Cùng với việc xác định các giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An thì một kế hoạch quản lý tốt sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng khi xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới. Là người có kinh nghiệm trong việc xây dựng kế hoạch quản lý cho các di sản, Tiến sỹ có thể cho biết cụ thể hơn về vai trò của việc xây dựng kế hoạch quản lý di sản Tràng An?PGS.TS Đặng Văn Bài: Kế hoạch quản lý là một bộ phận hợp phần của bộ Hồ sơ di sản khi trình UNESCO. Một kế hoạch quản lý hoàn hảo sẽ giúp bộ hồ sơ tăng thêm sức mạnh khi ứng cử là di sản thế giới. Theo quy trình thì kế hoạch quản lý sẽ được tiến hành viết trên cơ sở khoa học của các giá trị khác, như ở Tràng An là các giá trị cảnh quan, địa chất- địa mạo, văn hóa… Khi các giá trị đã được xác định sẽ là yếu tố cần và đủ để các nhà khoa học viết kế hoạch quản lý bảo vệ lâu dài cho di sản, phát huy giá trị của di sản. Việc xây dựng một kế hoạch quản lý giúp cho các cấp có thể xác định được trước những rủi ro, những tác hại có thể tác động xấu đến di sản và đề xuất những biện pháp ngăn chặn. Chính vì vậy kế hoạch quản lý phải đề ra được kế hoạch hành động, những điều cần phải làm để thực hiện mục tiêu trên.
Kế hoạch này phải đảm bảo làm sao để người Ninh Bình, đặc biệt là cộng đồng dân cư liền kề với di sản nhận thức sâu sắc, hơn từ đó tham gia vào quá trình bảo vệ di sản. Muốn vậy chúng ta phải có một kế hoạch chuyển dịch cơ cấu lao động để tạo việc làm cho người dân, giúp người dân có cơ hội tham gia vào các hoạt động bảo vệ khu di sản. Tăng cường đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục, xây dựng nếp sống mới phù hợp với những điều kiện và đặc điểm của di sản. Sớm củng cố và hoàn thiện bộ máy quản lý, củng cố về tổ chức và các hoạt động điều hành của Ban quản lý di sản Quần thể danh thắng Tràng An. Xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm có tính pháp lý của Ban quản lý, tránh sự chồng chéo về quản lý với các cấp chính quyền địa phương, với các doanh nghiệp, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các hoạt động này. Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, phân công những người có đủ năng lực tham gia cào công tác quản lý. Đồng thời phải xây dựng được một cơ chế để người dân cùng có điều kiện tham gia vào công tác xây dựng kế hoạch hoạt động, thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả của công tác quản lý. Sự tham gia của nhân dân chính là yếu tố quyết định những thành công của việc quản lý di sản.
Kế hoạch quản lý di sản đã được tiến hành đến đâu và đang gặp khó khăn gì, thưa Tiến sĩ?
PGS.TS Đặng Văn Bài: Quần thể danh thắng Tràng An trải dài trên một diện tích rất rộng bao gồm 3 khu vực bảo tồn là: Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư; Di tích Quốc gia đặc biệt Danh thắng Tràng An- Tam Cốc- Bích Động; khu rừng đặc dụng Hoa Lư. Tổng diện tích của Quần thể là 4.000 ha, chiếm toàn bộ khối đá vôi Tràng An và được bao quanh bởi vùng đệm rộng 8.000 ha gồm chủ yếu là các cánh đồng lúa. Với quy mô lớn và cấu trúc phức tạp của di sản khiến các nhà khoa học cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình xây dựng kế hoạch quản lý.
Bên cạnh đó, Tràng An đang muốn trở thành một di sản với tiêu chí hỗn hợp, vì vậy để bảo vệ tính nguyên vẹn của các tiêu chí đặc biệt là tiêu chí văn hóa trong khi nhiều khu vực của di sản đang có cộng đồng dân cư sinh sống (như khu vực Cố đô Hoa Lư, Tam cốc- Bích Động…) là một thách thức lớn đối với chúng tôi. Để giải quyết những nguy cơ tiềm ẩn đang tác động xấu đến di sản chúng ta cũng rất cần có một Ban quản lý đủ mạnh theo đúng Luật và thông qua công cụ quản lý là pháp luật, kế hoạch quản lý, đầu tư… để tác động vào các yếu tố liên quan. Ban thân Ban quản lý này cũng cần phải có kế hoạch để tạo ra nguồn thu và đào tạo cán bộ nhằm nâng cao năng lực cộng đồng và năng lực quản lý. Bên cạnh đó Ban quản lý cũng cần có hoạt động nghiên cứu bởi vì ngay cả khi xây dựng hồ sơ di sản xong vẫn cần tiếp tục làm rõ hơn các giá trị của nó và làm cho những giá trị ấy thấm vào cộng đồng. Trong quá trình xây dựng kế hoạch quản lý một vấn đề không nhỏ đặt ra đó là làm sao để không tạo ra mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển những giá trị của di sản Tràng An.
