P.V:Thưa ông sau hơn 4 năm Quần thể danh thắng Tràng An được vinh danh là di sản thế giới, tỉnh đã có những biện pháp nào để quản lý tốt di sản?
Ông Phạm Sinh Khánh: Ngay sau khi Tràng An được vinh danh di sản thế giới, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều chương trình, kế hoạch, chiến lược về bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới gắn với phát triển du lịch. Cụ thể như: Ban quản lý đã tổ chức triển khai và thực hiện nghiêm "Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới", Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 230/QĐ-TTg ngày 4/2/2016 và Kế hoạch quản lý di sản giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030 đã được ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 1261/QĐ-UBND ngày 16/11/2015 và các nghị quyết, kế hoạch, quy chế của tỉnh Ninh Bình về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản...
Các quy chế, quy định theo đừng giai đoạn thực tiễn đã được tỉnh chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với thực tế quản lý, trong đó xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, đảm bảo hài hòa lợi ích cho người dân trong khu Di sản và thực hiện quản lý, bảo tồn Di sản một cách hiệu quả.
Đặc biệt, hệ thống các văn bản được ban hành đã tuân thủ quy định tại Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới và pháp luật hiện hành Việt Nam. Qua đó, xác định một cách toàn diện về tầm nhìn, nguyên tắc, định hướng cơ bản việc bảo vệ, quản lý Di sản; giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn Di sản với phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển du lịch nói riêng, có giải pháp giải quyết những vấn đề phát sinh, đảm bảo có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trong khu Di sản.
Ngoài ra, tỉnh đã chủ trọng bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường thủy, đường bộ; giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường di sản; thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong hoạt động du lịch và lễ hội, giải quyết tình trạng người ăn xin, đeo bám, chèo kéo khách để bán hàng, chụp ảnh; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện niêm yết giá công khai và bán đúng giá niêm yết tại các khu, điểm du lịch trong phạm vi di sản.
P.V: Đối với những khuyến nghị của UNESCO về bảo tồn Di sản, tỉnh đã thực hiện như thế nào thưa ông?
Ông Phạm Sinh Khánh: Để giữ vững danh hiệu di sản, tỉnh Ninh Bình đã thực hiện đầy đủ các khuyến nghị của ủy ban Di sản thế giới UNESCO tại Quyết định số 40/COM 7B.67. Thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm quản lý Di sản và thực hiện tuyên truyền, quảng bá các giá nổi bật toàn cầu của Di sản.
Cơ quan quản lý di sản đã làm việc với Giáo sư Pall Dingwall - Chuyên gia cao cấp của hiệp hội bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) và các chuyên gia trong và ngoài nước để tư vấn cho Ban các nội dung để thực hiện các khuyến nghị của UNESCO theo Quyết định số 40 COM .7B.67. Đồng thời phối hợp và hỗ trợ các chuyên gia của Viện Khảo cổ học, Trường Đại học Cambridge và Đại học Queen's Belfast (Vương quốc Anh) nghiên cứu và khảo sát, thăm dò, khai quật các điểm khảo cổ học trên địa bàn Quần thể danh thắng Tràng An.
Ngoài ra, Ban quản lý danh thắng đã tham gia Hội thảo về Bảo tồn và quản lý Di sản thế giới ở Châu á - Thái Bình Dương nhằm thảo luận về mối liên kết giữa Công ước Di sản thế giới và Di sản tôn giáo, tầm quan trọng của các giá trị tâm linh tôn giáo trong bảo tồn di sản tại thủ đô Băng Cốc và tỉnh Nakhon Phnom (Thái Lan); hội thảo quốc tế chủ đề "Quản lý và bảo tồn bền vững các Di sản khảo cổ" do Trung tâm Khảo cổ học và Mỹ thuật Đông Nam á tổ chức tại thành phố Xiêm Riệp -Vương quốc Campuchia,...
