Ninh Bình là vùng đất địa linh nhân kiệt hội tụ đầy đủ nguồn lực, lợi thế về tự nhiên và văn hóa.
Phát triển du lịch theo hướng "xanh" và bền vững
Từ một tỉnh kinh tế khó khăn, sau khi tái lập tỉnh, Ninh Bình đã kịp thời nắm bắt thời cơ, lựa chọn du lịch làm hướng phát triển chủ đạo để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và sinh kế ổn định cho người dân địa phương. Nhờ đó, Ninh Bình trở thành một tỉnh phát triển khá ở vùng đồng bằng sông Hồng. Ba năm liền, Ninh Bình được các chuyên trang du lịch quốc tế bình chọn là điểm đến du lịch hấp dẫn, nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đón nhiều khách du lịch nhất cả nước.
Chuyển từ "nâu" sang "xanh"
Trong mỗi giai đoạn phát triển, tỉnh Ninh Bình có những điều chỉnh chính sách, chiến lược phát triển phù hợp với điều kiện thực tế và nguồn lực đã có, trong đó du lịch luôn được xác định là lĩnh vực ưu tiên, cần khơi thông để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đồng chí Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Khi tái lập tỉnh, Ninh Bình là một tỉnh nghèo, kinh tế dựa chủ yếu vào nông nghiệp. Năm 2001, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 03 về phát triển du lịch đến 2010. Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên về phát triển du lịch, trong đó xác định chuyển hướng chiến lược phát triển kinh tế từ "Nâu" sang "Xanh", chuyển từ công nghiệp vật liệu xây dựng sang phát triển du lịch. Do vậy, từ đó đến nay tỉnh luôn chú trọng bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, khoanh vùng cấm và tạm cấm khai thác các dãy núi đá vôi, rừng đặc dụng... để phục vụ cho du lịch.
Từ năm 2001 đến nay, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành 04 nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch: Nghị quyết số 03 năm 2001 về phát triển du lịch đến 2010; Nghị quyết số 15 năm 2009 về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 02 năm 2016 về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản thế giới danh thắng Tràng An trong phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020.
Gần đây nhất là Nghị quyết số 07 năm 2021 về phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021- 2030, định hướng đến 2045 nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020-2025), trong đó xác định bước chuyển chiến lược phát triển từ "chiều rộng" sang "chiều sâu", chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch theo hướng chuyên nghiệp nhằm phát triển Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của vùng và cả nước, hướng tới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Việc ban hành các chính sách, cơ chế đúng và trúng là yếu tố mang tính then chốt, tạo cơ sở pháp lý để Ninh Bình khuyến khích và huy động các nguồn lực tham gia phát triển du lịch. Nhiều dự án phát triển du lịch sinh thái, dịch vụ du lịch, hình thành nhiều di sản, khu du lịch, khu công nghiệp lớn mang tầm quốc tế.
Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 83 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Cơ sở hạ tầng du lịch được nâng cấp, hiện có 17 khu, điểm du lịch; 696 cơ sở lưu trú du lịch với 8.660 phòng nghỉ, trong đó có 8 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn từ 3-4 sao, 32 cơ sở đạt tiêu chuẩn 1-2 sao.
Thành công nhất trong chính sách thu hút đầu tư và phát triển du lịch kể từ khi tái lập tỉnh Ninh Bình phải kể đến việc năm 2014, UNESCO đã ghi danh Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, chính thức ghi tên Ninh Bình trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. Sự ra đời của Di sản Quần thể danh thắng Tràng An cũng được xem là trụ cột, là động lực để phát huy các giá trị, tài nguyên khác của tỉnh. Du lịch Ninh Bình được các chuyên trang du lịch quốc tế bình chọn là điểm đến du lịch hấp dẫn, nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đón được nhiều khách du lịch nhất cả nước.
Đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới. Ảnh: Đức Lam
Năm 2019, toàn tỉnh đã đón 7,65 triệu lượt, trong đó có gần 1 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt 3.671 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 21.000 người. Theo đánh giá, Ninh Bình còn rất nhiều tiềm năng tự nhiên, giá trị văn hóa - lịch sử và dư địa để phát triển trở thành điểm đến du lịch hàng đầu quốc gia và khu vực.
Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã kéo lùi sự phát triển của ngành du lịch Ninh Bình hơn chục năm về góc độ số lượt khách và doanh thu. Năm 2021, toàn tỉnh chỉ đón được hơn 1,3 triệu lượt du khách (thấp hơn 200 nghìn lượt so với năm 2007, với 1,5 triệu lượt), doanh thu đạt 935 tỷ đồng (thấp hơn 100 tỷ so với năm 2007, với 1.090 tỷ đồng). So với năm 2019, khách nội địa giảm 82,6%, ngành du lịch thiệt hại khoảng trên 3.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tỉnh xác định quan điểm phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó, du lịch được coi là trụ cột quan trọng nhất mang tính điều hướng, dẫn dắt các ngành, lĩnh vực phát triển theo hướng xanh, bền vững. Do vậy, công tác quy hoạch được tỉnh đặc biệt chú trọng, triển khai rất sớm. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đầu tiên của tỉnh đã được phê duyệt năm 1995 và liên tục được rà soát, điều chỉnh, bổ sung theo từng giai đoạn.
Hiện tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt và đang triển khai quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đặc biệt là ngày 30/11/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1339/QĐ-UBND phê duyệt đề án phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045, đây sẽ là cơ sở khoa học và pháp lý quan trọng để các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch trong thời gian tới.
Trên cơ sở xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, dẫn dắt các ngành kinh tế khác theo hướng phát triển xanh và bền vững, tỉnh đã hoạch định các chính sách phát triển kinh tế theo 3 mũi nhọn là: Thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp sạch, công nghệ cao và bảo vệ tài nguyên môi trường, trong đó chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô; Phát triển nông nghiệp theo hướng đặc sản và đặc hữu nhằm gia tăng giá trị canh tác trên 1ha, phục vụ sản phẩm cho du lịch và nội tiêu; thu hút các dịch vụ, thương mại phục vụ cho du lịch phát triển theo hướng xanh và bền vững.
Đồng thời, tỉnh cũng thiết lập một mô hình hợp tác hiệu quả, chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, đặc biệt coi trọng sự đồng thuận và tham gia tích cực, trách nhiệm của người dân địa phương, vì họ vừa là di sản sống, vừa trực tiếp bảo vệ, giữ gìn di sản và tài nguyên du lịch.
Với những định hướng đó, năm 2021, ngành Du lịch đã phối hợp với một số đơn vị trong và ngoài nước thực hiện đề tài nghiên cứu xây dựng và phát triển thương hiệu điểm đến du lịch tỉnh Ninh Bình; tham mưu xây dựng kế hoạch tuyên truyền, xúc tiến quảng bá du lịch giai đoạn 2021-2025, xây dựng Kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch; xác định các giải pháp trọng tâm mang tính đột phá để đưa du lịch Ninh Bình lên tầm cao mới.
Trong đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu tập trung huy động các nguồn lực xã hội để phát triển nhanh và bền vững cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Đây được xem là một trong ba định hướng quan trọng nhất trong chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó Ninh Bình xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chất lượng dựa trên thế mạnh và tiềm năng du lịch tỉnh Ninh Bình.
Chú trọng đến tính độc đáo riêng của du lịch tỉnh, chất lượng sản phẩm du lịch phải mang hàm lượng văn hóa cao, phải phù hợp với từng thị trường khách trong nước và quốc tế. Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Du lịch cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, góp phần tạo bước đột phá toàn diện cả về phạm vi, quy mô, tính chuyên nghiệp và chất lượng dịch vụ trong thời gian tới.