Ninh Hải đặc thù là xã miền núi, với gần 2.000 hộ dân, hơn 6.200 nhân khẩu, làm dịch vụ du lịch và tiểu thủ công nghiệp chiếm 75-80%; thu nhập chủ yếu của nhân dân là từ dịch vụ du lịch và tiểu thủ công nghiệp. Do đó có thể nói đời sống của đa số người dân trong xã gắn rất chặt với dịch vụ du lịch. Bà Đinh Thị Cúc, Phó Bí thư Đảng ủy kiêm trưởng khối dân vận xã cho biết: Xã Ninh Hải xác định dịch vụ du lịch có phát triển bền vững thì đời sống của người dân nơi đây mới thực sự ổn định và đi lên và muốn phát huy tiềm năng du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững của địa phương, trước hết phải ổn định tình hình ANTT, đẩy lùi tệ nạn xã hội, quan trọng nhất là xây dựng nếp sống văn minh du lịch trong nhân dân. Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy xã, Khối dân vận xã và Ban quản lý khu du lịch Tam Cốc-Bích Động đã xây dựng, ký kết chương trình phối hợp công tác vận động quần chúng thực hiện nếp sống văn minh du lịch, trọng tâm là xây dựng mô hình "Toàn dân đoàn kết tham gia giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nếp sống văn minh Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động". Ban chỉ đạo xây dựng mô hình được thành lập gồm 18 thành viên do đồng chí Phó bí thư Đảng ủy làm trưởng ban, Trưởng ban quản lý khu du lịch Tam Cốc-Bích Động làm phó ban; lãnh đạo MTTQ và các đoàn thể ở xã làm thành viên; xây dựng quy chế hoạt động; phân công, giao nhiệm vụ cho các thành viên, hội viên. Việc xây dựng mô hình được triển khai đến các chi bộ, các đoàn thể, nhà trường, thôn, xóm, cơ quan du lịch, các doanh nghiệp làm dịch vụ.
Bên cạnh đó đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã; kẻ vẽ pa-nô, áp phích; tổ chức hội nghị lồng ghép, mở các lớp tư vấn nâng cao nhận thức về du lịch cho các đối tượng. Các thành viên BCĐ không quản khó khăn, kiên trì vận động nhân dân, cán bộ, nhân viên du lịch thực hiện tốt nội quy về nếp sống văn minh, văn hóa du lịch, giữ gìn ANTT trên địa bàn xã với các quy định cụ thể như: không chéo kéo, nài ép khách chụp ảnh, mua hàng không đúng nơi quy định; không xin tiền bồi dưỡng của khách; không chở đò khi không có vé; không cắt giảm các tuyến du lịch của khách; có phong cách giao tiếp, ứng xử văn minh, lịch sự.
Trong quá trình xây dựng mô hình, Đảng ủy xã, Ban chỉ đạo đã xác định được khâu đột phá để mọi người dân phát huy quyền làm chủ của mình là thành lập các tổ tự quản theo nghề nghiệp, loại hình tham gia dịch vụ như: chèo đò, chụp ảnh, bán hàng lưu niệm, kinh doanh ăn uống, nhà nghỉ, giữ gìn trật tự, tổ làm vệ sinh… để nhân dân tự quản và nhắc nhở nhau giữ gìn trật tự, văn minh du lịch. Đồng thời các đoàn thể đã phối hợp hoạt động tạo cơ chế đồng bộ để đoàn viên, hội viên và người dân phát huy quyền làm chủ, tham gia quản lý ngay trên các khu vực làm việc của các tổ. Cụ thể là đã thành lập 7 tổ chèo đò, 6 tổ dịch vụ chụp ảnh, các tổ viên đều được cấp thẻ, chứng chỉ hành nghề để các tổ tự quản lý và nhắc nhở nhau giữ gìn văn minh du lịch.
Khối dân vận xã còn tham mưu cho UBND xã phối hợp với Ban quản lý Khu du lịch tổ chức cho hội viên các đoàn thể tham gia các dịch vụ chở đò, chụp ảnh, bán hàng trên sông, các doanh nghiệp nhà hàng tham gia làm dịch vụ tại Khu du lịch ký cam kết giữ gìn an ninh trật tự, thực hiện tốt các nội quy của khu du lịch. Định kỳ một tuần 2 lần, Ban chỉ đạo xây dựng mô hình còn tổ chức huy động làm tổng vệ sinh môi trường trên toàn tuyến du lịch tạo cảnh quan sạch đẹp; tổ chức thường xuyên các buổi giao lưu văn nghệ với nhiều tiết mục, tiểu phẩm có nội dung phong phú, nêu gương người tốt, việc tốt, phê bình những biểu hiện tiêu cực trong việc phục vụ khách du lịch được người dân hưởng ứng. Bên cạnh đó, thông qua sinh hoạt hàng tháng của các chi hội, chi đoàn, tổ tự quản, thường xuyên nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của nhân dân báo cáo về khối dân vận, UBND xã, doanh nghiệp để có biện pháp phối hợp chỉ đạo.
Trên cơ sở những tổng hợp đề xuất của khối dân vận, UBND xã và doanh nghiệp đã có sự phối hợp chặt chẽ, trực tiếp giải quyết những vấn đề có liên quan đến việc đảm bảo nếp sống văn minh du lịch. Đặc biệt, UBND xã và doanh nghiệp đã thực hiện nghiêm chế độ giao ban trong tháng, đánh giá những việc làm được, chưa làm được và tìm biện pháp giải quyết. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân, công nhân viên Ban quản lý và những người tham gia dịch vụ trong việc thực hiện nếp sống văn minh, vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, cảnh quan sạch đẹp… thu hút ngày càng đông du khách đến tham quan, qua đó nâng cao thu nhập bình quân đầu người từ 8 triệu đồng/năm (năm 2008) lên 22 triệu đồng/năm. Qua đó có thể khẳng định, Ninh Hải đã xây dựng thành công nếp sống văn minh du lịch. Đó là nền tảng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Lê Xuân