Chú trọng phát triển sản phẩm mới Tiếp tục khai thác, phát triển hai loại hình du lịch chính mà Ninh Bình có thế mạnh là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa với các sản phẩm du lịch tiêu biểu: du lịch tham quan, khám phá hang động; du lịch nghỉ dưỡng, nghỉ cuối tuần; du lịch kết hợp hội nghị hội thảo; du lịch tâm linh, tham quan di tích lịch sử văn hóa, làng nghề, lễ hội; du lịch cộng đồng (Homestay); du lịch nghỉ dưỡng chữa bệnh (suối khoáng nóng Kênh Gà, suối khoáng Cúc Phương). Thời gian tới, tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch: du lịch thể thao mạo hiểm, chơi golf; du lịch kết hợp mua sắm, giải trí; du lịch Mice; tham quan Ninh Bình bằng dịch vụ thủy phi cơ.
Tổ chức khảo sát hình thành các tour du lịch mới nhằm mở rộng không gian du lịch của tỉnh, tạo cơ hội trải nghiệm mới cho du khách khi đến với Ninh Bình: Trải nghiệm "Bái Đính về đêm-Khám phá động Thiên Hà"; "Về với Cố đô ngàn năm"
Tour tham quan, trải nghiệm làm gốm Bồ Bát; Tour trải nghiệm chăn dê; Tour du lịch Thiền tại Bái Đính.... Chủ động liên kết với các tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Hồng để nối các tour, tuyến du lịch làm phong phú các điểm du lịch: Tuyến du lịch qua các kinh đô Việt Cổ; Tuyến du lịch Di sản thế giới; Tuyến du lịch tâm linh đồng bằng sông Hồng…
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc ánh Dương Tours, đồng thời là Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCo Hà Nội chia sẻ: Phát triển cơ sở làng nghề truyền thống; khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất một số mặt hàng lưu niệm của địa phương, như sản phẩm cói, đá mỹ nghệ, mây tre đan, gốm sứ… gắn hình ảnh đặc trưng của Ninh Bình sẽ hình thành sản phẩm du lịch làng nghề, làm phong phú các sản phẩm phục vụ khách tham quan, trải nghiệm; thành lập câu lạc bộ nghệ sỹ hát Chèo, hát Xẩm hướng tới xây dựng các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống phục vụ khách du lịch.
Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch
Một giải pháp hết sức quan trọng thúc đẩy du lịch phát triển, đó là công tác xúc tiến quảng bá và truyền thông. Từ nhiều năm nay, Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Ninh Bình đã tăng cường các chương trình tiếp thị, quảng bá như tham gia hội chợ du lịch; tổ chức giới thiệu điểm đến; tổ chức roadshow tại trung tâm du lịch lớn (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh...).
Theo ông Lê Huy Hoàng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch (Sở Du lịch Ninh Bình), Trung tâm đã và sẽ phối hợp với Tổng cục du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam đẩy mạnh xúc tiến tại các thị trường trọng điểm quốc tế (Tây Âu, Châu Mỹ, Đông Bắc á, Đông Nam á...); phối hợp đón các đoàn Farmtrip, Presstrip nước ngoài đến khảo sát, quảng bá Ninh Bình; đồng thời nâng cao hiệu quả các chương trình Farmtrip, Presstrip nội địa. Thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp tham gia đoàn khảo sát với doanh nghiệp du lịch trong tỉnh để tạo ra các sản phẩm du lịch mới, chất lượng chào bán cho khách du lịch sau mỗi chương trình Famtrip.
Theo bà Dương Thị Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Bình: Đẩy mạnh xã hội hóa, tạo sự gắn kết thường xuyên giữa Sở Du lịch, Trung tâm Xúc tiến du lịch với doanh nghiệp du lịch trong việc nghiên cứu thị trường; xúc tiến, quảng bá và đào tạo, bồi dưỡng nhân lực; tăng cường liên kết với các địa phương trong nước, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Hồng trong tổ chức tham gia lễ hội, sự kiện; xây dựng ấn phẩm, quảng bá sản phẩm du lịch. Để làm được, cần huy động các nguồn lực (tổ chức, doanh nghiệp du lịch) tham gia công tác quảng bá, hình thành quỹ xúc tiến du lịch, từ đó mới có điều kiện hoạt động. Triển khai hoạt động nghiên cứu chuyên sâu về thị trường khách du lịch trong và ngoài nước tới Ninh Bình. Tích cực tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch, triển khai một số chương trình xúc tiến du lịch Ninh Bình với quy mô lớn để tạo điểm nhấn như "100 địa chỉ đỏ ngành du lịch Ninh Bình"… nhằm tăng cường truyền thông, thu hút khách du lịch về Ninh Bình. Xây dựng các ấn phẩm quà tặng đặc trưng về cùng đất Ninh Bình, đồng thời đẩy mạnh các thông tin hỗ trợ du khách thông qua các trạm thông tin tại các khu, điểm du lịch và trung tâm thành phố Ninh Bình; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xúc tiến, quảng bá qua các kênh Iternet, mạng xã hội, thông tin tư vấn trực tuyến cho khách du lịch; chú trọng liên kết giữa điện ảnh, truyền thông và du lịch trong công tác quảng bá thông qua việc hợp tác xây dựng bài viết, đoạn phim, phim tư liệu tạo sức lan tỏa rộng rãi tới công chúng và khách du lịch.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng
Trước mắt, các cấp, các ngành tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo ngắn hạn về du lịch cho đội ngũ người lao động trực tiếp trong ngành du lịch và cộng đồng dân cư nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng làm du lịch, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, ứng xử văn minh du lịch… Chú trọng mở các lớp tập huấn hướng dẫn viên, thuyết minh viên, đặc biệt là các lớp ngoại ngữ cho đội ngũ thuyết minh viên điểm du lịch và những người dân chèo đò. Phương thức đào tạo, cải tiến nội dung đào tạo phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp du lịch.
Cùng với đó, chú trọng các dự án mang tính đột phá có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển du lịch như: Quần thể Danh thắng Tràng An; bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử Cố đô Hoa Lư, Công viên động vật hoang dã quốc gia; khu du lịch Kênh Gà-Vân Trình; khu dịch vụ khách sạn cao cấp trung tâm thành phố Ninh Bình; khu du lịch sinh thái biển kết hợp vui chơi, nghỉ dưỡng Cồn Nổi-Kim Sơn; khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long. Thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch vào xây dựng các khu vui chơi giải trí hiện đại, khu mua sắm, chợ đêm, phố đi bộ, công viên văn hóa giải trí, khu sản xuất và bán hàng lưu niệm; cơ sở dịch vụ ẩm thực đạt chuẩn… để phục vụ du khách, kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của khách du lịch. Đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống đường giao thông, bến bãi, đỗ xe tại các khu điểm du lịch...
Cơ sở vật chất kỹ thuật từng bước được đầu tư nâng cấp cả về số lượng và chất lượng. Lượng khách du lịch đến Ninh Bình tăng nhanh, giai đoạn 2010-2016 tăng trưởng bình quân gần 20%/năm, doanh thu tăng 39%/năm. Năm 2016, các chỉ tiêu về hoạt động du lịch đã hoàn thành vượt mức tỉnh giao, với gần 6,5 triệu lượt khách, tăng 7,5% so với năm 2015; doanh thu đạt trên 1.764 tỷ đồng, tăng trên 24%. Trong đó, đáng chú ý là số lượt khách quốc tế đến với Ninh Bình đạt gần 716 nghìn lượt, tăng trên 19% so với năm 2015.
Nguyễn Minh