Thời gian qua, được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, tại Nho Quan đã có nhiều dự án phát triển du lịch được Nhà nước đầu tư triển khai thực hiện. Một số dự án lớn phải kể đến như: Dự án đường ứng cứu phòng hộ Vườn Quốc gia Cúc Phương, ổn định dân cư, phát triển kinh tế các vùng núi đặc biệt khó khăn phía Tây tỉnh Ninh Bình, với tổng mức đầu tư 372,1 tỷ đồng, đến nay đã bố trí 100 tỷ đồng; Dự án tuyến đường tránh lũ kết hợp du lịch núi Đính - hồ Đồng Chương - Cúc Phương, tổng mức đầu tư 462 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương thuộc Chương trình phân lũ, chậm lũ; Dự án tuyến đường bản Săm, bản Sạng, bản Vóng (xã Kỳ Phú) do Sở Giao thông Vận tải đầu tư, với mức đầu tư 30 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; Dự án xây dựng Nhà bảo tàng Cách mạng Quỳnh Lưu; Nhà đón tiếp khách tại Khu tưởng niệm đồng chí Lương Văn Thăng tại xã Quỳnh Lưu; Dự án xây dựng Nhà bia tưởng niệm Bác Hồ - một địa điểm ghi dấu sự kiện ngày 10/2/1947, Bác Hồ đã về dự và chủ trì Hội nghị Điền chủ tại thôn Sào Thượng, xã Lạng Phong.
Bên cạnh đó, Nhà nước còn đặc biệt quan tâm đầu tư kinh phí cho các công trình văn hóa phục vụ phát triển du lịch, hàng năm có từ 3-5 di tích trên địa bàn huyện được hỗ trợ kinh phí để trùng tu, tôn tạo nhằm giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ cho phát triển du lịch, tiêu biểu như di tích phủ Đồi Ngang, xã Phú Long; di tích đình Mống, đình Lá, xã Yên Quang,...
Bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, với phương châm "Xã hội hóa du lịch", huyện Nho Quan đã có nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp, cá nhân cùng đầu tư phát triển du lịch. Do vậy, đã thu hút được nhiều dự án của các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực du lịch, văn hóa, tiêu biểu là Dự án đầu tư xây dựng khu sinh thái và biệt thự Golden Cúc Phương; tuyến đường vào khu sinh thái và biệt thự Golden Cúc Phương tại thôn Đồng Tâm, xã Cúc Phương do Công ty cổ phần dịch vụ du lịch Cúc Phương đầu tư; Dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng Cúc Phương Resort&Villas do Công ty cổ phần đầu tư Xây dựng Thăng Long đầu tư; Dự án xây dựng Khu du lịch tắm ngâm nước khoáng nóng Cúc Phương do Doanh nghiệp xây dựng Xuân Hòa đầu tư; dự án xây dựng sân golf Tràng An 18 hố cùng với các dịch vụ bổ sung khác như khu biệt thự, nhà hàng, bể bơi,…; dự án khu du lịch sinh thái hồ Đồng Chương do Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đầu tư,… và nhiều dự án về trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa được triển khai thực hiện với tổng kinh phí đầu tư trên 1 nghìn tỷ đồng.
Đồng chí Trần Văn Sính, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng các nhà hàng, khách sạn, hình thành mạng lưới dịch vụ du lịch đa dạng, phong phú, đảm bảo về chất lượng để phục vụ khách tham quan". Tính đến hết năm 2018, toàn huyện có 43 cơ sở lưu trú với 575 buồng nghỉ, trong đó có 5 khách sạn đạt từ 1-2 sao.
Các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn từng bước được đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên nên chất lượng dịch vụ ở các cơ sở lưu trú ngày càng được nâng lên, bước đầu đã mang lại sự hài lòng cho khách du lịch. Loại hình nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) phát triển khá nhanh, tập trung chủ yếu ở các xã có khu, điểm du lịch như Cúc Phương, Phú Lộc, Sơn Hà...
Đánh giá về những kết quả đạt được của ngành Du lịch Nho Quan trong giai đoạn 2010 - 2018, đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng: Những thành tựu đạt được trong lĩnh vực du lịch của Nho quan chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đặc biệt, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu du lịch chưa đồng bộ, chưa tạo được sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn có uy tín.
Một số dự án đầu tư du lịch triển khai chậm, chưa tạo được cơ sở vật chất kỹ thuật và sản phẩm du lịch có chất lượng để thu hút khách, tạo động lực cho phát triển du lịch. Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch ở Nho Quan còn hạn chế, trong khi đó nguồn kinh phí xã hội hóa chưa được nhiều".
Chính vì thế trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nghiên cứu và ban hành một số chế độ ưu đãi đầu tư để xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế, tham gia đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện theo phương thức Nhà nước - doanh nghiệp - hộ gia đình và nhân dân cùng đầu tư xây dựng. Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật tại các khu, tuyến du lịch trọng điểm của huyện như: Nhà bảo tàng cách mạng Quỳnh Lưu; tuyến đường ứng cứu phòng hộ Vườn Quốc gia Cúc Phương.
Đồng thời, tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở sản xuất vật chất kỹ thuật ngành Du lịch. Khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, khu vui chơi giải trí, các khách sạn có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao ở thị trấn Nho Quan, Rịa (Phú Lộc), khu du lịch tắm ngâm Cúc Phương.
Nguyễn Thơm