P.V: Thưa đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh, được biết Hội nghị quốc tế về "du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững" lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam và Ninh Bình vinh dự được chọn là địa điểm tổ chức. Với vai trò là phó trưởng ban chỉ đạo Hội nghị, xin đồng chí cho biết một số thông tin về sự kiện này. Đồng chí Trần Hữu Bình: Tháng 4/2012, ông Tổng thư ký tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Sau khi khảo sát một số địa điểm du lịch tại Ninh Bình, ông Tổng thư ký có ấn tượng tốt đẹp và cho rằng đây là một trường hợp thành công trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ phát triển công và nông nghiệp sang du lịch, dịch vụ, phát triển bền vững, có trách nhiệm và mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng và xã hội.
Ông Tổng thư ký UNWTO đã đề xuất sáng kiến tổ chức một hội nghị du lịch quốc tế về tâm linh vì sự phát triển bền vững tại Ninh Bình. Hội nghị sẽ diễn ra trong 2 ngày từ 21-22/11/2013. Đây là sự kiện quốc tế chuyên ngành, có quy mô lớn, dự kiến thu hút sự tham gia của 350-400 đại biểu. Trong đó có 150 đại biểu quốc tế đến từ 30 quốc gia thành viên UNWTO; các tổ chức quốc tế; tổ chức phi chính phủ; đại diện ngoại giao các nước tại Việt Nam, đại diện các Bộ, ngành, các tỉnh thành phố; một số công ty lữ hành lớn; các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước.
Theo kế hoạch, trong hai ngày, Hội nghị sẽ tập trung thảo luận các nội dung: Ý nghĩa của du lịch tâm linh; giao lưu văn hóa và du lịch có trách nhiệm, tăng cường sự tương tác giữa người với người thông qua du lịch tâm linh; tính bền vững tại các điểm du lịch tâm linh, phát triển trọng tâm và quản lý có trách nhiệm; sản phẩm du lịch tâm linh, những kinh nghiệm thực tiễn. Hội nghị sẽ kết thúc với việc ra Tuyên bố Ninh Bình về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững.
Trong khuôn khổ hội nghị cũng sẽ diễn ra các hoạt động như: Triển lãm ảnh về đất nước, con người, cảnh đẹp Ninh Bình nói riêng và Việt Nam nói chung; các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật truyền thống; các chương trình thăm quan trước, trong và sau sự kiện; trình diễn các sản phẩm các nghệ nhân làng nghề truyền thống tỉnh Ninh Bình.
Hội nghị sẽ kết thúc với việc ra "Tuyên bố Ninh Bình về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững.
P.V: Đây là một sự kiện mang tầm quốc tế và có ý nghĩa đặc biệt đối với Ninh Bình nói riêng và Việt Nam nói chung. Xin đồng chí nói rõ hơn về ý nghĩa của sự kiện?
Đồng chí Trần Hữu Bình: Theo đánh giá của UNWTO, du lịch tâm linh là loại hình du lịch có nhiều tiềm năng phát triển ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Việt Nam có rất nhiều đền, chùa có quy mô lớn và kiến trúc độc đáo, cổ xưa. Đây là một lợi thế lớn của Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển du lịch tâm linh, thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước.
Tỉnh Ninh Bình hiện nay đang được Tổng cục du lịch xúc tiến, quảng bá như một trọng điểm về du lịch tâm linh của miền Bắc. Ninh Bình còn được biết đến là nơi đây hội tụ nhiều di sản thiên nhiên độc đáo được kiến tạo qua hàng nghìn năm lịch sử với vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ như: Khu du lịch sinh thái Vân Long, Vườn Quốc gia Cúc Phương, Tam Cốc-Bích Động…
Đặc biệt, Quần thể danh thắng Tràng An, một trong những điểm đến hấp dẫn của du lịch Ninh Bình đang được đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới vào năm 2014. Ngoài ra,Chùa Bái Đính là một quần thể chùa lớn được biết đến với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam được xác lập như chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, chùa có tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á... Đây là ngôi chùa lớn nhất và sở hữu nhiều kỷ lục nhất ở Việt Nam.
