Hệ sinh thái rừng ở Vân Long rất đa dạng với khoảng 722 loài thực vật, trong đó có 687 loài thực vật bậc cao, 35 loài thực vật thủy sinh, đặc biệt có 8 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam (kiềng, lát hoa, tuế lá rộng, cốt toái bổi, sắng, bách bộ, mã tiền, hoa tán); 39 loài động vật, trong đó có 12 loài thú quý (gấu ngựa, sơn dương, cu li lớn, khỉ mặt đỏ, cầy vằn, báo gấm, báo hoa mai..., đặc biệt là voọc quần đùi trắng); 38 loài ếch, nhái, bò sát, trong đó có 9 loài bò sát được ghi trong sách đỏ Việt Nam (rắn hổ chúa, kỳ đà hoa, trăn đất, rắn ráo trâu, rắn sọc đầu đỏ); 100 loài chim. Vào mùa khô, Vân Long còn là địa điểm trú đông của nhiều loài chim di cư từ phương bắc như: cò trắng, vạc, đại bàng Bonelli, diệc xám, mồng két... Vân Long còn được khách du lịch ví như "vịnh không sóng" bởi khi đi thuyền trong khu bảo tồn sẽ thấy mặt nước phẳng lặng như một tấm gương. Trời quang, mây tạnh, Vân Long giống như một bức tranh thủy mặc. Những khối đá, dãy núi đá vôi hình dạng kỳ thú, như núi Hoàng Quyển, núi Hòm Sách, núi Đá Bàn, núi Mèo Cào, núi Cô Tiên,... soi bóng xuống mặt nước trong xanh. Lướt thuyền nhẹ, thâm nhập vào trong lòng những núi đá này sẽ thấy được hang động mang vẻ đẹp đặc trưng như: hang Cá, hang Bóng, hang Rùa, hang Chanh, hang Thung Dơi... Cùng với khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, Vân Long còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa có giá trị như: chùa và động Địch Lộng, động Hoa Lư, đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ Đức Thánh Nguyễn... cùng bản sắc văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân cư khu vực đồng bằng sông Hồng.
Với khoảng 5.500 nhân khẩu, Vân Long hội đủ các yếu tố để phát triển du lịch cộng đồng. Bắt đầu manh nha từ năm 2005, với sự giúp đỡ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổ hợp tác Du lịch cộng đồng Gia Vân ra mắt. Đến nay, đã gần 2 năm, xã Gia Vân đang phát triển mô hình này trên phạm vi rộng nhằm khai thác tối ưu tiềm năng, thế mạnh du lịch của địa phương. Chính quyền xã đã thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Công tác tập huấn về kiến thức du lịch, văn hóa ứng xử đối với du khách cho người dân được các ngành, cơ quan chuyên môn, Phòng nghiệp vụ Du lịch, Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh quan tâm, phối hợp với các công ty lữ hành từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh... tổ chức xúc tiến, quảng bá du lịch địa phương.
Anh Bùi Xuân Hồng, Tổ trưởng Tổ hợp tác Du lịch cộng đồng Gia Vân cho biết: Cùng với nghề trồng lúa nước, hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, người dân nơi đây còn làm thêm nghề phụ cung cấp dịch vụ du lịch, từ tổ chức đón tiếp đến giới thiệu, quảng bá các giá trị thiên nhiên, văn hóa đặc sắc của địa phương đến du khách. Bởi vậy, du khách khi đến đây, ngoài dịp được trải nghiệm các sinh hoạt hàng ngày cùng người dân bản địa như: đi chợ, nấu ăn, xay lúa, giã gạo, cuốc đất, tát nước bằng gầu sòng, gầu dây, cất vó, móc cua ở bờ ruộng... Hết ngày, các du khách sẽ cùng ăn, ngủ với không gian nông thôn Việt Nam. Họ trải nghiệm đời sống sinh hoạt thường nhật của người dân trong nhà cổ khung gỗ, nền đất..., còn có cơ hội tham gia tour du lịch bằng xe trâu, xe bò để tham quan khung cảnh làng quê Bắc Bộ, ngồi thuyền nan chiêm ngưỡng vẻ đẹp non nước hữu tình trong Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long.
Từ đầu năm đến nay, Tổ hợp tác Du lịch cộng đồng Gia Vân đã đón gần 230 khách đến theo loại hình Homstay tại địa phương. Tổ hợp tác Du lịch cộng đồng Gia Vân chỉ có 7 thành viên (4 gia đình) tham gia dịch vụ du lịch dạng này. Nhóm khách đến từ châu Âu là chủ yếu, trong đó đa phần là du khách người Pháp.
Văn hóa bản địa là yếu tố tạo nên tính độc đáo và có nhiều sức nặng tạo ấn tượng tốt cho du khách. Tuy nhiên, văn hóa giao tiếp tạo sự gần gũi, thân thiện sẽ cho hiệu quả tốt nhất trong quá trình tương tác giữa du khách và cộng đồng địa phương. Cộng đồng địa phương là nhân tố "cốt lõi" xâu chuỗi và chuyển tải các giá trị của sản phẩm du lịch đến du khách. Từ đó, cộng đồng địa phương, đặc biệt là các hộ dân tham gia trực tiếp phải tự ý thức một cách nghiêm túc trong quá trình xây dựng, đảm bảo và duy trì chất lượng sản phẩm du lịch phục vụ cho du khách.
Với hình thức làm du lịch khá mới mẻ của chính quyền và người dân xã Gia Vân, trong tương lai, Vân Long là điểm đến du lịch sinh thái, cộng đồng tiêu biểu ở Ninh Bình.
Bài, ảnh: Minh Đường