Chủ trì Hội nghị Bàn về giải pháp cấp bách thu hút khách du lịch tới Việt Nam diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh kích cầu trong nước sẽ tạo ra sự lưu thông, tránh tình trạng ngưng trệ hoạt động của khách sạn, nhà hàng, hướng dẫn viên... và đồng thời là cơ hội phân phối lại tiền tệ. Các giải pháp khác được nêu ra bao gồm quảng bá cho sản phẩm du lịch quốc gia; chính sách thuế cho các doanh nghiệp du lịch; thúc đẩy du lịch đa phương; xúc tiến có trọng điểm; tăng cường quảng bá trên mạng internet; đầu tư chiều sâu cho nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng du lịch. Tham dự hội nghị, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Tổng Công ty hàng không Việt Nam, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 11 tỉnh, thành phố có nhiều tiềm năng du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn đều cho rằng cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các ngành liên quan mà điển hình là bộ ba: hàng không-lữ hành-khách sạn. Bộ ba này cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa vì lợi ích quốc gia để có các gói sản phẩm du lịch khuyến mãi hấp dẫn với giá cả hợp lý, chất lượng cao, thu hút khách du lịch. Duy trì hoạt động ở các thị trường truyền thống và mở rộng hoạt động ra các thị trường tiềm năng bằng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh cũng là việc du lịch Việt Nam cần làm để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới. Hiện nay, giá phòng khách sạn của Việt Nam đã giảm khoảng 15-25% so với mức giá cao ngất ngưởng hồi đầu năm 2008 cũng là một thuận lợi để tạo ra các gói sản phẩm du lịch hấp dẫn khách. Theo báo cáo của Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tính đến hết tháng 11 mới chỉ đạt gần 3,9 triệu khách, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2007. Mục tiêu đón từ 4,8-5 triệu khách du lịch quốc tế trong năm 2008 của du lịch Việt Nam đến thời điểm này là rất khó thực hiện. Một số thị trường hàng đầu, thị trường truyền thống của du lịch Việt Nam đã suy giảm rõ rệt như Nhật Bản giảm 5,9%, Hàn Quốc giảm 3,5%, Đài Loan giảm 3,1%. Những thị trường khác như Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Nga, Australia...vẫn có tăng trưởng nhưng khá thấp.
Theo TTXVN/Vietnam+