Nghị quyết được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh và nhanh chóng đi vào thực tiễn, có vai trò, ý nghĩa thiết thực, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của các cấp, ngành, địa phương, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đóng góp tích cực đối với sự chuyển dịch kinh tế - xã hội của tỉnh.
Từ Nghị quyết, công tác lập quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết phát triển du lịch; thu hút đầu tư, xây dựng cơ bản, đến công tác quản lý Nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến, quảng bá... được các cấp, ngành, địa phương quan tâm, chú trọng thực hiện. Hiện nay, tỉnh ta đã thực hiện điều chỉnh, bổ sung 3 quy hoạch, gồm khu du lịch sinh thái Tràng An, Vùng bảo vệ đặc biệt Cố đô Hoa Lư, Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình; tiến hành lập mới 4 quy hoạch liên quan đến du lịch ở Khu du lịch sinh thái Hồ Đồng Chương, quy hoạch hệ thống cấp điện và hệ thống cấp nước phục vụ các khu du lịch trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010- 2020.
Cơ sở hạ tầng du lịch không ngừng được đầu tư, nâng cấp, tôn tạo, nhất là ở các khu du lịch trọng điểm. Với sự huy động các nguồn vốn từ Trung ương đến địa phương, hàng loạt các phần việc, công trình được gấp rút thi công, đảm bảo tiến độ xây dựng, cảnh quan các khu, điểm du lịch, đồng thời tạo thuận lợi cho việc khai thác, đón tiếp du khách như nâng cấp, làm mới hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy đến các khu, điểm du lịch; hoàn thành đổ bê tông đường từ Bái Đính đi Cúc Phương; trồng cây xanh, đổ bê tông, trải nhựa đường từ Quốc lộ 1A đến chùa Bái Đính, từ Quốc lộ 1A đến chùa Bích Động; nạo vét 15 thung, tạo 2 tuyến du lịch đường thủy trong khu Tràng An; xây dựng Quảng trường và sân lễ hội tại khu Cố đô Hoa Lư...
Chỉ tính trong 2 năm 2009 - 2010, toàn tỉnh đã thu hút được thêm 27 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với số vốn đăng ký là 6.694 tỷ đồng, điều đó khẳng định rằng du lịch Ninh Bình đang là "tâm điểm" đầu tư đầy triển vọng. Nhờ đó, du lịch Ninh Bình có diện mạo mới, chỉn chu, khang trang, sạch đẹp, cảnh quan hấp dẫn, đẹp mắt và quy mô.
Tính riêng về cơ sở lưu trú đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của du khách khi đến với Ninh Bình. Hiện toàn tỉnh có 194 cơ sở lưu trú với 3.269 phòng ngủ (năm 2009 chỉ có 108 cơ sở với 1.681 phòng) trong đó đã có 6 cơ sở lưu trú cao cấp đạt tiêu chuẩn 4 sao, 5 sao như Khách sạn Legend, Resort Emeralda, Cúc Phương Orion resort, khách sạn Hoàng Sơn - Hòa Bình..., năm 2011 sẽ có thêm 5 cơ sở lưu trú được công nhận đạt tiêu chuẩn 3- 5 sao. Du lịch phát triển kéo theo các dịch vụ khác cùng phát triển như dịch vụ ẩm thực, vui chơi giải trí, làng nghề truyền thống thêu ren, chế biến cói...
Để đáp ứng nhu cầu tăng tốc của du lịch của tỉnh, công tác quản lý Nhà nước về du lịch luôn được tăng cường. Tỉnh đã có những quy chế, quy định cụ thể, rõ ràng, tạo mọi điều kiện để bảo vệ, khai thác có hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên du lịch trên địa bàn như quy định về bảo vệ môi trường đối với việc lưu chứa và vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm công nghiệp gây bụi, chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh; quy chế quản lý, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường du lịch; quy định về bảo vệ tài nguyên rừng, hệ thống núi đá vôi, hang động và các loài động vật hoang dã; quy chế quản lý các hang, động phục vụ du lịch. Công tác phối hợp giữa lực lượng Công an, chính quyền địa phương và Ban quản lý, trạm quản lý tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn thường xuyên, chặt chẽ đã đảm bảo được vấn đề an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch.
Công tác phát triển thị trường, xúc tiến quảng bá du lịch của tỉnh được đổi mới cả về phương thức và nội dung. Việc quảng bá không chỉ dừng lại ở việc thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin như trước kia mà đã đa dạng về hình thức như tham gia quảng bá, xúc tiến du lịch tại các hội chợ du lịch quốc tế, hội chợ du lịch các tỉnh, thành trong nước, phối hợp tổ chức các hội thảo, xây dựng tour, tuyến du lịch... Về nguồn nhân lực cho du lịch, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí tổ chức đào tạo 3 khóa trung cấp du lịch các chuyên ngành buồng, bàn, bar, lễ tân tại Trường Đại học Hoa Lư; đồng thời ngành chức năng hàng năm thường xuyên tổ chức các hội thi nghề như thi ẩm thực, thi hướng dẫn viên... đây là những hoạt động góp phần nâng cao năng lực, trình độ của nhân lực du lịch trong tỉnh theo hướng chuyên nghiệp.
Ngoài ra, ngành Du lịch còn tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong phát triển du lịch thông qua việc xây dựng hệ thống các bài thuyết minh hướng dẫn khách du lịch, mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng quản lý du lịch, khách sạn, đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ, nhân viên Ban quản lý các khu, điểm du lịch, bồi dưỡng nâng cao kiến thức phát triển du lịch cộng đồng, tập huấn kỹ năng an toàn cho người chở đò tại các khu, điểm du lịch.
Tất cả các yếu tố trên đã cấu thành nên những con số đáng ghi nhận về sự phát triển của du lịch, đó là lượng khách đến Ninh Bình, doanh thu ngày một tăng, năm 2009 đạt 251 tỷ đồng, đến năm 2010 đạt 550 tỷ đồng, ước tính năm 2011 đạt 680 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Từ lực bẩy quan trọng của Nghị quyết 15, du lịch Ninh Bình sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thanh Thủy