Xuôi dòng Ngô Đồng Ninh Bình nổi tiếng với những khu du lịch hang động, nhưng có lẽ sự khác biệt của Tam Cốc so với các vùng đất khác khiến bước chân tôi thường lưu lại nơi này. Theo những gì tôi biết thì Tam Cốc là hệ thống hang động được đưa vào khai thác du lịch sớm nhất ở Ninh Bình và nơi duy nhất vẫn còn trồng lúa nước đã được tạp chí Business Insider bình chọn là 1 trong 50 điểm đến hấp dẫn của thế giới năm 2018 và cánh đồng Tam Cốc là 1 trong 5 cánh đồng lúa đẹp nhất Việt Nam năm 2015.
Từ bến thuyền Tam Cốc xuôi dòng sông Ngô Đồng, uốn lượn quanh co hai bên ruộng lúa chín vàng đang chờ người gặt hái là những dãy núi hùng vĩ, xanh biếc tạo nên cảm xúc dạt dào cho bất kỳ du khách nào. Ngồi trên con thuyền nhỏ nghe tiếng sóng vỗ ì oạp vào mạn thuyền, bất giác tôi nhớ đến câu hát của nhạc sỹ Thế Hùng "Ai đẽo đá để thành Tam Cốc/Ai khơi nguồn để dòng nước trong ngần" ... Những câu chuyện về các hình thù trên đá như Núi đầu trâu, mỏ đại bàng, hòn vọng phu, chuyện ông thần gánh đá... dễ làm người ta say trong giấc mộng cổ xưa. Mỗi lần đi qua hang, thú vị nhất là cảm nhận được âm thanh của nước vỗ hai bên bờ vách đá. Đôi lúc nước nhỏ từ đá xuống tạo nên thứ âm thanh thật đặc biệt, hệt như tiếng đàn.
Đi qua hang Cả dài gần 200m hiện ra trước mắt du khách là cánh đồng lúa chín vàng. Có lẽ điểm hấp dẫn nhất của Tam Cốc chính là đây. Cơn mưa rào qua đi làm cho bầu trời Tam Cốc cao vút, trong veo không gợt một áng mây. Những cánh đồng lúa xanh ngả sang màu vàng lấp lánh, sóng sánh trên dòng sông Ngô Đồng, kéo dài từ chân núi ra tận giữa lòng sông.
Cảnh sắc này đã đi vào thơ, vào nhạc và làm say lòng biết bao nhiếp ảnh gia. Tôi nghĩ rằng chính những tác phẩm nghệ thuật đã làm các nhà quản lý về du lịch hình thành ý tưởng về 1 tour du lịch "Mùa vàng Tam Cốc" đặc trưng của Ninh Bình.
Người chèo đò cho chúng tôi là một người phụ nữ tên Lan mới hơn 30 tuổi đời nhưng đã có gần 20 năm làm nghề lái đò. Sinh ra và lớn lên ở thôn Văn Lâm, từ nhỏ đã được theo ông bà, cha mẹ vào đây làm ruộng nên những ngọn núi, những câu chuyện truyền thuyết đã gắn liền với tuổi thơ của chị. Cuộc sống của người dân nơi đây vốn thanh tĩnh, dù kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau.
Chị lái đò bảo, để khám phá hết 3 hang ở Tam Cốc phải mất tầm 2 giờ, đi qua khoảng 7km đường sông. Mùa này, ai cũng tranh thủ chở một lượt khách tham quan sau đó nhanh chóng về gặt lúa. Lúa ở đây cũng chỉ trồng được 1 vụ đông xuân, chính vì vậy chỉ duy nhất vào thời điểm này mới có lúa chín vàng.
Ngồi trên thuyền, anh Jona Than, du khách người Anh liên tục bấm máy ảnh để ghi lại những khoảnh khắc đẹp của miền quê Đồng bằng Bắc bộ Việt Nam. Khi tiếp xúc với chúng tôi, anh tỏ ra ngỡ ngàng trước cảnh đẹp của nơi đây. Anh nói "Tôi biết Tam Cốc qua những bức ảnh nhưng hôm nay được tận mắt nhìn tôi thấy Tam Cốc đẹp hơn rất nhiều, hùng vĩ và hoang sơ. Tôi sẽ quay trở lại Tam Cốc vào mùa hè năm sau".
Băng qua dòng sông Ngô Đồng hiền hòa, cái mùi vị ngào ngạt đến lạ của sông nước và hương thơm của những bông lúa chín vàng khiến chúng tôi cảm nhận rõ một mùa vàng no ấm đang đến gần trên khắp mảnh đất này...
Phong phú các hoạt động nghệ thuật
Ngày đầu tiên diễn ra Tuần Du lịch Ninh Bình với chủ đề "Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An" đã thu hút hàng nghìn khách du lịch trong và ngoài nước. Mọi người đến đây không chỉ say đắm bởi cảnh đẹp núi non hùng vĩ với cánh đồng lúa vàng Tam Cốc mà còn đắm mình trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Dọc con sông Ngô Đồng là các đoàn nghệ thuật biểu diễn cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị như: rước Rồng trên sông Ngô Đồng và trình diễn hát chèo, hát xẩm, hát then... của các đoàn nghệ thuật ở Đình Các, Bến Thánh, hang Cả, hang Hai, hang Ba...
