Tính đến cuối năm 2020, tổng lao động làm việc trong ngành Du lịch toàn tỉnh khoảng 14.500 người, trong đó lao động trực tiếp là 4.000 người, lao động gián tiếp là 10.500 người. Chia sẻ khó khăn với ngành Du lịch, thời gian qua, các cấp, các ngành đã có những chính sách kích cầu du lịch, xây dựng các điểm đến an toàn. Đồng thời, những lao động làm việc trong ngành cũng đã và đang đoàn kết, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, mong muốn dịch bệnh chấm dứt, thị trường du lịch nhanh chóng trở lại sôi động.
Làm nghề vận chuyển đò nhiều năm nay tại Khu du lịch sinh thái vườn chim Thung Nham, chị Hoàng Thị Cúc vẫn lạc quan dù dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng lớn tới công việc của mình. Chị Cúc cho biết, tôi chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp khi lượng khách giảm, bằng việc tham gia làm thêm các công việc khác như dọn dẹp, tu sửa cảnh quan khu du lịch, để khu du lịch luôn xanh, sạch đẹp, khang trang, sẵn sàng đón du khách.
Chị Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Hành chính nhân sự, Khu du lịch sinh thái vườn chim Thung Nham cho biết: Mặc dù gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19, nhưng cán bộ, nhân viên, người lao động tại Vườn chim Thung Nham vẫn có việc làm, không bị cắt giảm ngày công và tiền lương. Trong năm 2020, tại Khu du lịch bị ảnh hưởng 1 tháng do thực hiện giãn cách xã hội, sau đó người lao động đi làm trở lại, chuẩn bị các điều kiện đón khách du lịch và Năm du lịch Quốc gia 2021.
Chị Vũ Thị Hồng Gấm, phòng Hành chính nhân sự, khách sạn Legend Ninh Bình (thành phố Ninh Bình) đã gắn bó với khách sạn hơn 5 năm qua, chia sẻ: Do dịch bệnh, lượng khách sụt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến doanh thu của khách sạn. Tuy nhiên, khách sạn vẫn cố gắng đảm bảo việc làm từ 20-22 ngày công và mức thu nhập cho người lao động, nên chúng tôi luôn chia sẻ, đồng hành, mong muốn doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn.
Hiểu được nỗi lo của người lao động, các doanh nghiệp du lịch, cơ sở dịch vụ lưu trú đã và đang nỗ lực tìm các giải pháp gỡ khó, nhằm duy trì hoạt động và đời sống của người lao động trong ngành khi thị trường khách du lịch quốc tế gần như "đóng băng", khách nội địa cũng giảm sâu.
Ông Tống Anh Đệ, Tổng Giám đốc Khách sạn Legend Ninh Bình cho biết: Riêng lao động trong ngành Du lịch khá đặc thù, bởi để đào tạo được nhân công làm du lịch cần có thời gian, do đó Công ty luôn nỗ lực duy trì việc làm cho lao động để giữ chân họ. Mặc dù gặp khó khăn do dịch bệnh, Công ty đã năng động, linh hoạt tìm các giải pháp dài hạn, nỗ lực tạo ra sự ổn định cho cán bộ, nhân viên, duy trì việc làm, đảm bảo 20-22 ngày công/tháng. Công ty hiện có khoảng 150 người, lương bình quân đạt gần 7 triệu đồng/người/tháng.
Trong quá trình hoạt động, Công ty tuân thủ nghiêm quy định của Bộ Y tế về phòng, chống dịch, đảm bảo công tác vệ sinh, phòng dịch an toàn tại khách sạn, nhà hàng, bảo vệ cho người lao động và du khách. Trước đây, Công ty đã đưa vào hoạt động 170 phòng khách sạn và phòng tiệc, tiệc cưới, buffer và các dịch vụ nhà hàng. Hiện Công ty đang hoàn thành các hạng mục công trình, tiếp tục đưa vào sử dụng tổng số 280 phòng khách sạn, đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế khi thị trường du lịch quay trở lại sôi động sau dịch bệnh COVID-19.
Nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp và lao động ngành Du lịch, công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch được quan tâm triển khai. Từ năm 2020, Sở Du lịch đã phối hợp với Sở Kế hoạch & Đầu tư và các sở, ngành có liên quan tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối đến các khu, điểm du lịch; đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; đầu tư phát triển sản phẩm du lịch.
Do đó, hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư, phát triển nhất là ở các khu du lịch trọng điểm như: Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế…
Đã có nhiều dự án đi vào hoạt động phục vụ khách có hiệu quả, tiêu biểu như: Emeralda resort, khách sạn Ninh Bình Legend, khách sạn Hoàng Sơn Peace, khách sạn The Reed, khách sạn Hidden Charm, khách sạn Bái Đính…; các cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm như: Sân golf Hoàng Gia, sân golf Tràng An, siêu thị Big C…. Đồng thời, nhiều khu, điểm du lịch lớn đã cơ bản hoàn thiện đi vào hoạt động phục vụ lượng lớn khách đến Ninh Bình như: Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu tâm linh chùa Bái Đính, điểm du lịch Vườn chim Thung Nham, điểm du lịch Hang Múa, điểm du lịch động Thiên Hà…
Các cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, nhà hàng dần đi vào hoạt động chuyên nghiệp, hướng tới sự phát triển bền vững và từng bước khẳng định thương hiệu. Năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 679 cơ sở lưu trú du lịch với tổng mức đầu tư trên 5 nghìn tỷ đồng, với trên 8.100 phòng, trong đó có 32 khách sạn 1 đến 2 sao; 13 khách sạn từ 3 đến 5 sao và tương đương.
Bài, ảnh: Tiến Minh