Do vậy, vùng đề cử di sản bao hàm toàn bộ khu vực hang động Tràng An - Tam cốc; Khu Cố đô Hoa Lư và toàn bộ phần rừng đặc dụng và núi đá vôi Hoa Lư có ranh giới về phía tây bắc của vùng được quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020.
Ông Nguyễn Đức Long, Giám đốc Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An cho biết: Căn cứ vào Luật Di sản, hướng dẫn thực hiện Công ước di sản thế giới và tình hình thực tế tại Quần thể danh thắng Tràng An, có thể xác định và phân thành 5 vùng với những chính sách và định hướng quản lý, bảo tồn, phát triển bao gồm: Khu vực bảo vệ nghiêm ngặt; Khu vực khoanh vùng bảo vệ các công trình di tích lịch sử kiến trúc- nghệ thuật, di tích, di chỉ khảo cổ; Khu vực dành cho phát triển du lịch; Khu vực bảo tồn đan xen giữa khu vực bảo vệ nghiêm ngặt và phát triển du lịch; Khu vực là làng xã có cư dân sinh sống.
Theo đó, khu vực bảo tồn nghiêm ngặt sẽ không có bất kỳ tác động, khai thác làm ảnh hưởng đến tính vẹn toàn, nguyên gốc của di tích. Dự kiến bao gồm các khu vực sau: Khu vực thung Đền Trần- cửa ngõ dẫn vào các hang động nơi các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều dấu tích về người tiền sử từng sinh sống như trong hang Trống, hang Bói, hang Mòi; Khu rừng đặc dụng Hoa Lư; Khu vực hang động khảo cổ học: Mái đá Ông Hay, mái đá Chợ, mái đá Vàng, Thung Bình 1, 2 và 3. Chính sách quản lý và định hướng ở khu vực này là không cho phép khách du lịch đến tham quan, chỉ những nhà nghiên cứu mới được phép tiếp cận, nhằm bảo tồn nguyên trạng vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ vốn có của nó.
Khu vực khoanh vùng bảo vệ các công trình di tích lịch sử kiến trúc - nghệ thuật, di tích, di chỉ khảo cổ cũng là vùng bảo vệ nghiêm ngặt, hạn chế tối đa hoạt động xây dựng tác động làm sai lệch tính toàn vẹn, nguyên gốc của di tích. Dự kiến gồm các khu vực sau: Đền vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành, các di tích đã xếp hạng và các di tích đã kiểm kê có giá trị về lịch sử, 25 hang động khảo cổ và các di tích, di chỉ khảo cổ học đã khai quật, kể cả các khu vực có tiềm năng về khảo cổ. Chính sách quản lý và định hướng ở những khu vực này là tiếp tục nghiên cứu về giá trị di tích; tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp các công trình di tích lịch sử, kiến trúc - nghệ thuật; nghiên cứu lập quy hoạch khảo cổ trong toàn bộ khu vực di sản đề cử; tiếp tục việc mở rộng, thăm dò khu vực khảo cổ.
Các khu vực dành cho phát triển du lịch tương đối hẹp so với tổng diện tích của khu vực di sản đề cử, có thể xác định những khu vực này chạy từ đường quốc lộ vào các khu danh thắng như: Khu trung tâm Cố đô Hoa Lư, Khu sinh thái Tràng An (từ bến đò theo dòng suối vào tới thung Đền Trần), Khu danh thắng Tam Cốc - Bích Động (từ bến đò Tam Cốc - Bích Động theo dòng suối vào đến hang 3 và vào đến tận khu sinh thái Tràng An khi việc nạo vét dòng suối đã hoàn thành), các hang như Bích Động, động Am Tiên; Khu du lịch động Thiên Hà, hang Bụt; Khu du lịch Thạch Bích - Thung Thắng; Khu du lịch sinh thái Thung Nham. Chính sách quản lý và định hướng ở những khu vực này là chỉ cho phép xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà đón tiếp, hướng dẫn du lịch, bảo tàng, bến thuyền, bãi đỗ xe… nhằm phục vụ du khách, phát huy giá trị di tích. Tuy nhiên việc xây dựng các công trình mới phải có ý kiến của Ban Quần thể danh thắng Tràng An và các cơ quan Nhà nước có liên quan.
Khu vực bảo tồn đan xen giữa khu vực bảo vệ nghiêm ngặt và phát triển du lịch như cảnh quan dọc hai bên bờ sông Ngô Đồng trong tuyến thăm Tam Cốc; cảnh quan xung quanh các thôn, xóm, làng thuộc 8 xã trong khu vực di sản đề cử có cư dân sinh sống; cảnh quan các khu vực công trình di tích lịch sử kiến trúc - nghệ thuật, di tích, di chỉ, hang động người xưa. Khu vực này là hành lang bảo vệ, ngăn chặn những tác động xấu đến vùng bảo vệ nghiêm ngặt không cho phép xây dựng hay bất kỳ hoạt động nào ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên.
Các khu vực là làng, xã có cư dân sinh sống gồm có các thôn, xóm làng thuộc 8 xã trong khu vực đề cử có cư dân sinh sống. Chính sách quản lý và định hướng ở những khu vực này là khống chế tỷ lệ tăng dân số, không mở rộng và phát triển đô thị hóa; bảo tồn cảnh quan tại các xóm, làng trong khu vực di sản như hiện trạng truyền thống vốn có; giữ gìn các giá trị văn hóa phi vật thể, nghề thủ công truyền thống trong các làng xã, cư dân; tổ chức khảo sát, kiểm kê để từng bước kiểm kê để giải tỏa xây dựng trái phép không theo quy hoạch trong khu vực di sản, di dân khỏi những khu vực có nguy cơ ảnh hưởng tới giá trị tính toàn vẹn và xác thực của di sản.
Bảo Yến