Phóng viên (PV): Xin ông cho biết khái quát những việc Ninh Bình đã làm thời gian qua để phát huy giá trị di sản? Ông Bùi Văn Mạnh: Quần thể danh thắng Tràng An được vinh danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, vừa là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, song cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho Ban quản lý (BQL) trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản nhằm đảm bảo tính toàn vẹn để trao truyền cho các thế hệ mai sau.
Để làm tốt việc này, năm 2015, BQL đã tham mưu cho UBND tỉnh và phối hợp với các cơ quan hữu quan làm tốt các việc như: Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các yêu cầu và khuyến nghị của ủy ban Di sản thế giới (WHC). Cụ thể BQL đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khảo sát, thám sát và khai quật tại khu du lịch sinh thái Tràng An. Những kết quả nghiên cứu sơ bộ đã góp phần bổ sung, củng cố thêm các thông tin, cũng như hiểu biết về quá trình tương tác giữa con người và môi trường tự nhiên, đặc biệt là làm rõ thêm các dấu vết, bằng chứng của Kinh đô Hoa Lư thế kỷ X và các thời kỳ tiếp theo.
Cùng với đó, BQL đã ký thỏa thuận hợp tác 5 năm (2016-2020) với trường Đại học Cambridge, Đại học Queens Belfast Vương quốc Anh, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Viện Khảo cổ học Việt Nam để thực hiện một chương trình nghiên cứu khảo cổ và môi trường cổ ở Tràng An, xuất bản các công trình khoa học về sự biến đổi địa chất, cảnh quan, môi trường và cách thích ứng của con người với những biến đổi đó. Đây là cơ hội tốt cho việc trao đổi kiến thức, góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau và quảng bá về giá trị nổi bật toàn cầu của Tràng An.
Cùng với đó, BQL đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan, các chuyên gia, các nhà quản lý trong nước và quốc tế, đặc biệt là các chuyên gia của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên thế giới (IUCN), Hội đồng Quốc tế về Di tích và Di chỉ (ICOMOS) tiến hành chỉnh sửa, bổ sung Kế hoạch quản lý, điều chỉnh ranh giới di sản, lập bản đồ phân vùng quản lý. Để nhận được tham vấn và xin ý kiến rộng rãi hơn nữa, cũng như để kế hoạch quản lý sát với tình hình thực tiễn trên cơ sở thực hiện nghiêm túc Công ước di sản Thế giới và những quy định trong nước và quốc tế khác, BQL đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thành công Hội nghị tham vấn quốc tế về Kế hoạch quản lý di sản.
Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến từ Hội nghị, BQL đã được chỉnh sửa, bổ sung các nội dung của Kế hoạch theo yêu cầu, trong đó đã xác định một cách toàn diện các yếu tố ảnh hưởng tới khu di sản và đưa ra tầm nhìn, mục đích, mục tiêu quản lý, các giải pháp và cơ sở pháp lý để quản lý di sản theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế cùng với các chương trình hành động sẽ được triển khai...
BQL cũng đã tham mưu cho UBND ban hành kịp thời một số văn bản quản lý, bảo vệ di sản theo Quy định của UNESCO và phù hợp với thực tế ở các địa phương như: Quy chế tạm thời về quản lý xây dựng trong vùng bảo vệ Quần thể danh thắng Tràng An; Quy chế phối hợp quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường Di sản; Quy chế, bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Quy chế quản lý và khai thác hang, động vào hoạt động du lịch; Quy chế quản lý và bảo vệ các di tích khảo cổ học, di sản địa chất, cảnh quan Di sản...
Cùng với đó, BQL đã đẩy mạnh và nâng cao công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch Ninh Bình nói chung, các điểm du lịch trong Quần thể danh thắng Tràng An nói riêng, nâng cấp và phát triển website www.trangandanhthang.vn và www.tranganlandscape.com trên cả ba ngôn ngữ: tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp, đặt liên kết với website của các khu di sản Thế giới ở Việt Nam; thường xuyên phối hợp với các tổ chức truyền thông, các cơ quan thông tấn, các báo, đài, tạp chí, các hãng lữ hành, thực hiện đăng tải hình ảnh, các bài viết, chuyên mục, phóng sự, phim tài liệu phản ánh các hoạt động liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Bên cạnh đó, BQL đã tổ chức sưu tầm, lựa chọn các hình ảnh có sức biểu cảm cao để thiết kế và xuất bản bộ tem thư về di sản, sách, ảnh giới thiệu các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, sản xuất huy hiệu Logo Tràng An, các mẫu đồ lưu niệm làm quà tặng cho các đoàn khách ngoại giao của tỉnh (mẫu cột kinh, bảo tháp, đồng tiền nhà Đinh…).
Do làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản, năm 2105, Quần thể danh thắng Tràng An đã đón trên 5 triệu du khách cùng với đội ngũ đông đảo các nhà khoa học, quản lý đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm và công tác quản lý, bảo tồn di sản, đồng thời góp phần định hướng dư luận, nâng cao trách nhiệm cộng đồng chung tay giữ gìn và bảo vệ di sản, nâng cao văn hóa, văn minh trong các hoạt động du lịch.
