Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh, doanh nghiệp và nhân dân trong vùng bảo vệ di sản đã góp phần không nhỏ vào thành công của công tác bảo tồn, bảo vệ và phát huy giá trị của di sản.
Ngay sau khi Quần thể Danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, Ban Chỉ đạo Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An đã tham mưu cho các cấp, các ngành ban hành nhiều văn bản quy định việc giữ gìn cảnh quan, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị của di sản. Khuyến khích đầu tư xã hội, tranh thủ các nguồn vốn, đặc biệt là vốn xã hội hóa để tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong vùng di sản.
Ông Bùi Văn Mạnh, Phó Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An cho biết: Quản lý, bảo vệ bền vững và hiệu quả các giá trị nổi bật toàn cầu của khu Di sản là yêu cầu và tiêu chuẩn của UNESCO đối với các địa phương trong Kế hoạch quản lý di sản.
Thực hiện các khuyến nghị của UNESCO về công tác quản lý, bảo vệ Di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh ta đã triển khai nhiều hoạt động để quản lý, bảo vệ di sản như thành lập Ban chỉ đạo bảo tồn và phát huy giá trị di sản; Ban hành các quy chế tạm thời về xây dựng trong khu di sản, trong khi chờ kế hoạch quản lý di sản chỉnh sửa, bổ sung; Tiến hành cắm mốc giới, biển báo vùng lõi và vùng đệm của di sản; Tổ chức các đợt tuyên truyền cho cộng đồng dân cư trong và ngoài vùng di sản hiểu về các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, vai trò và trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ giữ gìn di sản; Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành xây dựng kế hoạch quản lý di sản.
Từ nay đến năm 2018, Ninh Bình sẽ tiến hành thăm dò, khoanh vùng, xác định tọa độ, tổ chức cắm mốc giới vùng lõi, vùng đệm của di sản; phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam, Trường Đại học Cambridge, Trường Đại học Queens (Vương quốc Anh) tiến hành khảo cổ một số điểm đã được thám sát trong vùng di sản để làm phong phú hơn các căn cứ khoa học, bằng chứng về quá trình tương tác của người tiền sử với cảnh quan thiên nhiên và nỗ lực thích ứng của họ với những biến cố môi trường trong hơn 30.000 năm trước.
Bên cạnh đó, các ngành, các cấp tập trung khôi phục, phát triển các ngành, nghề thủ công mỹ nghệ, phục dựng làn điệu dân ca, dân vũ, lễ hội truyền thống của cư dân trong vùng di sản, góp phần làm phong phú sản phẩm và văn hóa phục vụ du khách; đa dạng hóa công tác tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và quốc tế về di sản.
Đặc biệt, Ban chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch chung xây dựng Quần thể Danh thắng Tràng An đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; làm tốt công tác bảo tồn ở 3 khu vực chính, trong đó có 2 khu được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt là Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư, khu danh thắng Tràng An-Tam Cốc-Bích Động và khu rừng đặc dụng Hoa Lư.
Cũng theo ông Bùi Văn Mạnh, UBND tỉnh đã có văn bản nghiêm cấm các hoạt động đục phá các hang động, mái đá, thung lũng và vùng bảo vệ núi có di tích khảo cổ học, di sản địa chất và cảnh quan làm ảnh hưởng đến hình dáng tự nhiên, những yếu tố gốc của di sản; nghiêm cấm việc san ủi, nạo vét, đào đất trên bề mặt các di tích khảo cổ, di sản địa chất và cảnh quan; không sử dụng các di tích khảo cổ, di sản địa chất, cảnh quan làm nơi nuôi nhốt, chăn thả gia súc hoặc làm dịch vụ; không xây dựng trái phép các công trình hoặc đào ao, hồ làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc của di sản.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã nghiêm cấm không săn bắt các loại động vật hoang dã sống trong khu vực bảo vệ làm xâm hại đến hệ sinh thái; không mang chất độc hại, chất nổ, chất dễ cháy, xả rác thải, dầu thải, đổ bùn đất... vào các di tích khảo cổ, di sản địa chất, cảnh quan; không để xảy ra các hoạt động xâm hại đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên của Quần thể danh thắng Tràng An...
Nhằm nâng cao trách nhiệm phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức có liên quan đến bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đồng thời chủ động ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý kịp thời những hoạt động xâm hại đến di sản Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An, Công an tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các ngành, địa phương trong tỉnh đã có kế hoạch liên ngành phối hợp quản lý, bảo vệ di sản Quần thể danh thắng Tràng An.
Để làm tốt hơn nữa công tác phối hợp trong việc quản lý bảo vệ di sản, ông Bùi Văn Mạnh cho rằng: Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Đặc biệt là sự tham gia bảo vệ của các cấp chính quyền xã, thôn, người dân trong vùng lõi di sản.
Qua đó, nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ rừng đặc dụng, đa dạng sinh học, giữ gìn môi trường sinh thái các khu di tích lịch sử văn hóa, các di tích khảo cổ, di sản địa chất để Di sản Quần thể danh thắng Tràng An thêm đẹp và hấp dẫn, trở thành điểm đến an toàn, thân thiện trong mắt du khách.
Bảo Yến