Việc Hội nghị quốc tế về "du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững" lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam và Ninh Bình được chọn là địa điểm tổ chức sự kiện sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng giới thiệu tiềm năng, sản phẩm du lịch của mình tới bạn bè quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh Khu danh thắng Tràng An đang được đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Đây cũng là dịp để tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa du lịch Việt Nam và UNWTO, cũng như khẳng định vai trò thành viên tích cực của du lịch Việt Nam trong đại gia đình UNWTO; là diễn đàn để các đại biểu nghe, trao đổi, thảo luận về các nội dung liên quan về công tác quy hoạch, quản lý, công tác bảo tồn, khai thác và phát triển du lịch gắn với tâm linh.
Hội nghị cũng nhằm mục đích tăng cường các khuôn khổ chính sách, thúc đẩy hợp tác với cộng đồng, bảo vệ và giữ gìn các giá trị truyền thống; xây dựng các quy định về sử dụng tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch tâm linh, tăng cường đa dạng hóa sản phẩm, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa; khuyến khích giáo dục đào tạo, nâng cao năng lực, hiểu biết của cộng đồng trong việc quản lý du lịch và tham gia xây dựng chính sách; thúc đẩy và ủng hộ sự tiến bộ kinh tế- xã hội của cộng đồng, các nhóm dân cư thông qua phát triển du lịch tâm linh, đặc biệt đối với người dân bản địa, dân tộc thiểu số, phụ nữ, thanh niên và người tàn tật; tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy hòa hợp, đảm bảo sự tồn tại của các giá trị truyền thống thông qua thế hệ tương lai.
Việc tổ chức thành công Hội nghị sẽ khẳng định vị thế và vai trò của du lịch Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế và khu vực; thể hiện quyền và nghĩa vụ của nước thành viên trong khuôn khổ hợp tác du lịch đa phương. Đồng thời là cơ hội tốt để Việt Nam quảng bá tại chỗ đất nước, văn hóa và tiềm năng du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Ninh Bình nói riêng;góp phần khẳng định tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam.
P.V: Ninh Bình vinh dự được chọn làm địa điểm tổ chức hội nghị. Vậy công tác phục vụ cho hội nghị đã được tỉnh Ninh Bình chuẩn bị như thế nào thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Hữu Bình: Đến nay, công tác chuẩn bị cho Hội nghị đã hoàn tất đảm bảo tiếp đón trọng thị, an ninh, an toàn, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, quảng bá.
Về hậu cần, tỉnh đã chỉ đạo doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường hoàn thành đúng tiến độ các công trình xây dựng tại Chùa Bái Đính phục vụ tổ chức hội nghị; hoàn thiện các phương án đón, tiễn khách tại sân bay, vận chuyển phục vụ đại biểu trong thời gian hội nghị; bố trí khách sạn cho các đại biểu quốc tế và trong nước; chương trình nghệ thuật; chuẩn bị tốt phương án tổ chức triển lãm giới thiệu du lịch Việt Nam, du lịch Ninh Bình; phương án tổ chức giới thiệu sản phẩm làng nghề và nghệ nhân làng nghề; tổ chức tập huấn cho các tình nguyện viên và bố trí cho tình nguyện viên khảo sát các địa điểm phục vụ hội nghị và khách quốc tế.
Tỉnh cũng đã hoàn tất việc triển khai in ấn các băng zôn, cờ phướn... Các doanh nghiệp, địa phương, các bên liên quan cũng đã hoàn thành nhiệm vụ được giao đảm bảo hội nghị diễn ra thành công, an toàn và hiệu quả. Đối với khu vực chùa Bái Đính, nơi tổ chức hội nghị trong thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã có sự chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các ngành liên quan, các địa phương, doanh nghiệp có sự hỗ trợ tích cực không chỉ về cơ chế chính sách, điều kiện phát triển du lịch ở khu vực chùa Bái Đính mà còn liên tục mở những lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho các đối tượng hướng dẫn viên, bán hàng, xe ôm, chụp ảnh trong khu vực chùa…
Bắt đầu từ năm 2013, những người bán hàng lưu niệm đã được quy hoạch ra khu vực đỗ xe riêng rộng 200 ha, còn lái xe ôm cũng đã được tạo điều kiện tham gia lái xe điện chở du khách… Do đó, tình hình an ninh trật tự và môi trường du lịch tại khu vực chùa Bái Đính ngày càng tốt lên được đông đảo du khách trong và ngoài nước đánh giá cao.
Xin cảm ơn đồng chí!
Bảo Yến (Thực hiện)