Từ hôm mùng 6 Tết đến nay, chị Nguyễn Thị Dung, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp kín lịch đi lễ đền, chùa đầu năm. Chuyến xuất hành đầu tiên của người phụ nữ 39 tuổi, kinh doanh tự do là tham gia khai hội chùa Bái Đính vào mùng 6 Tết. Theo kế hoạch của chị, đến khoảng 21 tháng Giêng sẽ kết thúc chuyến hành trình lễ chùa đầu năm. "Năm nay, dịch bệnh được kiểm soát nên du khách hành hương về chùa Bái Đính đông hơn mọi năm gấp 5 - 7 lần. Dù biết tình trạng đông đúc, thậm chí ùn tắc ở các điểm chùa nhưng đầu năm đi lễ chùa đã trở thành lệ, đông cũng sẽ đi để cầu xin cả năm gia đình yên ấm, công việc thuận lợi." - chị Dung cho biết.
Lặn lội hơn 400 km từ huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) về Ninh Bình với mục đích vừa đi lễ chùa cầu an đầu năm, vừa vãn cảnh, anh Bùi Kế Trung chia sẻ, đây là lần đầu anh có dịp du lịch các điểm tâm linh tại Ninh Bình nên cả nhà lên lịch trình rất kỹ, tranh thủ thời gian để trong thời gian ngắn có thể đi được nhiều nơi như kế hoạch. Ngoài những chùa lớn, nổi tiếng như chùa Bái Đính, anh tìm đến những ngôi chùa cổ, các đền thờ có bề dày lịch sử, được công nhận là di tích cấp quốc gia.
Ninh Bình là một trong những tỉnh có kho di sản văn hóa lớn, phong phú và đặc sắc. Các di sản văn hóa vật thể là những đình, chùa, miếu, đền thờ, trong đó hiện có 357 ngôi chùa, với 40 chùa được xếp hạng di tích cấp tỉnh, 26 chùa được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Nét độc đáo riêng của Ninh Bình là có tới gần 20 ngôi chùa gắn liền với núi đá, hang động. Với những lợi thế trên, du lịch tâm linh luôn là một trong những thế mạnh góp phần thu hút đông đảo du khách đến với Ninh Bình, nhất là dịp đầu năm.
Theo thống kê của Sở Du lịch, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, Ninh Bình đón gần 400.000 lượt khách, gấp 2,2 lần so với dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Đặc biệt, lượng khách đến với các điểm du lịch tâm linh tăng từ 6 - 8 lần so với ngày thường. Trong đó, Khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính là một trong những điểm đón đông du khách nhất. Trong 6 ngày Tết, nơi đây đón khoảng 162.340 khách, riêng trong ngày khai hội (tức mùng 6 âm lịch), lượng khách đổ về hàng chục nghìn người.
Ngoài ra, Ninh Bình có Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, vua lê Đại Hành - di tích cấp quốc gia đặc biệt, chùa Nhất Trụ, chùa Đồng Đắc… và nhiều ngôi chùa nổi tiếng khác được bạn bè gần xa biết đến. Tại các vùng quê trong tỉnh, hầu như mỗi địa phương đều có những ngôi chùa, di tích lịch sử tái hiện văn hóa, nếp sống con người Cố Đô. Do đó mỗi dịp tháng Giêng, người dân Ninh Bình nói riêng, du khách trong nước và quốc tế nói chung đến dâng hương, vãn cảnh.
Bà Hoàng Phương Hà, đại diện Ban quản lý Khu du lịch Bái Đính, cho biết: Sau hơn hai năm gián đoạn bởi dịch COVID - 19, năm nay người dân được tự do đi hành lễ nên lượng người đổ về rất đông, ngay từ những ngày đầu xuân cho tới hôm nay, lượng người đến với chùa Bái Đính vẫn rất đông đúc. Để đảm bảo an toàn cho du khách, cũng như tránh việc quá tải, Ban quản lý Khu du lịch đã bố trí nhân lực bổ sung tại tất cả các bộ phận, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cũng như giải quyết các tình huống phát sinh cấp bách.
Chị Nguyễn Thị Hằng, hướng dẫn viên du lịch Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Ninh Bình cho biết: Tháng Giêng là cao điểm mùa du lịch tâm linh nên hầu hết nhân sự trong lĩnh vực này sẽ làm việc hết công suất. So với mọi năm, đối tượng khách du lịch tâm linh đa dạng và có xu hướng trẻ hóa. Có rất nhiều đoàn khách lớn, nhỏ là các em học sinh, sinh viên, các bạn trẻ đi lễ chùa đầu năm với mục đích tốt đẹp là cầu bình an, sức khỏe, học hành và quảng bá du lịch bằng trải nghiệm cá nhân trên các trang mạng xã hội. Ngoài ra, lượng khách du lịch là người nước ngoài cũng tăng do nhu cầu về tìm hiểu văn hóa, kiến trúc Phật giáo.
Đi lễ chùa đầu năm mới là tín ngưỡng văn hóa truyền thống của người Việt có sự kế thừa từ nhiều đời nay. Đi lễ chùa đầu năm không chỉ để ước nguyện những điều tốt đẹp cho gia đình, người thân, bạn bè mà còn là thời gian để tìm về chốn tâm linh, hiểu thêm về văn hóa truyền thống, tận hưởng không khí mùa xuân. Tuy nhiên, bên cạnh việc đi lễ chùa như một nét đẹp văn hóa, vẫn còn không ít người mê tín dị đoan làm lễ to, cúng lớn với mục đích "cầu gì được đó", đến cửa đền, chùa chủ yếu để xin công danh, tiền bạc... Điều này khiến bản chất ban đầu của đi lễ đầu năm bị hiểu sai. Dù quan niệm đi lễ chùa mỗi thời mỗi khác, có nét đẹp và có những "biến tướng" nhưng rõ ràng câu răn "Thứ nhất tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa" lúc này càng mang nhiều ý nghĩa.
Du xuân, lễ chùa là phong tục đẹp, làm sao để có sự hài hòa, tâm hồn thư thái, an yên cho một năm mới tràn đầy hy vọng, học tập và lao động tích cực, hiệu quả mới là điều quan trọng.
Lan Anh