P.V: Để di sản Quần thể danh thắng Tràng An đến được với đông đảo du khách trong và ngoài nước, tỉnh đã thực hiện công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh di sản như thế nào thưa ông?
Ông Phạm Sinh Khánh: Thời gian qua ngành Du lịch nói chung, Ban Quản lý nói riêng đã chủ động và phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước. Đặc biệt, năm 2018, ngành Du lịch đã tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các giá trị nổi bật của Di sản và các sự kiện quan trọng trong Lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2018) và Lễ hội Hoa Lư năm 2018 trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và quốc tế nhằm giới thiệu, quảng bá về tầm quan trọng của Di sản thế giới.
Ngành Du lịch cũng đã tham dự các hội nghị, hội thảo về bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch trong và ngoài nước. Đón tiếp, hướng dẫn cho các đoàn khách ngoại giao, công ty lữ hành, các nhà báo, phóng viên, các đoàn làm phim trong nước và quốc tế về tham quan nhằm nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá, bảo tồn Di sản gắn với phát triển du lịch.
UBND các thành phố, các huyện trong tỉnh thường xuyên chỉ đạo triển khai tuyên truyền về công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di sản bằng nhiều hình thức: Tuyên truyền miệng, được thông qua các hội nghị, hội thảo, các buổi giao ban, họp thôn, tổ dân phố, thông qua các chi hội, đoàn thể…, lồng ghép với tuyên truyền trực quan: Kẻ vẽ, chăng treo băng zôn, pa nô, khẩu hiệu, bảng cổng chào điện tử, màn hình led...tại các khu vực trung tâm, khu tập trung đông dân cư và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
P.V: Trong quá trình phát triển tỉnh sẽ làm gì để gắn bảo tồn Di sản với phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch?
Ông Phạm Sinh Khánh: Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An là danh hiệu di sản vô giá đã góp phần nâng cao hình ảnh, thương hiệu Ninh Bình trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế, tạo nên một động lực thúc đẩy phát triển du lịch Ninh Bình, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập của người dân, ổn định xã hội, từng bước xây dựng Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch lớn của vùng và của cả nước.
Tuy nhiên, Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An là một di sản "sống". Đây là nơi sinh sống của trên 44.000 người dân, trong đó vùng lõi có trên 14.000 người dân. Do đó việc quản lý, bảo vệ Di sản và phát triển du lịch luôn đặt ra khó khăn, thách thức lớn. Bên cạnh đó, nhận thức của một số cán bộ, nhân dân trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản Quần thể danh thắng Tràng An chưa cao.
Trách nhiệm của cộng đồng địa phương trong bảo vệ di sản, xây dựng môi trường văn hóa, văn minh trong các hoạt động lễ hội, dịch vụ du lịch chưa được triển khai sâu rộng. Hiệu quả các giải pháp phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch chưa phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và chưa có tính đột phá gắn với thương hiệu di sản…
Để bảo vệ, giữ gìn tính nguyên vẹn và phát huy hiệu quả các giá trị của di sản gắn với phát triển du lịch bền vững, thời gian tới tỉnh Ninh Bình sẽ tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong quản lý di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.
Theo đó, cùng với ngành du lịch cần có sự tham gia của các ngành chức năng trong công tác kiểm tra, rà soát các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về bảo tồn di sản, từ đó kịp thời điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp với thực tế, phát triển các hoạt động du lịch một cách bền vững, có trách nhiệm.
Ngoài ra, tỉnh sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, bảo vệ, khai thác hiệu quả giá trị của Di sản Tràng An nói riêng, danh thắng tại Ninh Bình nói chung... Tỉnh Ninh Bình cũng cam kết với mục tiêu cao nhất là quản lý, bảo tồn và giữ gìn các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản để trao truyền lại cho các thế hệ mai sau, chính vì vậy chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình sẽ phát huy bền vững, hiệu quả các giá trị của khu di sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân địa phương, đáp ứng các yêu cầu và tiêu chuẩn của một khu di sản thế giới.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Thơm (Thực hiện)