Nhưng cũng có lúc bạc lòng làm lũ trắng mùa úa rũ, ngầu ngầu như đổ giận lên đồng non, làm xót xa tan nát lòng người dân nghèo. Vậy nhưng sông vẫn cứ làm nên tha thiết thương yêu trong ký ức đứa xa nhà như bạn. Có đôi lần tôi ước được qua đò quê bạn một lần để biết cái cảm giác mênh mang của một chuyến sang sông, có lúc mơ được ngủ giữa cánh đồng để nghe gió vi vút chiều nghiêng những cánh cò chênh chao nắng lụi. Ước lội chân trần lên phù sa đỏ quạch sau ngày lũ tái tê, những vết chân trên bùn lại hẹn mùa xanh tốt.Tôi phải lòng những câu ca dao dẫu không còn lạ mới, nhưng mỗi lần nghe bạn vờ ru cứ xao xác nỗi niềm...
Tôi sinh ra từ núi. Quê tôi không có sông, tôi kể bạn nghe về nương xa đồi rộng, về dòng nước mó chảy ra từ vách đá. Ai nói đá khô trơ, ai nói đá vô tình. Đá ở đó từ nghìn đời với bao kiếp người cùng đi qua khổ hạnh. Đá chảy tuôn dòng nước mó trong veo từ lòng núi, dẫu không ào ào thác đổ, không cuồn cuộn dòng trôi, nhưng nước mó làm sạch mồ hôi , làm tan cơn khát và nước mó làm cho nước mắt người Mường tôi không còn mặn xót, mỗi khi khổ nhọc vốc nước lên táp ướt lạnh mặt người là vơi nguôi.
Người Mường tôi đi nương, đi rẫy không không cần đem theo nước uống vì đã có mó chân đồi. Mỗi khi khát chạy ra đó, chìa tay hoặc hứng nón vào khe đá là có ngay những ngụm nước ngon ngọt nhất, thứ nước ấy trong đến lạ, mát lạnh đến mê tê từng tế bào khi nó chảy vào cơ thể. Mỗi ngày đi làm, các chị các mẹ thường vác theo một ống bương nho nhỏ, ống này được làm từ hai đến ba lóng cây bương, thông thủng mắt để đựng nước lấy ở mó hoặc ngoài bến khạ về nhà dùng. Dù chân thang nhà nào cũng đã có một máng khạ dẫn nước từ mó trên đồi về ,nhưng ngày ngày những người phụ nữ vẫn thích vác một ống nước lấy từ khe đá về để nấu nước lá hoặc đổ ra niêu tiếp khách.
Trên đồi quanh làng có vài ba mạch mó , đàn ông đàn bà chia địa phận để sinh hoạt. Mỗi khi xong việc, người Mường tôi lại kéo nhau ra mó nước để tắm giặt, nghỉ ngơi cho khỏe khoắn mới xuống núi về nhà.
Không có con đò chẳng có bến sông, không câu ca dao và cánh cò như quê bạn, nhưng những câu xường đối, vẳng vang vách đá sau mỗi ngày nhọc nhằn mà các chị, các mẹ, các anh các bá nghỉ ngơi, tắm giặt hò hát đối nhau ở bến mó vẫn vọng ngân trong tôi một giai âm kỳ diệu mà không gì có thể phai lẫn. Mùa hoa bông trăng, thứ hoa có mùi thơm như thể nếm được vị ngọt trong hơi thở, trút những cánh đỏ cánh hồng rơi lơi đầy mặt suối, ríu rít theo nhau trôi qua đá qua ghềnh, cứ làm tôi miên man nhung nhớ tháng tư.
Bạn mỗi lần thao thiết kể về bến về sông, lại trĩu mi trầm buồn: sông giờ đã đục ngầu rác rưởi, chẳng ai dám lội chân mà rửa, đồng bãi giờ nhà máy mọc dọc mọc ngang màu bê tông trắng bạc, những cánh cò không có chốn trở về, cây cầu mới bắc ngang dòng sông làm con đò cũ thãi thừa rã mục trên bờ hoang.
Tôi nhớ núi thương đá. Đá trụi lơ bạc thếch những vết mìn, vết búa nham nhở tan hoang, vùi lấp những dòng mó ngọt lành. Người làng giờ tắm bằng nước giếng khoan, nước có mùi gì đó cứ gai gai người mà không phải mùi của đồi của núi nữa...
Những dòng xưa cổ tích mất rồi, những lòng người vẫn còn đau đáu khát.
Tú Anh