Nhắc đến lão nghệ sỹ nhiếp ảnh Phạm Hy Lượng, nhiều người vẫn nhớ hình ảnh người nghệ sỹ đam mê, có nhiều cống hiến cho bộ môn nghệ thuật nhiếp ảnh Ninh Bình. Từng là phóng viên chiến trường nên ông có điều kiện ghi lại những hình ảnh có giá trị cả về nghệ thuật và lịch sử của Ninh Bình qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Những tác phẩm của ông như: "Sẵn sàng chiến đấu", "Đế quốc Mỹ phá hoại tôn giáo ở Việt Nam"… đã được nhiều bạn bè quốc tế biết đến, qua đó ông đã giới thiệu cho người xem hình ảnh con người Ninh Bình anh dũng, kiên cường trong khói bom, lửa đạn. Hòa bình lập lại, ông công tác và đảm nhiệm chức Giám đốc Công ty nhiếp ảnh Hà Nam Ninh. Đây là cơ hội thuận lợi để ông thỏa mãn đam mê nghệ thuật chụp ảnh mà non nước Ninh Bình chính là nguồn đề tài vô tận. Nối tiếp niềm say mê với ảnh từ nghệ sỹ Phạm Huy Lượng (bố vợ), nghệ sỹ nhiếp ảnh Bùi Duy Tư đã có hơn 30 năm gắn bó với bộ môn nghệ thuật này. Gần 60 tuổi nhưng anh chưa từ bỏ những chuyến đi sáng tác cùng bạn bè hay lang thang một mình để săn tìm cái đẹp. Cùng ngắm những tác phẩm được anh cẩn thận lưu trong máy tính: "Chiều miền quê", "Vùng quê êm đềm", "Đường vào Tam Cốc"… và nghe anh kể về hành trình có được những bức ảnh ưng ý, chúng tôi mới thấy được hành trình hết sức gian nan của người nghệ sỹ nhiếp ảnh này. Anh kể: Có những chuyến đi, nhất là khi có ý định chụp nhân mùa lúa chín chẳng hạn, cả một tuần liền ngày nào cũng vất vả trèo núi để tìm vị trí chụp, thời tiết, khung cảnh phù hợp… Nhưng lên đến nơi lại bỏ lỡ cơ hội hoặc không chụp được bức nào ưng ý lại đành… chờ đến dịp này năm sau.
Với nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Đức Phương, người đã đạt nhiều giải thưởng cao ở trong nước và quốc tế như: huy chương vàng FIAP, huy chương đồng ILO, huy chương đồng triển lãm quốc tế… con đường "săn" cái đẹp cũng gian nan không kém. Một lần hỏi chuyện anh về bức ảnh "Xứ sở bình yên" mà tôi đặt mua, anh đã kể về cơ duyên có được bức ảnh ấy: Lang thang cả ngày trời ở đất Nho Quan, lúc chiều muộn về ngang qua khu sinh thái Vân Long, chợt bắt gặp hình ảnh khi chiều dần buông, những đàn cò bay rợp trời, trên sông là người phụ nữ chèo thuyền xuôi về… Chụp xong anh đã nghĩ ngay đến tên của tác phẩm là "Xứ sở bình yên". Việc đi săn cái đẹp, với Vũ Đức Phương là cả quá trình dài gắn bó. Xuất ngũ về địa phương, mở cửa hàng kẻ vẽ biển hiệu, làm ảnh ở thị trấn Phát Diệm (Kim Sơn), nhưng công việc chính của anh là thường xuyên có mặt tại các khu, điểm du lịch, các địa phương trong tỉnh để sáng tác, tìm kiếm hình ảnh đẹp. Anh chia sẻ, nếu chụp ảnh kiểu "Sa lông, máy lạnh" nghĩa là chỉ ngồi xe chở đến một điểm du lịch nào đó rồi chụp thì không bao giờ có được bức ảnh ưng ý. Mà mỗi chuyến đi, có khi một mình một xe máy, rong ruổi từ huyện này sang huyện kia, thậm chí càng đi lạc đường càng tìm được phong cảnh đẹp. Nhiều tác phẩm ưng ý và đạt giải cao của anh được ra đời trong những hoàn cảnh ấy… Cũng như Bùi Duy Tư, Vũ Đức Phương, những nghệ sỹ nhiếp ảnh như: Bình Nguyên, Bùi Tuấn Hải, Ninh Mạnh Thắng, Đinh Ngọc Khánh, Đào Minh Tiến, Đồng Tiệp Khắc… tuy không còn ở tuổi đôi mươi nhưng sức sáng tạo và làm việc vẫn luôn mạnh mẽ. Nhiều chuyến đi của họ đã góp phần đem đến cho người xem những hình ảnh đẹp về phong cảnh, non nước và con người Ninh Bình.
