Nơi đây đã được ông tổ thiền phái Trúc Lâm-Phật hoàng Trần Nhân Tông (thế kỷ. XIII) cảm nhận và vinh danh bằng ngôn ngữ thơ ca: "Lặng lẽ nghìn non rơi lá đỏ, mây giăng như mộng tiếng chuông xa", nơi được danh nhân Cao Bá Quát (thế kỷ. XIX) ví: "Sông tựa dải là cô gái đẹp; Núi như chén úp khách làng say", nơi ôm ấp Kinh đô nước Đại Cồ Việt ở thế kỷ thứ X và là hành cung của nhà Trần chống lại quân Nguyên - Mông ở thế kỷ XIII. Một khu vực có nhiều giá trị thiên nhiên và văn hóa, cùng hòa quyện, cùng thăng hoa, cùng nâng tầm giá trị nổi bật toàn cầu, nơi có nhiều di tích lịch sử, thắng cảnh nổi tiếng, gắn liền với hàng trăm tín ngưỡng, tâm linh về nhiên thần và nhân thần huyền bí.
Trong xu thế hội nhập quốc tế, việc ghi danh khu vực này vào Danh mục di sản thế giới càng là vấn đề cấp bách và có ý nghĩa lớn lao. Nhận thức được trọng trách đó, đầu năm 2011 tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới. Sau khi có ý kiến đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, ngày 30-9-2011, Trung tâm Di sản thế giới UNESCO đã chính thức đưa Quần thể danh thắng Tràng An vào Danh mục dự kiến. Để triển khai lập hồ sơ di sản thế giới, tỉnh Ninh Bình đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng hồ sơ do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, đồng thời thành lập Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An để thống nhất quản lý di sản theo yêu cầu của UNESCO và trực tiếp tổ chức việc xây dựng hồ sơ.
Qua sơ bộ nghiên cứu, đối chiếu với 10 tiêu chí của UNESCO về Di sản thế giới, ban đầu các nhà khoa học trong nước dự kiến đề cử Quần thể danh thắng Tràng An theo bốn tiêu chí về giá trị lịch sử, văn hóa khảo cổ học (tiêu chí 3 và 5) và những giá trị về thẩm mỹ, địa chất, địa mạo (tiêu chí 7 và 8). Tuy nhiên sau khi tham vấn giáo sư Paul Dingwall, chuyên gia tư vấn Hiệp hội Bảo tồn thế giới (IUCN) của UNESCO, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức hội thảo khoa học "Xác định giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An" và thống nhất những tiêu chí chính thức để xây dựng hồ sơ di sản thế giới. Tham dự hội thảo có hơn 70 đại biểu trong nước và quốc tế. Với những thông tin khoa học hiện có, qua hội thảo, các nhà khoa học đã xác định và lựa chọn được ba tiêu chí chính thức xây dựng hồ sơ di sản thế giới, đó là tiêu chí 5 (về giá trị văn hóa), tiêu chí 7 (về giá trị thẩm mỹ) và tiêu chí 8 (về giá trị địa chất, địa mạo).
Tràng An-lưu dấu ấn của nhân loại (tiêu chí 5)
Trên 30 di tích khảo cổ học thời tiền sử đã được phát hiện trong Quần thể danh thắng Tràng An gồm những di tích trong hang động, mái đá và trên các thềm đất cát ven chân núi. Kết quả nghiên cứu và phân tích đã cho chúng ta những thông tin thật thú vị. Có thể khẳng định rằng Tràng An là kho tư liệu đầy đủ, phong phú và nguyên vẹn nhất cho chúng ta nghiên cứu về nhân loại thời tiền sử. Kho tư liệu này cũng đã hé mở cho chúng ta biết về cách con người thời tiền sử di cư như thế nào. Và tất cả những thông tin ấy cho chúng ta viết nên một câu chuyện thú vị về cách thích ứng của nhân loại trước những biến đổi lớn về môi trường như từ khí hậu khô lạnh sang nóng ẩm, từ môi trường lục địa sang môi trường hải đảo, thậm chí có cả những hiện tượng thiên tai bất thường như động đất. Chúng ta có thể khẳng định một truyền thống cư trú của con người tiền sử ở Tràng An, một truyền thống sử dụng vùng đất, vùng biển của người tiền sử với nhiều nền văn hóa tiếp nối liên tục, kéo dài tới 30.000 năm và qua đó trước những biến đổi khí hậu ngày nay từ những thông tin có được cho chúng ta một kinh nghiệm sống trong tương lai.
Tràng An-một vẻ đẹp riêng biệt (tiêu chí 7)
Cảnh quan tháp karst Tràng An là một trong những khu vực đẹp và ngoạn mục nhất thuộc loại này trên thế giới. Cảnh quan gồm một loạt các tháp karst dạng nón, với vách dốc đứng cao 200m so với nền đất và mực nước xung quanh. Những rặng núi hẹp nối liền hai đỉnh núi, được ví như những thanh kiếm khổng lồ, bao quanh các thung, trũng, hố sụt tròn và dài, với những dòng sông, suối nối với nhau, chảy quanh co qua các hang động ngầm. Rừng nhiệt đới nguyên sinh bao trùm khắp cảnh quan, thậm chí bám vào các vách đá và đỉnh núi. Hòa trộn khéo léo và đẹp mắt với khu rừng nguyên sinh là những ruộng lúa bao quanh các dòng sông, tạo ra một tác phẩm với nhiều màu sắc đa dạng và luôn biến hóa, được tôn lên nhờ hình ảnh những người nông dân và ngư dân địa phương đang thực hiện những công việc truyền thống càng làm bức tranh thêm đặc sắc, sống động. Sự hiện diện của những ngôi đền và chùa, một số nằm cao trên vách đá và đỉnh núi là một yếu tố văn hóa, kín đáo cộng hưởng với vẻ đẹp tự nhiên và nhấn mạnh tầm quan trọng của tôn giáo, tâm linh hòa quyện với cảnh quan huyền bí.
Tràng An-một bảo tàng lịch sử trái đất (tiêu chí 8)
Là một khối núi đá vôi có tuổi địa chất khoảng 250 triệu năm, có đặc điểm địa chất đặc sắc, thể hiện rõ hơn bất kỳ nơi nào trên trái đất về các giai đoạn tiến hóa cảnh quan karst trong môi trường nhiệt đới ẩm. Với sự hiện diện của các đỉnh núi hình nón, hình chuông được liên kết với nhau bởi những sống núi sắc mảnh như những bức tường thành tạo nên các thung lũng khép kín, đa dạng về hình dáng và chỉ được thông với nhau bởi các hang động, sông ngầm ở phần trung tâm hay sự hiện hữu những thung lũng mở ở phần rìa của sơn khối đá vôi này với những tháp karst độc lập, bên những cồn cát được bồi lên trong quá trình hình thành đồng bằng sông Hồng và hơn nữa hầu hết những khối karst này đều chịu sự tác động của một vài đợt biển tiến, khắc lên mình những ngấn sóng biển như khuông nhạc của trời đất, tất cả đã tạo nên một diện mạo riêng có cho Tràng An mà các nhà địa chất, địa mạo trên thế giới muốn bổ sung thêm vào sách giáo khoa về lịch sử địa chất và địa mạo của trái đất...
Sau gần một năm tích cực triển khai nghiên cứu lập hồ sơ, với sự hỗ trợ, thẩm định về chuyên môn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, đặc biệt là sự cố gắng nỗ lực không mệt mỏi của các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế, Hồ sơ đề cử Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới đã hoàn thành và gửi tới Trung tâm Di sản thế giới vào ngày 17-1-2013. Hồ sơ cũng đã được UNESCO cử các chuyên gia thẩm định sang kiểm tra, đánh giá kỹ thuật tại thực địa từ ngày 12 đến 18-8-2013. Chuyến thẩm định được tổ chức chu đáo, chuyên nghiệp, giải đáp và cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến 3 nội dung chính là tính toàn vẹn, tính xác thực; giá trị nổi bật toàn cầu và công tác quản lý, bảo vệ khu đề cử di sản.
Với việc đáp ứng ba tiêu chí nổi bật toàn cầu, trong đó có hai tiêu chí của một di sản thiên nhiên thế giới và một tiêu chí của một di sản văn hóa thế giới, tại kỳ họp thứ 38 của ủy ban Di sản thế giới tổ chức tại Qatar, Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới và trở thành Di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam á.
Đạt được danh hiệu Di sản Thế giới đã khó, giữ được danh hiệu lại càng khó hơn vì thế việc lập quy hoạch tổng thể cũng như chi tiết cho Quần thể danh thắng Tràng An để làm cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị của di sản cần được tiến hành khẩn trương. Việc tuyên truyền đến cộng đồng người dân địa phương; du khách về với di sản cùng chung tay bảo vệ môi trường di sản cần thường xuyên và bền bỉ để di sản mãi là di sản, là nguồn sinh dưỡng cho những thế hệ sau.
Nguyễn Cao Tấn