Du khách Trương Minh Tú (thành phố Hải Phòng) cho biết: Tôi rất may mắn khi đến Ninh Bình đúng dịp Tuần du lịch. Các bạn đã tổ chức sự kiện thật hoành tráng, ý nghĩa và hấp dẫn. Trong đó ấn tượng nhất phải kể đến các đoàn nghệ thuật được bố trí dọc theo 2 bên sông, điều này làm nên sự khác biệt so với các điểm du lịch mà tôi đã từng đến.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức đã rất chu đáo phục vụ du khách miễn phí đầy đủ như nước uống, đồ ăn là các nông sản Ninh Bình. Tôi hy vọng sự kiện này sẽ liên tục được tổ chức hàng năm để mọi người tìm về với Di sản Quần thể danh thắng Tràng An ngày một đông hơn.
Đến với Tuần du lịch, du khách thập phương còn được xem biểu diễn múa rối nước, hát chèo, hát xẩm theo khung giờ cố định (4 lần/ngày trong tất cả các ngày diễn ra Tuần du lịch). Ông Nguyễn Quang Thập, Giám đốc Nhà hát chèo Ninh Bình cho biết: Trong suốt Tuần du lịch, Nhà hát chèo Ninh Bình và các đoàn nghệ thuật tỉnh bạn sẽ liên tục biểu diễn để phục vụ du khách.
Chúng tôi muốn mang lại cho du khách một ấn tượng về Ninh Bình không chỉ đẹp về phong cảnh mà còn đậm đà bản sắc văn hóa, nghệ thuật. Về lâu dài, Nhà hát Chèo cũng sẽ tổ chức các đoàn nghệ thuật biểu diễn tại các khu du lịch trong tỉnh để phục vụ du khách tham quan.
Đi hết con sông Ngô Đồng, du khách sẽ đến Bến Thánh. Bên cạnh những chương trình nghệ thuật diễn ra tại đây, du khách còn được tham gia triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề "Mùa vàng Tam Cốc -Tràng An" được trưng bày, triển lãm tại khách sạn Tam Cốc. Có 120 ảnh của các nghệ sĩ nhiếp ảnh, các hội viên được chọn lọc, có chất lượng nghệ thuật cao. Đặc biệt, ngoài chùm ảnh chính về vẻ đẹp, cảnh sắc thiên nhiên, danh thắng của Ninh Bình, triển lãm lần này cũng đề cập đến mảng đề tài lễ hội, sinh hoạt đời thường của người dân, qua đó giúp du khách có một cái nhìn sinh động về Ninh Bình, về bản sắc văn hóa Việt Nam.
Trở lại bến thuyền Tam Cốc, rất nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài thích thú với các hoạt động trưng bày, trình diễn sản phẩm thêu nghệ thuật truyền thống Văn Lâm. Bà Nana Naranfo, du khách người Mỹ đang say sưa lựa chọn cho mình một sản phẩm thêu ren nói: Tôi biết thông tin về sản phẩm truyền thống của các bạn qua lời kể của bạn tôi và hôm nay tôi muốn được trải nghiệm, được mặc thử vì chúng rất đẹp.
Trong những ngày này, các nghệ nhân, các tay kim của thôn Văn Lâm chắc hẳn sẽ rất tự hào vì lần đầu tiên nghề truyền thống của quê hương được tổ chức trình diễn chuyên nghiệp. Ông Nguyễn Thanh Luân, Chủ tịch Hiệp hội nghề thêu Văn Lâm cho biết: Chúng tôi mang đến đây rất nhiều các mẫu sản phẩm đã từng được xuất khẩu sang các nước Châu Âu và Nhật Bản, Hàn Quốc...đây là những mẫu mã có tính ứng dụng cao được khách hàng ở các nước phát triển tiếp nhận. Du khách khi đến các gian hàng trưng bày được tham gia vào các hoạt động trình diễn nghệ thuật thêu truyền thống và lựa chọn các sản phẩm mình ưa thích.
Với các hoạt động phong phú, đa dạng, Tuần du lịch như chiếc cầu nối giới thiệu và quảng bá rộng rãi giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Ông Bùi Thành Đông, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình nhấn mạnh, các hoạt động diễn ra trong Tuần du lịch sẽ góp phần kích cầu du lịch vào mùa thấp điểm, tăng lượt khách tham quan du lịch, phấn đấu đến năm 2030 du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Ninh Bình. Sự kiện cũng là dịp để Ninh Bình tiếp tục trao đổi, hợp tác về văn hóa, du lịch với các địa phương trong nước và quốc tế, tạo ấn tượng với du khách về Ninh Bình - điểm đến an toàn, hấp dẫn, văn minh, thân thiện, mến khách.
Bảo Yến