Là một tỉnh có thế mạnh lớn về du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa tâm linh và danh lam thắng cảnh. Song thế mạnh này vẫn chưa làm cho ngành du lịch tỉnh nhà có được sự liên hoàn trong việc khai thác và kinh doanh các sản phẩm du lịch của mình mà vẫn dừng lại ở xu hướng kinh doanh theo mùa, đây chính là một trong những yếu điểm không chỉ của du lịch Ninh Bình mà của nhiều tỉnh khác trong cả nước. Để khắc phục hạn chế này, ngành du lịch Ninh Bình đã chính thức chọn tháng 7,8,9 là những tháng thấp điểm nhất trong năm để khởi động chương trình kích cầu du lịch. Chương trình được kỳ vọng sẽ thu hút các doanh nghiệp vận tải, lữ hành, khách sạn, nhà hàng tham gia giảm giá cho các loại dịch vụ, thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch nội địa, tạo dựng hình ảnh Ninh Bình là điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Ngay sau khi triển khai chương trình kích cầu đã có gần 20 doanh nghiệp đăng ký tham gia và đã có chương trình cụ thể cho việc giảm giá các dịch vụ du lịch. So với các tỉnh trong khu vực thì Ninh Bình là địa phương có nhiều doanh nghiệp hưởng ứng chương trình kích cầu…
Ông Chu Văn Tứ, Giám đốc khách sạn Yến Nhi bày tỏ quan điểm: Trong những năm qua, tỉnh cũng đã đầu tư khá nhiều cho các khu, điểm du lịch. Đặc biệt thời gian tới đây khi Quần thể danh thắng Tràng An được vinh danh là di sản thế giới thì sự hấp dẫn của du lịch Ninh Bình sẽ tăng lên nhiều lần. Do đó, kinh doanh du lịch đang là một hướng đi tiềm năng cho các nhà đầu tư. Song điểm yếu của du lịch Ninh Bình chính là việc chỉ kinh doanh theo mùa vụ. Những tháng mùa hè gần như các khách sạn "ngồi chơi", thậm chí là phải bù lỗ. Vì vậy, Nhà nước đưa ra chương trình kích cầu du lịch trong những tháng thấp điểm là rất hợp lý. Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, khách sạn Yến Nhi ủng hộ chương trình này và mong rằng chương trình nhanh chóng được triển khai.
Ông Tống Anh Đệ, Giám đốc khách sạn Thùy Anh cho rằng: Nói đến kích cầu thì phải nói đến giá cả phục vụ. Tại những mùa thấp điểm, các doanh nghiệp đều rất muốn giảm giá để hút khách, song cũng chỉ giảm được các dịch vụ như phòng nghỉ, các dịch vụ do khách sạn đầu tư… còn lại dịch vụ ăn uống, tour thì rất khó vì liên quan đến nhiều ngành khác như: vận tải, cung ứng thực phẩm… Do vậy, Nhà nước phải cùng vào cuộc để có chương trình giảm giá chung cho tất cả các ngành dịch vụ liên quan. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần phải đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp. Các doanh nghiệp tham gia kích cầu cũng cần phải có sự phối hợp với nhau để nghiên cứu kỹ sau đó đưa ra một mức giảm giá phục vụ hợp lý.
Nhà nước cũng cần phải vào cuộc cùng doanh nghiệp để xây dựng hạ tầng du lịch, lập lại trật tự, tổ chức an ninh ở các điểm du lịch, xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện, quản lý tốt các các khu, điểm du lịch… Đây chính là điểm "sống còn" của ngành du lịch chứ kích cầu giảm giá chỉ là giải pháp tình thế trong thời điểm khó khăn
Đồng tình quan điểm này, ông Chu Văn Tứ, Giám đốc khách sạn Yến Nhi cho biết: Kích cầu du lịch là cần thiết nhưng hiện tại doanh nghiệp đang "cõng" trên lưng rất nhiều gánh nặng như: các loại thuế, phí, giá cả đầu vào như: điện, nước, thực phẩm… nếu thực hiện chương trình kích cầu cần phải có sự đồng bộ ở tất cả các ngành, trong đó Nhà nước phải "gánh" cùng doanh nghiệp. Kích cầu thực sự là phải giảm giá song hành với nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Muốn thế cần có sự phối hợp đồng bộ, tổng thể. Đó là sự gắn kết chặt chẽ giữa các đầu mối du lịch, giữa các đơn vị tổ chức và chính quyền địa phương.
Theo lý giải của các đơn vị lữ hành, một sản phẩm du lịch bao gồm nhiều yếu tố khác nhau, từ vận tải đến lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, mua sắm. Những yếu tố này cộng lại có mức giá tốt mới tạo nên một sản phẩm du lịch tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, giá khách sạn, giá dịch vụ vận tải tốt trong khi các nhà hàng, dịch vụ đi kèm vẫn vô tư "chặt chém", môi trường du lịch vẫn thiếu sự thân thiện… thì việc kích cầu cũng chỉ là "bắt cóc bỏ đĩa".
Giám đốc Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Kênh Gà cũng cho rằng: Trong thời điểm khó khăn hiện nay thì kích cầu là rất tốt nhưng chúng ta phải làm như thế nào? Vì vậy cần phải có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước và sự liên kết của các doanh nghiệp. Đặc biệt cơ quan quản lý Nhà nước phải nghiên cứu kỹ các chương trình quảng bá sao cho phù hợp và có hiệu quả chứ không thể đưa ra một kế hoạch tuyên truyền chung chung và không có mục tiêu cụ thể
Bà Dương Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Chương trình kích cầu du lịch là sự kết hợp đồng bộ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân tham gia dịch vụ du lịch. Vì vậy Nhà nước cũng sẽ có trách nhiệm trong việc đẩy mạnh các hoạt động xây dựng, phát triển sản phẩm và nâng cao chất lượng du lịch; đào tạo nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ quản lý, nhân viên phục vụ tại các cơ sở lưu trú du lịch; tập huấn giao tiếp cho đội ngũ lái xe, lái tàu du lịch và nhân viên bán hàng tại các siêu thị, cửa hàng, điểm mua sắm tham gia chương trình kích cầu du lịch; tổ chức cuộc thi thiết kế hàng lưu niệm đặc trưng của địa phương, đặc biệt là chú trọng việc làm sạch môi trường du lịch.
Có thể trong thời gian ngắn, ngành du lịch không thể hoàn thành tất cả công việc nói trên, nhưng đó là định hướng cần thiết. Chương trình kích cầu du lịch là một hoạt động mang tính lâu dài. Hiệu quả của việc kích cầu có thể không đến ngay tức thời, nhưng sẽ mang lại lợi ích thiết thực ở những năm sau. Nếu làm tốt, chiến lược kích cầu du lịch sẽ góp phần làm thay đổi tư duy làm du lịch bấy lâu nay.
Nguyễn Thơm