Đây cũng là dịp tri ân đối với các thế hệ cha ông đã có công dựng nước và giữ nước, từ đó giáo dục truyền thống lịch sử yêu nước, cách mạng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân; giới thiệu với bạn bè năm châu về đất nước, con người, tiềm năng, thế mạnh, nền văn hóa của Việt Nam. Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), nơi khởi phát, ghi dấu tích của 3 triều đại: Đinh, tiền Lê, Lý; nơi vua Lý Thái Tổ rời đô ra Thăng Long, bởi vậy đây là một trong những địa danh quan trọng diễn ra các sự kiện của Đại lễ.
Việc tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân cả nước nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng. Đây còn là dịp để giới thiệu truyền thống lịch sử văn hóa vùng đất Cố đô Hoa Lư và những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bởi vậy, các phần của Đại lễ được tổ chức tại Ninh Bình phải đảm bảo yêu cầu phong phú, đa dạng, thiết thực, hiệu quả, mang đậm bản sắc quê hương với phương châm: Các hoạt động hướng tới, các phần việc phục vụ cho Đại lễ của tỉnh nghiêm túc, chu đáo ngay từ ban đầu.
Đến thời điểm hiện nay, công tác chuẩn bị cho Đại lễ tại Ninh Bình đã được UBND tỉnh chỉ đạo, giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện tốt, đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Công tác tuyên truyền được quan tâm, chú trọng. Đặc biệt, công tác tu bổ, tôn tạo di tích và xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ Đại lễ đã được chỉ đạo, đôn đốc thực hiện khẩn trương. Việc tu bổ, xây dựng cơ sở hạ tầng bao gồm các công trình văn hóa, du lịch nằm trong vùng bảo vệ đặc biệt Cố đô Hoa Lư; các công trình văn hóa du lịch có liên quan đến Đại lễ: Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Khu du lịch Tràng An; dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê; một số công trình giao thông và chỉnh trang đô thị thành phố Ninh Bình.
Nhờ sự nỗ lực, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, nhiều hạng mục đã và đang được tiến hành, hoàn thành tạo diện mạo mới, khang trang, sạch đẹp tại các khu tích lịch sử, khu du lịch. Nằm trong vùng bảo vệ đặc biệt Cố đô Hoa Lư, dự án xây dựng hệ thống giao thông đường bao, hào nước nhằm bảo vệ khu trung tâm Cố đô, đồng thời phục vụ cuộc sống dân sinh ở xã Trường Yên, gồm có 7 tuyến đường với tổng chiều dài 8,5 km, hiện đã hoàn thành tuyến đường phía Đông trên 1 km, chiếm 13% khối lượng, đang chuẩn bị thi công tuyến đường phía Tây Nam. Dự án xây dựng cổng chốt phía Đông, phía Nam và phía Bắc nhằm quây khu, biệt lập toàn bộ khu trung tâm Cố đô Hoa Lư đã hoàn thành xong 60% khối lượng công việc (đang hoàn thiện cổng phía Đông và cổng phía Nam). Một số di tích trong 13 di tích thuộc dự án tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa trong vùng bảo vệ đặc biệt Cố đô Hoa Lư như chùa Nhất Trụ, đền thờ công chúa Phất Kim, phủ Kình Thiên đã được trùng tu tôn tạo.
Bên cạnh đó, nhiều hạng mục công trình văn hóa, du lịch có liên quan đến Đại lễ cũng được triển khai từ năm 2007, 2008 như Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng xã Gia Phương (huyện Gia Viễn); Dự án tu bổ tôn tạo động Hoa Lư (xã Gia Hưng, Gia Viễn); dự án xây dựng cổng thành vào khu Cố đô Hoa Lư;...
Một số dự án như xây dựng cơ sở hạ tầng Khu du lịch Tràng An, nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê; công trình giao thông Quốc lộ 1A, Quốc lộ 10,... đang được triển khai thực hiện theo kế hoạch. Hầu hết các dự án đều phấn đấu đến năm 2010 cơ bản hoàn thành phục vụ cho Đại lễ. Do vậy, cùng với những dự án đang đẩy nhanh tiến độ thi công, nhiều dự án mới cũng được xây dựng như dự án bảo tồn, tôn tạo khuôn viên Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành, Lăng vua Đinh, Lăng vua Lê, nhà che bia cầu Dền...; khai quật khảo cổ học; xây dựng quảng trường, sân lễ hội phía trước Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành; xây dựng quảng trường, tượng đài Đinh Tiên Hoàng đế ở thành phố Ninh Bình.
Đi đôi với việc tôn tạo các di tích lịch sử, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn phối hợp với các ngành ở Trung ương và địa phương tổ chức nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm giới thiệu giá trị Khu di tích Cố đô Hoa Lư như tổ chức Hội thảo xác định giá trị di sản văn hóa Cố đô Hoa Lư và Khu du lịch sinh thái Tràng An làm cơ sở khoa học để báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét trình Thủ tướng Chính phủ công nhận xếp hạng khu di tích Cố Đô Hoa Lư là khu di tích đặc biệt quan trọng cấp Quốc gia; tổ chức hội thảo về thân thế, sự nghiệp của vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành và hoàng hậu Dương Vân Nga để làm cơ sở khoa học tổ chức cuộc thi sáng tác mẫu tượng đài.
Ngành cũng đang lập hồ sơ để trình UBND tỉnh nâng cấp, sửa chữa Nhà bảo tàng tỉnh nhằm trưng bày tư liệu, hiện vật với chủ đề: "Từ Hoa Lư tới Thăng Long - Hà Nội" phục vụ cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; chuẩn bị nội dung, các hoạt động triển lãm mỹ thuật, ảnh nghệ thuật phản ánh nét đẹp thiên nhiên, con người, các giá trị di sản văn hóa, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhà hát chèo đang chuẩn bị nội dung, xây dựng kịch bản, các chương trình phục vụ, tập luyện. Chuẩn bị các chương trình văn hóa, văn nghệ; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, tổ chức các tour, tuyến du lịch với chủ đề về với Cố đô Hoa Lư nghìn năm tuổi; tập trung thu hút, đẩy mạnh xây dựng các khu dịch vụ lưu trú, ẩm thực... Tuy nhiên, việc triển khai các dự án cũng như các phần việc phục vụ cho Đại lễ đang gặp một số khó khăn về việc giải phóng mặt bằng và kinh phí đầu tư. Do đó rất cần sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và của toàn xã hội để các dự án, công trình được hoàn thành phục vụ kịp thời phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng long - Hà Nội.
Bài, ảnh: Hoàng Tâm