Trước mắt cũng như lâu dài, những yếu tố nào đang tác động xấu đến di sản ở Tràng An cần được đặc biệt quan tâm?
PGS.TS Đặng Văn Bài: Tràng An không còn nghi ngờ gì nữa là một viên ngọc quý, một viên ngọc tuyệt vời nhưng cũng thật dễ vỡ, được đặt trong bối cảnh trong một khu vực địa lý có nhiều biến động và phát triển năng động hàng đầu ở Việt Nam. Bởi vậy, hơn bao giờ hết, cần đến một kế hoạch quản lý toàn diện, lâu dài để bảo vệ, ngăn ngừa các nguy cơ có thể xảy đến bất cứ lúc nào cho di sản từ những biến động nói trên. Tràng An chỉ nằm cách trung tâm thành phố Ninh Bình hơn 10km. Trong những năm gần đây, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 16,5%/năm, tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra nhanh; cơ cấu kinh tế thay đổi nhanh chóng, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng đã chiếm 48,9%. Trong công nghiệp thì ngành sản xuất mũi nhọn, có tỷ trọng lớn lại là những ngành có nguy cơ ô nhiễm cao đó là sản xuất vật liệu xây dựng, thép cán các loại, khai thác đá, gạch đất nung. Khu vực Ninh Bình cũng có tới 92 mỏ quặng, trong đó nhiều nhất là các mỏ khai thác đá vôi, đá Dolomite, đất sét… Đây là nguy cơ đầu tiên đang ảnh hưởng đến môi trường ở Tràng An.
Bên cạnh đó, Ninh Bình là một đầu mối giao thông quan trọng, nằm trên trục giao thông chính yếu của đất nước. Việc đi lại thuận lợi là thế mạnh đồng thời cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ. Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng cũng kéo theo nhiều vấn đề về quy hoạch phát triển, sự gia tăng dân số tự nhiên và dân số cơ học. Hiện nay, mật độ dân số ở Ninh Bình đã là khá cao với tỷ lệ 664 người/km2, riêng thành phố Ninh Bình là 2.217 người/km2; tỷ lệ sinh trung bình là 13,77%, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 8,7%; trong khi đó lượng khách du lịch đến Ninh Bình hiện nay cũng khá cao, năm 2010 đã có tới 3,3 triệu lượt khách và con số này theo kế hoạch phát triển của tỉnh thì những năm tới sẽ là trên 6 triệu. Với một khu vực Tràng An đầy hấp dẫn, nếu trở thành di sản thế giới, lượng khách sẽ tăng lên gấp bội so với con số trên thì chắc chắn sẽ mang đến nhiều nguy cơ cho di sản.
Qua cuộc điều tra xã hội học đối với nhân dân sống trong khu vực Quần thể danh thắng Tràng An, TS đánh giá như thế nào về ý thức bảo vệ di sản của cộng đồng dân cư nơi đây?
PGS.TS Đặng Văn Bài: Qua điều tra cho thấy người dân quanh khu vực quần thể danh thắng Tràng An cũng chưa có được sự chuẩn bị cao về tâm thế cho một cuộc sống gắn liền với việc giữ gìn và phát triển bền vững di sản. Kết quả điều tra xã hội học cho thấy có tới trên 90% số người được phỏng vấn đã biết và ủng hộ quá trình soạn thảo hồ sơ di sản, nhưng cũng chưa quan tâm đầy đủ đến việc gìn giữ bảo vệ môi trường, chưa có ý thức cao trong việc sẵn sàng chuyển đổi nghề nghiệp khi cần thiết, chưa có ý thức sẵn sàng đóng góp ý kiến, thám sát, kiểm tra các hoạt động quản lý.
Các cuộc điều tra xã hội học cũng cho thấy nhiều ý kiến của người dân cũng tỏ ra băn khoăn về việc đảm bảo những lợi ích chính đáng cho họ gắn liền với khu vực di sản, với việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Họ cũng băn khoăn về công tác quản lý, về những tồn tại, sự chồng chéo trong điều hành. Do đó, đòi hỏi sự thống nhất về cơ chế quản lý, về sự tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước và cần thiết phải đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục để cộng đồng cùng chung sức bảo vệ di sản.
Nguyễn Thơm (Thực hiện)