Những vị trí được đưa vào danh sách di sản thiên nhiên thế giới có thể được nhận tiền từ Quỹ di sản Thế giới theo một số điều kiện nào đó. Chương trình này được thành lập bởi Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, gọi tắt là Công ước di sản thế giới, được Đại hội đồng UNESCO chấp nhận ngày 16-11-1972.
Một di chỉ thiên nhiên có thể điển hình cho 1 giai đoạn, các quá trình tiến hóa địa cầu hoặc cho những biến đổi sinh thái học, hoặc bao gồm những vùng cư trú tự nhiên các loài thú bị lâm nguy. Di chỉ thiên nhiên có thể là một khung cảnh đẹp khác thường, một cảnh quan ngoạn mục hoặc là một khu bảo tồn số lượng lớn các loài động vật hoang dã.
Theo điều 2 của Công ước, các di sản sẽ công nhận là di sản thiên nhiên: "Các đặc điểm tự nhiên bao gồm các hoạt động kiến tạo vật lý hoặc sinh học hoặc các nhóm hoạt động kiến tạo có giá trị nổi bật toàn cầu xét theo quan điểm thẩm mỹ hoặc khoa học; các hoạt động kiến tạo địa chất hoặc địa lý tự nhiên và các khu vực được phân định chính xác tạo thành một môi trường sống của các loài động, thực vật đang bị đe dọa có giá trị nổi bật toàn cầu xét theo quan điểm khoa học hoặc bảo tồn; Các di chỉ tự nhiên hoặc các khu vực được phân định chính xác có giá trị nổi bật toàn cầu theo quan điểm khoa học, bảo tồn hoặc vẻ đẹp tự nhiên".
Như vậy, một di sản thiên nhiên được đệ trình để đưa vào danh sách di sản thế giới sẽ được coi là có giá trị nổi bật toàn cầu theo tôn chỉ, mục đích của Công ước, đáp ứng một hoặc nhiều hơn các tiêu chuẩn và đảm bảo về tính toàn vẹn. Các khu vực được đề cử: Là những ví dụ nổi bật đại diện cho những giai đoạn lớn trong lịch sử của trái đất, trong đó có lịch sử về sự sống, các quá trình địa chất quan trọng đang tiếp diễn trong sự phát triển của các địa mạo hoặc các đặc điểm quan trọng về địa chất hoặc địa lý tự nhiên. Là những ví dụ nổi bật đại diện cho các quá trình sinh thái và sinh học đang tiếp diễn trong quá trình tiến hóa và phát triển của các hệ sinh thái đất, nước ngọt, vùng ven biển, biển và các quần xã động vật, thực vật, hoặc chứa đựng các hiện tượng tự nhiên siêu đẳng hoặc các khu vực có vẻ đẹp tự nhiên độc đáo và tầm quan trọng về thẩm mỹ, hoặc chứa đựng các môi trường sống tự nhiên có ý nghĩa và quan trọng nhất phục vụ việc bảo tồn nguyên trạng sự đa dạng sinh học.
Tại Việt Nam hiện đã có 10 di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới, gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế, Vịnh Hạ Long, Phố Cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Hoàng Thành Hà Nội, Thành nhà Hồ, Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Không gian Văn hóa quan họ Bắc Ninh, Ca trù.
Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) vừa được đồng ý thiết lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Thanh Thủy