Ninh Bình có tài nguyên du lịch tự nhiên, phong phú và hấp dẫn được đan xen với những tài nguyên du lịch nhân văn, những di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc, được hình thành và lưu giữ hàng nghìn năm. Đó là những lợi thế to lớn để phát triển du lịch, đặc biệt từ khi Quần thể danh thắng Tràng An trở thành Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã tích cực tập trung đầu tư cho phát triển kinh tế du lịch. Từ Nghị quyết 15 của BCH Đảng bộ tỉnh đến những Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch cùng cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư về du lịch được ban hành đã trở thành những động lực quan trọng, thúc đẩy du lịch Ninh Bình phát triển mạnh mẽ. Thành tựu của du lịch Ninh Bình có những bước tiến vượt bậc. Năm 2017, toàn tỉnh ước đón trên 7.000.000 lượt khách du lịch, trong đó khách nội địa đạt trên 6.197.000 lượt, khách quốc tế đạt trên 859.000 lượt, doanh thu du lịch ước đạt trên 2.500 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2016.
Để đạt được những kết quả trên, những năm qua, công tác xúc tiến du lịch luôn được chú trọng đẩy mạnh. Ninh Bình đã xây dựng được biểu tượng và tiêu đề du lịch "Ninh Bình - Non nước hữu tình" làm cơ sở cho việc quảng bá thương hiệu, hình ảnh du lịch Ninh Bình một cách nhất quán và chuyên nghiệp. Công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch được tổ chức với nhiều hình thức phong phú như: quảng bá trên Internet; trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức sự kiện tại các hội chợ, hội thảo; xuất bản phát hành các ấn phẩm tài liệu...
Xác định hoạt động quảng bá du lịch qua mạng Internet là hình thức mang lại hiệu quả cao với chi phí thấp lại không phụ thuộc vào không gian và thời gian, Trung tâm Xúc tiến du lịch Ninh Bình luôn duy trì và đẩy mạnh hoạt động của Trang thông tin điện tử tổng hợp du lịch Ninh Bình, chuyên trang quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch Ninh Bình cũng như trang thông tin quảng bá du lịch Ninh Bình trên mạng xã hội facebook ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh. Năm 2017, trang thông tin đã thu hút 5.175.000 lượt khách truy cập, tăng 6,26% so với cùng kỳ năm 2016.
Hoạt động quảng bá trên các phương tiện thông tin và truyền thông ngày càng được đẩy mạnh. Trung tâm Xúc tiến du lịch đã chủ động phối hợp và cung cấp thông tin với Đài PTTH Ninh Bình thực hiện các chương trình, phóng sự quảng bá du lịch, chuyên mục Tạp chí Du lịch phát trên kênh sóng Đài PTTH địa phương; phối hợp với Ban thời sự Đài truyền hình Việt Nam thực hiện chương trình "Nông dân làm du lịch và du lịch góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới" tại đảo Đầu Lâu - Khu du lịch sinh thái Tràng An; phối hợp với Trung tâm tin tức VTV24 - Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức ghi hình tại một số làng nghề ở tỉnh Ninh Bình...
Cùng với hoạt động quảng bá thông tin, hoạt động tổ chức sự kiện xúc tiến du lịch cũng đã được triển khai rộng rãi. Trong năm 2017, Trung tâm đã tổ chức và phối hợp với Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch Ninh Bình và các đơn vị trong và ngoài tỉnh tổ chức, tham gia 28 lễ hội, hội chợ triển lãm, hội thảo, tọa đàm quảng bá xúc tiến du lịch Ninh Bình trong nước và quốc tế. Ngành du lịch cũng phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng nội dung chương trình hội nghị trưng bày và lựa chọn sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu của Ninh Bình chọn mẫu sản xuất quà lưu niệm phục vụ khách du lịch.
Nhằm nâng cao hiệu quả quảng bá hình ảnh đất và người Ninh Bình đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước, năm 2017, Trung tâm Xúc tiến du lịch đã sản xuất 1.100 đĩa DVD, 300 USB Album ảnh điện tử quảng bá hình ảnh điểm đến du lịch Ninh Bình, 1.200 cuốn Bản tin du lịch, 1.500 sách ảnh "Non nước Ninh Bình", 5.000 Tập gấp Ninh Bình - Điểm đến của Di sản thế giới, 7.000 Bản đồ Du lịch Ninh Bình, song ngữ Việt - Anh; cung cấp trên 20.000 tài liệu ấn phẩm (Tập gấp, Sách, Bản tin, DVD... và túi đựng ấn phẩm in tên miền, logo du lịch Ninh Bình) nhằm tuyên truyền, quảng bá du lịch Ninh Bình tại các lễ hội, hội chợ, hội nghị, hội thảo, các sự kiện du lịch trong nước và quốc tế.
Mục tiêu của ngành Du lịch Ninh Bình phấn đấu đến năm 2020 đón 7,5 triệu khách du lịch trở lên (trong đó có 0,8 triệu khách quốc tế); doanh thu du lịch đạt trên 3.000 tỷ đồng. Tạo việc làm cho trên 20.000 người lao động, trong đó trên 6.000 lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch. Chính vì thế, trong thời gian tới ngành Du lịch Ninh Bình cần quan tâm đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.
Trong đó tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quảng bá du lịch trên mạng Internet; tích cực tổ chức và tranh thủ phối hợp tổ chức tham gia các sự kiện xúc tiến du lịch cả trong nước và quốc tế khi có cơ hội; tổ chức các đoàn Famtrip, Presstrip nghiên cứu sản phẩm, kết nối tour, tuyến du lịch với các hãng lữ hành trong nước và quốc tế; tham gia các hội chợ, hội thảo, các cuộc triển lãm về du lịch trong và ngoài tỉnh, hưởng ứng các sự kiện Năm du lịch Quốc gia hàng năm... Tích cực triển khai công tác xã hội hóa trong xúc tiến, quảng bá du lịch.
Bên cạnh đó, ngành Du lịch cần chủ động phát huy sự tham gia góp sức của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp để xã hội hóa công tác xúc tiến du lịch. Đồng thời vận động các tầng lớp nhân dân bảo vệ môi trường và thiên nhiên; bảo vệ an ninh, quốc phòng; bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp hướng đến phát triển du lịch bền vững, xây dựng Ninh Bình trở thành điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện và mến khách.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm