Chính vì vẻ đẹp thiên nhiên của động và sự thâm nghiêm của chùa Cổ Am, nên các bậc vua chúa, công hầu khanh tướng, những người đỗ đạt trong các kỳ thi Hội, thi Đình và bao tao nhân mặc khách trên đường lữ thứ đã từng dừng chân, lên thăm thú thưởng ngoạn thắng cảnh Bồng lai nơi đây. Trước phong cảnh núi sông hùng vĩ, với nghĩa là "Tiếng sáo thổi" động Địch Lộng như một chiếc sáo đá khổng lồ của tạo hóa ngày đêm vi vu giữa đất trời, khiến nhiều du khách đã ngẫu hứng "xuất khẩu thành chương" với những vần thơ đề vịnh và hơn thế còn chạm khắc thơ của mình trên đá. Một trong số những tác phẩm đã ra đời trong bối cảnh trên là bài thơ khắc đá của Tham tri bộ Binh đẳng xứ địa phương kiêm Tuần phủ Ninh Bình là Phan Đình Hòe, triều Nguyễn.
Bia khắc trên một phiến đá rời nguyên khối dựng bên sườn hang phía trái cửa động Địch Lộng. Bia có hình chữ nhật đứng, đỉnh bia vòm cong và diềm bia chạm khắc nổi những họa tiết, hoa văn cầu kỳ sắc nét. Hán tự chạm khắc thể "chân" rõ ràng, dứt khoát và thanh thoát trong từng nhấn lướt, sước cạnh, nét sổ, nét mác… Trên mặt bia khắc bài thơ Đường, thể "Thất ngôn, bát cú" và phần lạc khoản cho biết danh tính và tước vị của tác giả. Hiện bia còn nguyên vẹn, mặt bia không bị rỗ, chữ Hán trên bia còn rõ nét, dễ đọc.
Căn cứ nguyên bia đang hiện hữu bên vách núi, cửa động chùa Địch Lộng, sau khi chép chữ Hán, bài thơ được phiên âm và dịch như sau:
Bảo Đại thất niên thu
Động khẩu bằng phong nhất địch khâm
Hiền hào kim tích kỷ đăng lâm
Thánh triều tuần nhạc bi do lặc
Trịnh chủ di chung hưởng dĩ trầm
Tiền thụ chân gia điền khổ hải
Thạch tuyền giả nhĩ tác cam lâm
Vô cùng hưng phế phi quan sự
Sơn tự thiều nghiêu thủy tự thâm.
(Binh bộ Tham tri, Tuần phủ Ninh Bình đẳng xứ địa phương, Nam nguyên Thu viên Phan Đình Hòe cung đề).
Đến thời điểm này, chưa thấy có sách, tài liệu nào ghi chép, in ấn phần chữ Hán, phiên âm, dịch nghĩa và dịch thuật bài thơ trên đây. Vì vậy, chúng tôi dùng bản dịch của chính tác giả viết bài này, đã được xuất bản, in ấn trong tập "Thơ Ninh Bình ngàn năm trên vách đá" (Nxb HNV, Năm 2010, Tr.320):
Rũ bụi trần
Mượn gió đầu hang rũ bụi trần,
Anh hào đã mấy kẻ dừng chân.
Thánh triều tuần thú còn ghi việc,
Trịnh chủ chuông hồi đã lặng ngân.
Tiền nhũ đâu lấp nơi bể khổ,
Nước nguồn há chảy chốn trời xuân.
Cõi đời suy thịnh đâu cần biết,
Sông núi cao sâu chẳng nợ nần.
(Trần Lâm Bình dịch)
Đọc câu "phá đề" Động khẩu bằng phong nhất địch khâm (Nơi cửa động mượn gió rũ cho hết bụi trần) trong hai câu "đề" ngỡ tưởng quan Tham tri bộ Binh mượn gió đầu hang ở cửa động để rũ cho hết mọi bụi bặm vương trên quần áo nhà binh. Hành động này cũng giống như bao tăng ni, phật tử và du khách tham quan vẫn thường rũ bụi đường trước khi bước vào trong động, vào nơi tôn nghiêm mà nhà Phật vốn vẫn cho là chốn thanh tịnh. Và thoáng một chút tự hào, cho rằng nơi mình đang đứng, nào đã mấy bậc hiền lương, hào kiệt từng dừng bước, khi đọc câu "thừa đề" Hiền hào kim tích kỷ đăng lâm (Bậc hiền lương hào kiệt đã mấy ai bước đến đây).
Song những "ngỡ tưởng" trên đây chỉ thoáng qua, khi đọc tiếp cặp câu "thực" với phần mở đầu Thánh triều tuần nhạc bi do lặc (Thánh triều ta tuần thú có bia đá ghi việc) cho biết rõ lý do tại sao tác giả lại có mặt ở chốn này. Đó là việc làm mà Tham tri bộ Binh đi tuần thú các địa phương trong vùng đẳng xứ của mình để nắm rõ về dân tình thế thái. Đồng thời, cũng nhắc lại với người đời rằng thời vua Lê, chúa Trịnh như một hồi chuông đã chìm đắm trong dĩ vãng từ rất lâu rồi, khi đọc phần hai của câu "thực" Trịnh chủ di chung hưởng dĩ trầm (Trịnh chủ chuông hồi đã lặng ngân).
Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở cặp câu "thực" thôi, thì người đọc vẫn còn thấy "băn khoăn", "ngờ ngợ" về việc "rũ bụi trần" của quan Tham tri bộ Binh. Đúng vậy, cái "thần" của bài thơ được gợi mở và tác giả chủ động nâng sức biểu cảm theo từng cung bậc của cảm xúc, rồi được "chốt" lại sau khi độc giả chiêm nghiệm trong cặp câu "luận" và đặc biệt là câu đầu trong cặp đối này Tiền thụ chân gia điền khổ hải (Nhìn cây tiền kia có thực để lấp vào nơi bể khổ không). Đến đây thì độc giả bỗng "à" lên một tiếng và không một ai còn "nghi ngờ", "băn khoăn" gì nữa và đều hiểu rằng Tham tri bộ Binh đẳng xứ địa phương kiêm Tuần phủ tỉnh Ninh Bình đã mượn gió nơi cửa động Địch Lộng để rũ bụi trần ai, rũ bụi hồng trần… khi tác giả là quan nha đương thời triều Nguyễn.
Đọc bia đá, nhất là suy ngẫm Hán tự của bài thơ, tác giả họ Phan đã có cách viết khá đa diện về ngôn ngữ và cách nhìn khái luận về bút pháp. Đó là sự phóng túng về nội dung, chặt chẽ về hình thức, mực thước về niêm luật và đặc biệt là khả năng sử dụng hệ thống từ loại danh từ, động từ, tính từ, số từ… trong từng cặp từ, từng cụm cặp từ… với các vế đối trong một bài thơ Đường luật, thể "thất ngôn, bát cú". Với việc sử dụng từ vựng giàu hình ảnh " Thánh triều - Trịnh chủ", "tiền thụ - thạch tuyền" rồi "do lặc - dĩ trầm", "khổ hải - cam lâm"… thường đối nhau trong các cặp "thực" và "luận", nhưng vẫn đảm bảo tính khắt khe về niêm luật "bằng", "trắc" trong câu và trong cặp câu, biểu hiện sự chắc tay về tu từ của tác giả khi cầm bút viết một bài thơ Đường luật.
Khi đọc những câu thơ kiệm lời, khai thác ẩn dụ của ngôn từ một cách có chủ định Thạch tuyền giả nhĩ tác cam lâm (Nước suối mùa xuân trong núi đá nào tuôn chảy ngọt lành như nước cam vậy) ở phần hai của câu "luận", Phan Đình Hòe đã tạo ra điểm nhấn, từng bước thuyết phục người đọc đồng cảm với những suy tư của mình về thời cuộc đã qua và triều chính đang hiện hữu.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của một quan chức đứng đầu hàng tỉnh (Tuần phủ) ở Lạng Sơn, Phan Đình Hòe được bổ nhiệm Tham tri bộ Binh Đẳng xứ địa phương kiêm Tuần phủ tỉnh Ninh Bình. Trước khi trí sỹ, ông được thăng chức Tổng đốc, gia hàm Thượng thư, Hiệp biện Đại học sỹ. Trong quá trình giữ chức Tuần phủ ở tỉnh Lạng Sơn, Tuần phủ Ninh Bình, rồi Tham tri bộ Binh chịu trách nhiệm Đẳng xứ địa phương ở các tỉnh Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa, ông đã tận mắt chứng kiến chốn quan trường khi thấy các vua quan triều đình nhà Nguyễn lâm vào cảnh ăn chơi sa đọa, ức hiếp dân lành, sưu cao thuế nặng "Cuộc vui đầy tháng, trận cười suốt đêm" (Truyện Kiều)... Vì vậy, trong một lần đi tuần thú phía Bắc, ông đã lên thăm động chùa Địch Lộng nổi tiếng trên. Tại đây, nơi cửa động Địch Lộng, ông đã "Mượn gió đầu hang để rũ bụi trần", rồi những suy thịnh cõi đời coi như không còn màng đến nữa, đành phó mặc cho con tạo xoay vần… được tác giả bày tỏ quan điểm trong hai câu "kết" Vô cùng hưng phế phi quan sự/ Sơn tự thiều nghiêu thủy tự thâm (Biết bao suy thịnh cõi đời không liên quan nữa/ Núi cứ cao chót vót, nước cứ sâu thăm thẳm).
Trần Lâm Bình