Vừa qua, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia đã tổ chức họp và cho ý kiến về Hồ sơ di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Hội đồng đã nhất trí và ủng hộ việc đề cử Quần thể danh thắng Tràng An là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới theo các tiêu chí 8 về giá trị địa chất, địa mạo; tiêu chí 5 về giá trị khảo cổ học; tiêu chí 7 về giá trị thẩm mỹ.
Theo đánh giá của Hội đồng di sản Văn hóa Quốc gia, Hồ sơ di sản Quần thể danh thắng Tràng An đã được tỉnh chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng và khoa học, từ việc tổ chức nghiên cứu thực địa, thu thập và xây dựng hồ sơ tư liệu đến việc tổ chức được một số cuộc hội thảo, làm rõ những giá trị nổi bật của khu di sản.
Đặc biệt là ngay từ đầu, tỉnh đã mời được một số chuyên gia hàng đầu của tổ chức IUNC và ICMOS cùng một số các nhà khoa học uy tín, dầy dặn kinh nghiệm trên thế giới và trong nước giúp tỉnh xây dựng hồ sơ nên công tác chuẩn bị đã được tiến hành thuận lợi hơn cả về nội dung, cách diễn đạt chuyên môn và phiên dịch sang tiếng Anh. Hồ sơ đã được chuẩn bị bám sát mẫu hồ sơ đề cử Di sản thế giới quy định tại Công ước về bảo vệ di sản văn hóa-thiên nhiên thế giới của UNESCO.
Về ba tiêu chí đề cử của hồ sơ (tiêu chí 5, 7 và 8) Hội đồng di sản Quốc gia cũng đánh giá: các tiêu chí đã được lựa chọn và được kiến giải, biện luận thể hiện đầy đủ tính đại diện, tính toàn vẹn, đối sánh với các di sản đã được công nhận, hiện trạng bảo tồn của di sản một cách hợp lý, thuyết phục.
Tiêu chí 5 được chọn làm cơ sở để lý giải, minh chứng làm rõ tính nổi bật toàn cầu, cụ thể truyền thống cư trú vùng núi đá vôi ven biển gắn với cư trú của cộng đồng người cổ. Trong tiêu chí 7,8 hồ sơ đã nêu bật được sự đan xen giữa cảnh quan thuộc nhiều đặc điểm, địa mạo của tự nhiên tạo nên danh thắng độc đáo, đa dạng sinh học, di chỉ khảo cổ. Như thế việc xây dựng hồ sơ di sản thế giới trên cơ sở ba tiêu chí này là hoàn toàn phù hợp, vì mỗi tiêu chí có điểm mạnh riêng, có thể hỗ trợ tăng cường sức mạnh, sức thuyết phục của hồ sơ.
Hiện Ban chỉ đạo xây dựng hồ sơ di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An đã phân công công việc cụ thể cho các đơn vị, tổ chuyên gia của Viện Khảo cổ học, Viện địa chất và khoảng sản Việt Nam, Viện Nghiên cứu truyền thống và phát triển tham gia xây dựng hồ sơ tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo hồ sơ bằng tiếng Việt, đồng thời tiến hành thuê dịch toàn bộ hồ sơ, các báo cáo chuyên đề, phụ lục kèm theo sang tiếng Anh để xin ý kiến các chuyên gia quốc tế trước khi trình Thủ tướng Chính phủ và nộp hồ sơ cho Trung tâm Di sản thế giới tại Paris trước ngày 30/9/2012. Việc chỉnh sửa sẽ tập trung vào các nội dung như: Viết lại phần mô tả của tiêu chí 7, sử dụng văn phong khoa học; Viết lại mô tả và biện luận của tiêu chí 5 để làm rõ Tràng An là một thí dụ nổi bật về truyền thống cư trú của người cổ ở vùng karst; thể hiện rõ nhất quá trình tương tác và thích ứng của con người với môi trường tự nhiên, đặc biệt là môi trường biến đổi khí hậu trong đợt biển tiến cuối cùng (Frandri) thì sẽ tạo được điểm nhấn mới về sự tương tác giữa con người và môi trường trong biến đối khí hậu mà thế giới ngày nay đang quan tâm.
Đánh giá về khả năng trở thành di sản thế giới của Quần thể Danh thắng Tràng An, đồng chí Trần Hữu Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng hồ sơ di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An nói: "Hiện nay trên thế giới có 937 di sản văn hóa và thiên nhiên được UNESCO công nhận, trong đó có 28 di sản hỗn hợp (Mixed) và khoản gần 20 di sản là cảnh quan văn hóa.
Chắc chẵn rằng với một bộ hồ sơ được chuẩn bị công phu, khoa học cùng với xu hướng muốn tăng thêm các di sản hỗn hợp, thì việc đề cử Quần thể danh thắng Tràng An là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới sẽ sớm được hiện thực hóa".
Nguyễn Thơm