Bộ môn Nhiếp ảnh (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh) hiện nay có 20 hội viên, trong đó có 11 nghệ sỹ nhiếp ảnh Trung ương. 100% các hội viên đều đặn sáng tác và có nhiều tác phẩm ảnh về du lịch Ninh Bình. Nghệ sỹ nhiếp ảnh Bùi Duy Tư, Trưởng bộ môn chia sẻ: Từ lâu, bộ môn nhiếp ảnh đã "âm thầm" làm nhiệm vụ quảng bá du lịch Ninh Bình thông qua việc đưa các tác phẩm ảnh tham dự các triển lãm, các hội thi ở trong nước và quốc tế. Những năm gần đây, hoạt động quảng bá, giới thiệu du lịch Ninh Bình được định hình rõ nét hơn thông qua việc hội viên của bộ môn Nhiếp ảnh tích cực hưởng ứng các cuộc thi ảnh do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động. Nhiều chuyến đi tập thể hoặc từng cá nhân thực hiện đã đem về hàng trăm bức ảnh sinh động về non nước, du lịch Ninh Bình. Những tác phẩm: "Tam Cốc mùa vàng", "Du lịch sinh thái", "Lễ hội đền Thái Vi", "Tiếng trống hội", "Qua đồng cói", "Mùa tiếp mùa"… đã góp phần mang hình ảnh về vùng đất được thiên nhiên ưu đãi và giàu truyền thống đến với mọi miền Tổ quốc, vươn ra quốc tế, khiến nhiều người, dù chưa một lần đặt chân đến Ninh Bình nhưng đã có cảm nhận đẹp về vùng đất non nước hữu tình. Thành công của các nghệ sỹ nhiếp ảnh qua các cuộc thi ảnh trong nước, khu vực và thế giới giúp nhiều người hiểu rằng, nhiếp ảnh là bộ môn nghệ thuật có cách thức quảng bá du lịch thuận tiện nhất và hiệu quả nhất.
Nắm bắt được tầm quan trọng của lĩnh vực nhiếp ảnh đối với hoạt động quảng bá, giới thiệu du lịch Ninh Bình, những năm qua tỉnh ta có nhiều động thái tích cực nhằm động viên, khích lệ đội ngũ những người sáng tác. Ông Đào Minh Tiến, Giám đốc Nhiếp ảnh tỉnh cho biết: Được sự quan tâm của tỉnh, những năm qua Nhiếp ảnh tỉnh đã tham mưu cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thành công nhiều cuộc triển lãm ở trong và ngoài tỉnh như: "Non nước Ninh Bình", xuất bản tập sách ảnh "Những bà mẹ Việt Nam trên quê hương Ninh Bình", "Ninh Bình quê hương anh hùng" (2000), "ấn tượng Ninh Bình" tại Hội An (Quảng Nam), "Quần thể danh thắng Tràng An" nhân kỷ niệm 40 năm Công ước quốc tế về bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, "Non nước Ninh Bình" nhân kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh... Gần đây nhất là triển lãm ảnh nghệ thuật "Ninh Bình- Bạc Liêu" và "ấn tượng Ninh Bình" tại Hải Phòng nhân Năm Du lịch quốc gia các tỉnh đồng bằng sông Hồng năm 2013… Những bức ảnh giới thiệu tại các triển lãm đã đem đến những hình ảnh đẹp, sinh động nhất về vùng đất, con người Ninh Bình. Có những địa điểm, qua góc nhìn của nghệ sỹ nhiếp ảnh đã khiến vùng đất ấy lung linh hơn, huyền bí hơn. Cuối năm 2011, Nhiếp ảnh tỉnh phối hợp với Trung tâm Xúc tiến du lịch xuất bản 4.500 cuốn sách ảnh với tựa đề "ấn tượng Ninh Bình". Cuốn sách gồm 56 trang ảnh và các lời giới thiệu bằng tiếng Anh, khổ 15 cm x 20 cm nhỏ xinh, đã giới thiệu với du khách gần, xa, nhất là khách quốc tế khi về với Ninh Bình. Bên cạnh đó, Nhiếp ảnh tỉnh đang tổ chức nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm các sản phẩm ảnh nghệ thuật trên các chất liệu khác nhau như: gỗ, mica, gốm, sứ, vải áo, ảnh điện… nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch khi về Ninh Bình tìm mua các sản phẩm lưu niệm cho mỗi chuyến đi. Hiện nay, sản phẩm ảnh điện đang được nhiều khách hàng ưa chuộng và đặt hàng. Gần đây nhất, khi giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV - Eximbank Cup 2013 diễn ra tại Ninh Bình, khu vực Nhà thi đấu TDTT tỉnh là địa điểm để Nhiếp ảnh tỉnh đưa các panô ảnh ra giới thiệu. Hoạt động này được đánh giá cao bởi dễ tiếp cận với người xem.
Những đóng góp của các hội viên bộ môn nhiếp ảnh đã góp phần quảng bá và thúc đẩy sự phát triển của du lịch tỉnh nhà và quá trình lao động nghệ thuật của họ thật đáng trân trọng.
Phan Hiếu