Gần 1.000 năm đã trôi qua kể từ ngày vua Lý Thái Tổ ra "Chiếu dời đô" và dời đô ra Thăng Long, giờ đây Cố đô Hoa Lư vẫn còn in đậm dấu tích lịch sử vàng son một thời và là niềm tự hào của biết bao thế hệ người con quê hương Ninh Bình. Ngày 7/7/2000, thành phố Hà Nội cùng với Ninh Bình đã quyết định xây dựng công trình Nhà bia tưởng niệm vua Lý Thái Tổ nằm trong quần thể Khu di tích Cố đô Hoa Lư thuộc xã Trường Yên. Trong nhà bia, ở tâm điểm dựng một tấm bia đá lớn, bốn mặt đế bia được chạm khắc kiểu sóng nước, tượng trưng cho việc vua Lý Thái Tổ dời đô bằng đường thủy. Huyện Hoa Lư cũng đã được đầu tư kinh phí để tôn tạo đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành, đền thờ công chúa Phất Kim (con gái của vua Đinh Tiên Hoàng), chùa Nhất Trụ...
Theo các nhà nghiên cứu, vua Lý Thái Tổ khi dời đô đã chọn đường đi ngắn nhất đến thành Lăng Long đó là đi bằng đường thủy, điểm xuất phát là bến sông Sào Khê, con sông chảy qua kinh đô Hoa Lư theo hướng Bắc Nam, từ sông Hoàng Long đổ về. Cũng chính trên con sông này năm xưa vua Đinh Tiên Hoàng đã dùng làm nơi luyện tập thủy quân. Ông Lưu Thế Truyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư cho biết, chính vì ý nghĩa của con sông trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông mà hiện nay huyện đang tiến hành chỉ đạo kè, nạo vét và mở rộng sông Sào Khê. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình cổng chốt phía Đông, Nam, Tây khu Trung tâm vùng bảo vệ đặc biệt cố đô Hoa Lư; xây dựng hệ thống đường bao hào nước khu từ ngã ba Bà Lốc đến cầu Hội, dài gần 1 km và tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng tại xã Gia Phương, huyện Gia Viễn - quê hương của vua Đinh Tiên Hoàng. Một số công trình khác cũng đang được khẩn trương hoàn thiện để đưa vào sử dụng trong dịp tổ chức lễ hội truyền thống năm nay như: san lấp, mở rộng sân bãi đỗ xe, coi xe; kè hồ nước khu trước cửa đền Đinh Tiên Hoàng...
Hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Hoa Lư - Thăng Long - Hà Nội, tỉnh ta đang có kế hoạch tiếp tục triển khai một số hạng mục công trình trong thời gian tới như: xây dựng cổng thành (Thiên An Môn) và khu Cố đô Hoa Lư, Khu vực thị trấn Thiên Tôn (Hoa Lư); tu bổ, tôn tạo động Hoa Lư thuộc xã Gia Hưng (Gia Viễn); xây dựng khu lễ hội và đàn tế; tổ chức khai quật, khảo cổ học khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư. Cùng với việc đầu tư kinh phí xây dựng các hạng mục công trình gắn liền với lịch sử của quê hương, thời gian qua tỉnh ta còn phát động một số cuộc thi lớn như: thi sáng tác tượng đài vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Hoàn, Thái hậu Dương Vân Nga và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu với du khách về vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử.
Kim Duyên