Khởi đầu cho một chuyến tham quan Tam Cốc, du khách xuống bến thuyền nơi có ngôi đình làng cổ kính, với cây đa, giếng nước, sân đình, một biểu tượng đặc trưng vẫn còn được lưu giữ lại của những vùng quê đồng bằng Bắc bộ. Dập dìu tình quê sông nước, trên dòng sông Ngô Giang, du khách được thưởng ngoạn một cảnh quan nguyên sơ kỳ thú mà tạo hóa ban tặng cho Ninh Bình, núi non, non nước thật hữu tình. Rời bến Đình Các không xa, qua Cống Rồng - cây cầu cổ bằng đá bắc qua dòng Ngô Giang, du khách được ngắm nhìn Núi Võ - Núi Văn và nghe một câu chuyện dân gian về ông thần xây núi, ngắm mỏ Đại Bàng đang vươn mình oai phong giữa chốn bồng lai, rồi thả hồn vào trong không gian để nghe cả một dàn hợp ca bởi tiếng reo của gió, tiếng xì xào của cánh đồng lúa thì con gái và cả những tiếng sóng vỗ ì oặp vào các vách đá, để không khỏi ngỡ ngàng như bước vào một thế giới kỳ quan.
Với chiều dài 127 m, rộng chừng 20 m, hang Cả có vòm hang cao và rộng nhất trong ba hang, là hang động đẹp nhất trong hệ thống các hang động thuộc Quần thể danh thắng Tràng An, là điểm nhấn của lộ trình du lịch Tam Cốc. Hang Cả đẹp bởi sự lung linh và kỳ ảo, hang Cả đẹp bởi tạo hóa đã làm nên vô vàn cảnh sắc tự nhiên, một kỳ quan khó có nơi nào có được, bởi tính nguyên sơ và sự tĩnh lặng, bình yên.
Nhè nhẹ mái chèo khua, du khách qua hang Cả, phóng tầm nhìn về phía hang Hai để ngắm nhìn bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, dòng sông Ngô Giang thật mảnh mai và mềm mại, uốn lượn giữa cảnh sắc mây trời, giữa hai dãy núi hùng vĩ lớp lớp, điệp trùng, hòa quyện cùng với màu xanh của rừng, màu xanh của lúa thì con gái, màu vàng óng ả của mùa lúa chín, màu tím bạc của mùa nước nổi lúc hoàng hôn, Ngô Giang như một nàng tiên nữ thật kiêu xa...
Hang Hai, tuy không cao rộng và dài như hang Cả, song hang Hai lại có được những nét tự nhiên vô cùng lãng mạn bởi có lớp nhũ đá nhô ra như đôi bầu sữa mẹ luôn tí tách nhỏ giọt, mát lạnh, chảy mãi không ngừng, để rồi thoáng qua hang Ba, du khách đến với Lồng Cốc, Bực Bài, Suối Tiên, nơi thượng nguồn của dòng Ngô Giang bắt nguồn từ trong lòng núi. Qua thung Mái Trong, qua đèo Cóc Chững, du khách đến Vụng Thắm để chiêm bái Đền Trần, ngôi đền thờ Thần Quý Minh, vị Thần trấn ải cửa phía nam Hoa Lư tứ trấn thời Đinh Bộ Lĩnh. Ngôi đền cổ kính và linh thiêng bậc nhất của khu vực Tam Cốc - Tràng An, ngoài các giá trị về tâm linh, quy mô đền không lớn nhưng lưu giữ các giá trị về nghệ thuật và kiến trúc.
Ngoài các giá trị về cảnh quan, mỗi một vùng đất, mỗi cánh đồng, một ngọn núi dọc theo tuyến du lịch Tam Cốc luôn có những câu chuyện lịch sử gắn liền với công cuộc dựng nước và giữ nước của các thế hệ cha ông. Tam Cốc còn là căn cứ cách mạng, nơi sản xuất vũ khí phục vụ cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Địa danh Tam Cốc luôn gắn liền với khu công binh xưởng Nguyễn Công Cậy. Tam Cốc đã cùng với đất trời Tràng An làm nên mảnh đất hào linh nhân kiệt - Cố đô Hoa Lư.
Là điểm nhấn của du lịch Ninh Bình, bên cạnh địa danh du lịch Tam Cốc, du khách vào thăm làng Văn Lâm có nghề thêu ren truyền thống lâu đời nổi tiếng trong nước và quốc tế. Nơi có đền thờ ông Tổ nghề thêu, sản phẩm thêu ren của Văn Lâm vẫn đang giữ được những nét tinh xảo đạt đến mức nghệ thuật. Du khách thăm quan cơ sở thêu ren của các hộ gia đình, của các doanh nghiệp, thăm Làng Việt Cổ …
Đến với Tam Cốc, du khách còn được thưởng thức nhiều món ngon đặc sản dân dã của vùng đồng bằng Bắc bộ, như mắm cáy xóm Ngoài, mắm tép xóm Đông, nem dê xóm Cả… Tam Cốc - Văn Lâm còn là xứ sở của những điệu hát chèo, là trung tâm của những lễ hội dân gian truyền thống, như Lễ hội Đền Thái Vi, Lễ phát lát đầu năm …
Để đáp ứng nhu cầu tham quan du lịch của đông đảo du khách trong và ngoài nước, với tinh thần thân thiện và mến khách cùng với các điều kiện phục vụ của các nhà hàng, khách sạn, Tam Cốc đã và đang đồng hành cùng với Bích Động, Tràng An... làm nên điểm đến lý tưởng của du khách khi về với Ninh Bình.
Đỗ Văn Các(Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Hoa Lư-Vân Long)