Nơi đây, ngoài giá trị về địa chất - địa mạo, văn hóa, còn là nơi có chứa đựng các hiện tượng thiên nhiên siêu việt hay các khu vực có vẻ đẹp thiên nhiên khác thường và tầm quan trọng thẩm mỹ. Điều này phù hợp với tiêu chí 7, tiêu chí về thẩm mỹ, là cơ sở để Ninh Bình xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận là di sản thế giới cho Quần thể danh thắng Tràng An.
Khu du lịch sinh thái Tràng An thuộc dãy núi thành trì thiên tạo của Kinh đô Hoa Lư xưa, xung quanh núi bao bọc bốn phía, ẩn dưới mỗi ngọn núi là những hang động được thông nhau bởi các thung nước, tạo nên một cảnh quan vừa đẹp, vừa kỳ vĩ. Rất nhiều người đã gọi đây là "Vịnh Hạ Long trên cạn" của Việt Nam.
Không những thế, khu hang động Tràng An còn được ví như một "bảo tàng địa chất ngoài trời", với địa hình được bao bọc bởi toàn bộ các dãy núi đá vôi hình cánh cung ở giữa vùng chiêm trũng ngập nước. Trên đỉnh các khối núi đá vôi phổ biến dạng địa hình Karst - đá tai mèo, rất có giá trị trong nghiên cứu khoa học địa chất, biến đổi khí hậu, hiện tượng biển tiến, biển thoái. Dưới chân các núi đá vôi là một hệ thống hang động phong phú.
Theo thống kê, đến nay, chỉ tính riêng số hang động xuyên thủy đã được khảo sát là 48 hang, xen lẫn 31 thung đẹp, trong đó có những hang xuyên thủy dài hàng cây số như hang Địa Linh, hang Tối, hang Sáng, hang Nấu rượu, hang Sính, hang Si, hang Ba Giọt, hang Sơn Dương... Trong số các hang động, có nhiều hang đã từng là ngôi nhà chung của người nguyên thủy, bởi các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những di vật, dấu tích của người tiền sử.
Đồng chí Nguyễn Đức Long, Giám đốc Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An cho biết: Nhiều năm trước, các chuyên gia Viện khảo cổ học Việt Nam và Trường Đại học Cambridge (Anh quốc) đã tiến hành nghiên cứu di chỉ khảo cổ học và khai quật các hang động của Quần thể danh thắng Tràng An. Kết quả cho thấy, tại hang Trống có dấu ấn của người tiền sử khoảng 20.000 năm trước; tại hang Bói có sự xuất hiện của người tiền sử khoảng 10.000 năm trước. Ngoài ra, các hang Vượn, Thiên Tôn, Đá Máng, hang Son... đều có những dấu tích của người tiền sử ở khu vực này qua các giai đoạn chuyển hóa từ thế Pleistocene sang thế Holocenne.
Những dấu tích ở khu vực này còn cho thấy cách thức sinh hoạt của người tiền sử trong giai đoạn biến động địa chất, về thời kỳ biển tiến, biển thoái khoảng 5.000 - 7.000 năm trước. Đồng thời cũng cho thấy sự định cư liên tục từ thời đại đồ đá tới đồ đồng, đồ sắt, gắn với các nền văn hóa khảo cổ học thời tiền Hòa Bình, Hòa Bình, Đa Bút, Đông Sơn ở khu vực này.
Khu Tam Cốc - Bích Động nằm trên địa phận xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư). Đến nay, Tam Cốc - Bích Động vẫn giữ được nét nguyên sơ thiên tạo và có nhiều nét tương đồng với khu sinh thái Tràng An. Nơi đây nổi tiếng bởi vẻ đẹp cổ kính với lối kiến trúc độc đáo, chùa và động đan xen. Bích Động được mệnh danh là "Nam thiên đệ nhị động" cùng với những di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng trong và ngoài nước như đền Thái Vi, chùa Bích Động, hang động Tam Cốc, Động Tiên, chùa Linh Cốc...
Cố đô Hoa Lư thuộc địa phận xã Trường Yên (huyện Hoa Lư), là Kinh đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền ở Việt Nam. Với diện tích khoảng 300 ha, kinh đô Hoa Lư tồn tại trong 42 năm qua 3 triều đại (từ năm 968 đến năm 1010). Hơn 10 thế kỷ trôi qua, tuy kinh thành Hoa Lư xưa không còn nữa, nhưng sự hiện hữu của những di tích gắn liền với ba triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý như đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ vua Lê Đại Hành, cầu Đông, cầu Dền, những dấu tích của thành Đông, thành Bắc, thành Nam..., đã tạo nên một không gian văn hóa Hoa Lư huyền thoại.
Đánh giá về khu danh thắng bậc nhất của tỉnh, đồng chí Nguyễn Đức Long, Giám đốc Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An khẳng định: "Trong quá trình xây dựng hồ sơ Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thiên nhiên thế giới, tỉnh kiên quyết giữ gìn nguyên trạng cảnh quan, môi trường sinh thái, môi trường xã hội nơi đây để phát triển loại hình du lịch tham quan, nghỉ dưỡng kết hợp tín ngưỡng văn hóa tâm linh, đồng thời chống mọi biểu hiện tận dụng để khai thác cạn kiệt sản phẩm du lịch".
Bảo Yến