Các lễ hội truyền thống luôn là những điểm thu hút khách du lịch đầu xuân bởi nét văn hóa đặc sắc của mỗi vùng, miền.
Với nhiều người con quê hương Khánh Thiện (Yên Khánh), lễ hội Đình tổng Bồng Hải-chợ Xanh được tổ chức hàng năm vào mỗi dịp đầu xuân luôn là ngày để trở về với cội nguồn. Ngay buổi chiều mùng 10 Tết, khi đã xong công việc ở cơ quan, anh Vũ Hồng Sáng (phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình) đã cùng cả gia đình và bạn bè về quê để tham dự lễ hội.
Anh chia sẻ: "Năm nay lễ hội có ý nghĩa đặc biệt với những người xa quê như chúng tôi bởi trước Tết Đình tổng Bồng Hải-chợ Xanh được phục dựng lại với quy mô khang trang, sạch đẹp hơn. Do đó, năm nay gia đình tôi mời thêm bạn bè để có dịp giới thiệu về lễ hội truyền thống của quê hương. Ngoài phần lễ, sang đến phần hội, nhiều bạn bè tôi đã tỏ ra vô cùng thích thú với những nét văn hóa xưa như: Các trò chơi dân gian, các món ăn truyền thống..."
Dẫn con vào thắp hương trong đình Bồng Hải, anh Sáng còn hướng dẫn con tìm hiểu về lịch sử ngôi đình dựa trên các văn bia để lại. Anh chia sẻ: "Có dịp tham dự lễ hội, mình mới có điều kiện để hướng con cái hiểu thêm về truyền thống, lịch sử quê hương."
Trong không khí du xuân đầu năm mới, lễ hội truyền thống ở các địa phương luôn là địa điểm thu hút đông đảo những du khách. Tối ngày 13 tháng Giêng, có mặt tại lễ hội báo bản làng Nộn Khê (xã Yên Từ, Yên Mô), chúng tôi gặp khá nhiều gia đình, các bạn trẻ đến từ thành phố Ninh Bình.
Chị Phan Hồng Hải (phường Nam Bình) chia sẻ: "Lễ hội báo bản năm trước tôi được một người bạn quê Yên Từ mời về. Sự hấp dẫn từ các hoạt động của lễ hội nơi đây đã thôi thúc tôi cùng gia đình về dự lễ hội năm nay, để hòa vào không khí các trò chơi dân gian do người dân địa phương tổ chức như: đánh cờ, kéo co; thưởng thức các món bánh do người dân địa phương chỉ làm vào dịp lễ hội như: bánh đúc, bánh khoái… Nhưng ý nghĩa hơn cả là mỗi dịp tham quan lễ hội truyền thống như lễ hội báo bản làng Nộn Khê còn là dịp để giáo dục con cái biết về lịch sử, truyền thống của quê hương, để các cháu không quên cội nguồn dân tộc."
Chị Hải cho biết thêm: Dự hội báo bản lần này là lần thứ 2 nhưng con gái chị, tuy mới học lớp 2 nhưng đã biết ý nghĩa của hội báo bản là báo đáp nguồn gốc, công ơn của các bậc tiền bối đã có công lập làng, lập ấp theo truyền thống "Uống nước nhớ nguồn".
Sau Tết Nguyên đán là khoảng thời gian để người nông dân bỏ lại đằng sau những lo toan, vất vả của một năm lao động miệt mài để trẩy hội du xuân, tổ chức các hoạt động tế lễ với ý nghĩa tưởng nhớ các bậc tiền bối đã có công lập ấp, lập làng, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt và tham gia các sinh hoạt văn hóa đặc sắc của vùng đất nơi mình sinh sống.
Với 74 lễ hội truyền thống và 145 hội làng mang đậm yếu tố dân gian truyền thống ở khắp các địa phương trong tỉnh như thêm vào địa chỉ du lịch cho du khách trong và ngoài tỉnh mỗi dịp xuân sang, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tâm linh, sinh hoạt cộng đồng của các tầng lớp nhân dân.
Bùi Diệu