Dự hội thảo có các đồng chí: Trần Hữu Bình, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng hồ sơ di sản Quần thể danh thắng Tràng An; Phan Tiến Dũng, TVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban chỉ đạo xây dựng hồ sơ di sản Quần thể danh thắng Tràng An; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; GS-TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia; lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; các chuyên gia quốc tế thuộc Hiệp hội Bảo tồn thế giới và Hội đồng Quốc tế về Di tích và Di chỉ; các chuyên gia Viện Khảo cổ học Việt Nam, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Viện Nghiên cứu truyền thống và phát triển, các nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Tại hội thảo, PGS, TS Nguyễn Khắc Sử, Viện khảo cổ học Việt Nam đã báo cáo kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ khu Quần thể danh thắng Tràng An và đề xuất lựa chọn tiêu chí văn hóa về giá trị nổi bật toàn cầu của Tràng An; TS Masanari Nishimura báo cáo về nội dung Khảo cổ học tiền sử Quần thể danh thắng Tràng An trong bối cảnh Đông Nam á và Đông á; TS Trần Tân Văn trình bày kết quả khảo sát địa chất, địa mạo khu Di sản Tràng An - Những giá trị nổi bật về tự nhiên địa mạo khu vực Di sản Tràng An (tiêu chí 7 và 8); TS Nguyễn Gia Đối trình bày sự tương tác giữa môi trường và văn hóa thời tiền sử ở khu Quần thể danh thắng Tràng An.
GS Paul Dingwall đã phát biểu định hướng thảo luận, xác định tiêu chí. Trong đó ông định hướng các đại biểu thảo luận về việc lựa chọn tiêu chí giá trị cảnh quan (tiêu chí 7), địa chất - địa mạo (tiêu chí 8) và giá trị văn hóa (tiêu chí 5), có tham vấn thêm tiêu chí 3.
Tại hội thảo, các đại biểu đã phát biểu về những nghiên cứu khoa học, quá trình làm hồ sơ di sản của Ninh Bình và dự thảo đề xuất tiêu chí về giá trị nổi bật toàn cầu của Hồ sơ đề cử di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.
Sau khi nghe, thẩm định các báo cáo tham luận và ý kiến tham luận tại hội thảo, đồng chí Trần Hữu Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã phát biểu ghi nhận những kết quả mà các nhà khoa học đã nghiên cứu trong thời gian qua và đánh giá cao vai trò của các thành viên trong việc xúc tiến chuẩn bị hồ sơ di sản Quần thể danh thắng Tràng An. Tuy nhiên, sau khi nghe các chuyên gia UNESCO tư vấn và đề ra các câu hỏi thì Ban chỉ đạo xây dựng hồ sơ di sản cũng như những cơ quan khoa học còn rất nhiều công việc cần bổ sung để hoàn thiện hồ sơ, đặc biệt là cần làm rõ hơn các giá trị văn hóa, trong đó cụ thể là việc con người Tràng An cổ đã làm thế nào để thích ứng với điều kiện tự nhiên - đây là điều mà thế giới đang rất quan tâm. Trên cơ sở các nghiên cứu khoa học và ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước, tỉnh sẽ chọn xây dựng hồ sơ di sản Quần thể danh thắng Tràng An theo tiêu chí hỗn hợp là tiêu chí 7, 8 và 5, có tham vấn tiêu chí 3.
Đối với tiến độ làm hồ sơ di sản, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Tỉnh quyết tâm hoàn thiện hồ sơ để gửi Cục di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trước ngày 15-9 và gửi UNESCO trước ngày 30-9-2012.
Để hoàn thành theo đúng kế hoạch, Ban chỉ đạo xây dựng hồ sơ cần hoàn thiện ngay bộ phim, ảnh về Quần thể danh thắng Tràng An; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ quản lý di sản; khoanh vùng bảo vệ (trong quá trình khoanh vùng bảo vệ sẽ ảnh hưởng đến đời sống dân cư, doanh nghiệp, do đó cần có lộ trình và giải pháp phù hợp để đảm bảo tính nguyên vẹn của di sản cũng như quyền lợi của các bên liên quan); các nhà khoa học cần tiếp thu ngay ý kiến của các chuyên gia để làm rõ hơn những nội dung đã nghiên cứu.
Ngày 25-7, các chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ họp riêng về chuyên môn để xem xét, thảo luận về Bản đồ khoanh vùng đề cử di sản (vùng lõi, vùng đệm); thảo luận về kế hoạch quản lý di sản, công tác quản lý di sản (Hiện trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến di sản, các giải pháp bảo vệ di sản); xem xét nội dung và tiến độ xây dựng hồ sơ di sản.
Nguyễn Thơm