PV: Xin ông cho biết những nét chính trong công tác điều tra, thăm dò, khai quật, nghiên cứu, lập quy hoạch khảo cổ cho các khu, điểm có di tích khảo cổ, di sản địa chất sẽ thực hiện trong thời gian tới.
Ông Bùi Văn Mạnh: Việc nghiên cứu khai quật khảo cổ học, nghiên cứu các di tích khảo cổ, di sản địa chất là một trong những yêu cầu, khuyến nghị chính của ủy ban Di sản Thế giới, do đó trong Kế hoạch quản lý di sản vừa mới được UBND tỉnh phê duyệt gửi cho UNESCO, đã xác định nghiên cứu khảo cổ và địa chất là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của BQL trong thời gian tới.
Trong thời gian vừa qua, với sự hỗ trợ về tài chính, cơ sở vật chất của Doanh nghiệp Xuân Trường, BQL đã phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Viện Khảo cổ học Việt Nam tiếp tục hợp tác với trường đại học Cambridge, Queen's Belfast - Vương quốc Anh thực hiện chương trình nghiên cứu về địa chất, địa mạo và khai quật khảo cổ học ở Quần thể danh thắng Tràng An giai đoạn 2016-2020.
Trọng tâm chính của chương trình nghiên cứu này là làm rõ thêm các giá trị về địa chất, địa mạo và khảo cổ học, mối quan hệ giữa sự biến đổi của môi trường, khí hậu, địa mạo và cảnh quan với sự cư trú, thích ứng của con người qua các giai đoạn phát triển của địa chất, địa mạo và môi trường. Chúng tôi tin tưởng rằng, chương trình hợp tác nghiên cứu này sẽ tiếp tục cung cấp các bằng chứng khoa học quan trọng giúp cho việc tái hiện bức tranh tổng thể về quá trình kiến tạo, phát triển địa chất, địa mạo và sinh sống, thích ứng của con người ở vùng đất Tràng An.
PV: Để bảo tồn và gìn giữ giá trị Di sản Tràng An, việc quản lý xây dựng trong vùng Di sản đang đặt ra cấp thiết. Chúng ta đã có những giải pháp gì?
Ông Bùi Văn Mạnh: Bên cạnh 40 di tích lịch sử văn hóa đã được nhận diện, lập hồ sơ và xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia, Tràng An có 30 di tích khảo cổ học hang động đã được điều tra, thám sát, trong đó khai quật được 14 điểm cùng với hàng trăm điểm di sản địa chất, cảnh quan có giá trị thẩm mỹ cao. Tuy nhiên, rất nhiều điểm di tích nằm gần hoặc xen lẫn với các khu dân cư, trên các tuyến, điểm du lịch chính. Do đó đặt ra nhiều vấn đề, thách thức trong công tác quản lý, bảo vệ, giữ gìn các di tích khảo cổ, di sản địa chất, cảnh quan trong vùng di sản và vùng đệm.
Ngay sau khi Tràng An được công nhận là Di sản thế giới, BQL đã phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Viện Khảo cổ học Việt Nam và các cơ quan có liên quan khảo sát thực địa, xác định ranh giới vùng lõi, vùng đệm, tọa độ tất cả các điểm di tích khảo cổ, hang động, di sản địa chất (ngấn biển, bờ biển cổ…), cảnh quan có giá trị tiêu biểu đã được báo cáo trong hồ sơ di sản. Đến nay BQL đã làm biển báo, hàng rào bảo vệ cho 30 di tích khảo cổ, 44 biển báo di sản địa chất, biển báo vùng lõi và vùng đệm, trong đó chúng tôi ưu tiên cắm ở những vị trí "nhạy cảm" như tại 4 cửa ngõ chính vào khu di sản, gần khu dân cư, các điểm du lịch thu hút lượng lớn khách du lịch.
Nhằm thực hiện tốt công tác quản lý và bảo vệ di sản, nhất là vấn đề xây dựng trong khu di sản theo quy định tạm thời của UBND tỉnh, BQL đã chủ động phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định đối với các hành vi vi phạm.
Theo đó, đối với vấn đề xây dựng, trong thời gian tới BQL sẽ phối hợp với các ngành và chính quyền địa phương tham mưu cho Ban chỉ đạo Bảo tồn và Phát huy giá trị di sản Thế giới và UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác bảo tồn và phổ biến các văn bản, quy định của tỉnh về quản lý, bảo vệ di sản tới cấp xã và cấp thôn. Chúng tôi sẽ giới thiệu về ranh giới bảo vệ khu di sản, khu vực di tích có giá trị, đồng thời sao gửi các văn bản quy định của tỉnh, bản đồ ranh giới khu di sản cho tất cả các huyện, thành phố và các xã, các thôn trong vùng lõi và vùng đệm của Di sản.
Đặc biệt ngày 16-11-2015, UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 1261/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch quản lý Quần thể danh thắng Tràng An giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2030, đây là cơ sở khoa học và pháp lý quan trọng giúp cho BQL cùng với các ngành và chính quyền địa phương trong vùng di sản tổ chức quản lý, bảo vệ và phát huy bền vững Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.
PV: Cảm ơn ông!
Minh Đường (thực hiện)