Đến thăm di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Tràng An, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh quan đá vôi dạng tháp kỳ vĩ ở giai đoạn cuối cùng của quá trình tiến hóa karst trong môi trường khí hậu nhiệt đới ẩm, mà còn biết đến vết tích các nón karst, tháp karst, các hố sụt lún, các bồn địa, ngấn đầm lầy, hang ngập, sông ngầm và các hang động với các trầm tích đa dạng trong quần thể danh thắng. Không có nơi nào trên thế giới cho thấy sự chuyển tiếp cảnh quan giữa karst chóp nón như Tràng An, nơi chúng liên kết với nhau qua các sống núi sắc mảnh và cả karst tháp đứng rời rạc trên cánh đồng bóc mòn phủ lớp phù sa trên vùng chiêm trũng.
Câu chuyện tiến hóa karst đã được kể lại ở Tràng An cùng với các bằng chứng dao động mực nước biển qua nhiều lần biến cải, nâng lên, hạ xuống trong suốt thời kỳ Pleistocene và Holocene. Các ngấn nước biển ở Tràng An với độ cao khác nhau, chồng xếp lên nhau được xem như bằng chứng toàn cầu, minh họa sự tương tác của quá trình tiến hóa karst với những lần dao động mực nước biển và mực nước ngầm liên quan trong hệ thống karst cuối cùng của nhân loại.
Đến Tràng An, du khách còn được chiêm ngưỡng ở đây sự phát triển địa hình trong một giai đoạn lâu dài, sự pha trộn giữa những ngọn núi dạng tháp có vách dốc đứng với muôn ngàn các hang động, sông suối ngầm, dạng xuyên thung. Ngày nay, đi thuyền trong các hang ấy ta vừa có cảm giác hoang sơ, nhưng thanh bình, gần gũi và an toàn.
Các giá trị ngoại hạng về địa chất và địa mạo Tràng An không tách rời các chứng tích khảo cổ học. Chính những bằng chứng khảo cổ học đã kể lại câu chuyện truyền thống cư trú trong hang động của con người nơi đây gần như liên tục trong suốt hơn 30.000 năm qua. Hơn thế, nơi đây đã hội tụ các bằng chứng sử dụng đất, sử dụng biển và sự thích nghi của con người với những biến đổi cảnh quan của khối đá vôi và đầm lầy xung quanh từ thời kỳ băng hà cuối cùng, một trong số những biến đổi về địa lý và khí hậu khắc nghiệt nhất trong lịch sử nhân loại. Bởi thế, Tràng An là một biên niên sử nguyên vẹn, nổi bật về sự biến đổi môi trường và những ứng phó của con người trong quá khứ xa xưa, một thí dụ nổi bật về truyền thống cư trú của loài người, truyền thống sử dụng đất, sử dụng biển, đại diện cho một nền văn hóa, một quá trình tương tác giữa con người với môi trường đặc biệt khi môi trường ấy dễ bị tổn thương dưới tác động của những thay đổi không thể đảo ngược của tự nhiên và xã hội.
Các bằng chứng cổ môi trường và khảo cổ học, đã cho những thông tin quan trọng về các môi trường đã mất, lịch sử tiến hóa và tính đa dạng, cũng như việc con người đã thích ứng như thế nào với điều kiện sau giai đoạn băng hà cuối cùng. Những phát hiện rõ ràng về đặc điểm thực vật xưa cùng các mối liên quan gần gũi giữa các chứng cứ khảo cổ học và môi trường cổ như vậy là không phổ biến ở Đông Nam á. Và, trong trường hợp này, Tràng An đã nhanh chóng được công nhận về khoa học như là một chuỗi điển hình trong khu vực. Câu chuyện văn hóa tiền sử ở Tràng An là hình ảnh thu nhỏ của quá trình toàn cầu về ứng phó của con người đối với biển tiến sau băng hà trong khu vực này. Nó có thể được coi là mô hình so sánh điển hình nhất với các địa điểm khác trong khu vực cùng chịu các tác động này. Tràng An cũng là một trong số ít các di sản có giá trị ở Đông Nam á giữ lại nhiều đặc điểm ban đầu, nguyên vẹn (in situ), hầu như không chịu ảnh hưởng lớn từ con người, động vật và các nhân tố khác ở thời gian sau đó. Tràng An mang đặc điểm về quá trình tương tác giữa con người - môi trường và là một kho tư liệu vô giá toàn cầu cho việc tìm hiểu quá trình thích ứng và thay đổi cảnh quan trong điều kiện biến đổi môi trường. Câu chuyện văn hóa tiền sử Tràng An còn được kể tiếp trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị nổi bật toàn cầu của nó trong tương lai.
Có thể khái quát sự thích ứng của con người với môi trường Tràng An được thể hiện rõ nhất ở mô thức cư trú, ở chiến lược khai thác thức ăn, ở hành vi và kỹ thuật chế tác công cụ và việc xuất hiện sớm đồ gốm. Những bằng chứng địa - khảo cổ ở đây đã xác nhận các hoạt động của con người gắn liền với sự biến động của môi trường khu vực: Trước, trong và sau biển tiến, đóng góp một cái nhìn về sự biến đổi cấu trúc quá khứ, về thay đổi phong cảnh địa phương, về biến động quần xã động vật thực vật theo thời gian. Sự đa dạng văn hóa và tập tính, truyền thống của người cổ Tràng An trong cư trú hang động, trong sử dụng đất và biển, trong sự tương thích với môi trường từ hàng chục nghìn năm qua ở vùng thung lũng đá vôi thấp, nhiệt đới gió mùa này hoàn toàn xứng đáng là một thí dụ nổi bật toàn cầu về Văn hóa và Tự nhiên của nhân loại.
PGS-TS Nguyễn Khắc Sử
(Viện Khảo cổ học)