơn; triển khai các kế hoạch bảo tồn các món ăn truyền thống của tỉnh, bảo tồn đàn dê bản địa. Đồng thời tỉnh đã quan tâm đến công tác bảo tồn di sản - tài nguyên du lịch nhân văn. Với đề án về khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát xẩm, hát chèo, hát văn..., tạo sắc thái riêng, độc đáo về du lịch của tỉnh. Đặc biệt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được tăng cường, do đó thị trường khách du lịch ngày càng được mở rộng.
Nếu như trước đây khách du lịch đến với Ninh Bình chủ yếu là khách đến từ châu Âu, châu Mỹ, thì nay lượng khách đến từ châu á (Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan...) ngày càng tăng. Năm 2008, số lượt khách đến với Ninh Bình đạt 1,9 triệu lượt, năm 2012 đạt 3,75 triệu lượt, tăng 97% và vượt mục tiêu Nghị quyết 15-NQ/TU (mục tiêu đến năm 2015 đón 3 triệu lượt khách du lịch trở lên), trong đó khách quốc tế đạt gần 675 nghìn lượt; khách lưu trú đạt 225 nghìn lượt. Doanh thu du lịch tăng mạnh, năm 2008 thu đạt 162 tỷ đồng, đến năm 2012 đạt 780 tỷ đồng, tăng 381%...
Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2030 xác định Ninh Bình nằm trong tam giác tăng trưởng kinh tế du lịch Hà Nội - Ninh Bình - Hải Phòng, Quảng Ninh và là một trong những trọng điểm du lịch của cả nước. Đặc biệt, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận 2 di tích Quốc gia đặc biệt của tỉnh là danh thắng Tràng An- Tam Cốc, Bích Động và Di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư. Tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Quần thể Danh thắng Tràng An là di sản thế giới... Với những định hướng, sự quan tâm đầu tư thích đáng du lịch Ninh Bình sẽ tiếp tục bứt phá, phát triển theo hướng bền vững trong thời gian tới.
Hồng Vân