Trưa nay, hẳn là một buổi trưa buồn và lạnh của người xa xứ như Hạnh. Đã lâu lắm rồi cô không được về nhà, được hít hà mùi đồng ruộng, mùi cơm mới, được sà vào lòng bà, lòng mẹ mà làm nũng, nghe… mắng yêu.
Đã bốn năm Hạnh theo người bà con đi xuất khẩu lao động tại Nga. Cuộc sống hàng ngày của cô chỉ quanh quẩn từ khu nhà trọ đến vườn rau. Hôm nay là ngày hiếm hoi cô được nghỉ ngơi do bị cảm cúm. Lơ mơ giữa những cơn sốt ngắt quãng, Hạnh thấy mình đang… ở nhà.
Rồi tiếng bố mẹ thì thào khe khẽ, nói nhỏ thôi, cho cái Hạnh nó ngủ, chắc phải mệt lắm, con gái tôi thương quá(!). Nhìn khuôn mặt nó kìa, gầy, xanh xao. Lần này phải cương quyết bắt nó về với được, tiền thì biết khi nào cho đủ. Nhà ta không nuôi được con hay sao, đồng ruộng nhà mình không thể đủ để cho con lập nghiệp hay sao? Đất đai này đã từng nuôi biết bao người, chả lẽ đến đời con mình lại thiếu chỗ vẫy vùng, bay nhảy…
Mơ màng Hạnh nhớ, từ năm ba tuổi, bố đã dắt theo Hạnh ngã sấp ngã ngửa ra đồng. Nhà nghèo lại đông con, các anh chị em trong nhà đều theo bố mẹ đi làm đồng từ rất sớm. Vài nắm cơm nho nhỏ, một bi đông nước trắng, bố mẹ cày cuốc dưới đồng, con ngồi đầu bờ ruộng nhìn theo.
Lớn lên một chút nữa, chị em Hạnh “mạnh bạo” hơn, cho chân xuống nước, lội bì bõm theo bố mẹ xuống ruộng. Có vụ cấy, mưa nhiều khủng khiếp, nước to, chị em Hạnh cúi rạp người dúi từng nhúm mạ xuống ruộng. Ngẩng lên, nước từ tóc mái trước trán nhỏ tong tong. Rồi mấy chị em “nháy” nhau, cởi phăng áo mưa, cười vang, đuổi nhau chạy bì bõm giữa đồng nước trắng.
Nô nghịch chán ở ngoài đồng, chị em Hạnh rủ nhau lên đê, lôi nhau xuống bãi “mót” nào khoai, nào lạc, ngô về nướng. Tuổi thơ nhiều thiếu thốn nhưng Hạnh chưa bao giờ cảm thấy khổ cực. Nhà lúc nào cũng đông vui, rộn rã. Tờ mờ sáng mẹ đã lịch kịch dậy thổi cơm.
Trong nhà Hạnh có một nguyên tắc “bất di bất dịch”, không được để ai bụng đói ra khỏi nhà. Mẹ bảo, người lớn đi làm đồng nặng nhọc, cần phải ăn no mới giữ được sức. Trẻ con thì phải đi học, chạy nhảy nhiều cũng không thể để bụng đói.
Trước khi đi làm, ông nội và bố ra ngồi ở cái bàn gỗ mít kê dưới chân gốc cây thị nhâm nhi cốc chè tươi, rít một hơi thuốc lào thật sâu kêu giòn giã. Bà tỉ mẩn ngồi soạn riêng từng bộ quần áo lao động, bày gọn gàng trên hè nhà chờ mọi người mặc. Mẹ cẩn thận xem lại cặp sách, đồ dùng học tập của chị em Hạnh, tận tay đưa cho từng đứa không quên lời dặn, đi học phải ngoan, học xong về nhà ngay nhé…
Cũng không biết Hạnh đã sốt bao lâu, người mê man mụ mị. Cho đến khi cảm giác khó thở bóp nghẹt lồng ngực thì cô choàng tỉnh dậy. Vô thức, Hạnh đưa tay vuốt mặt đã thấy má ướt đầm. Thì ra mình đã khóc. Sao mình lại nức nở ngay cả trong giấc mơ? Vì quá nhớ nhà, vì tủi thân, vì mình đang bị ốm… Cô gái trẻ gục đầu xuống gối tấm tức.
Chuông điện thoại đầu giường reo vang làm Hạnh giật mình. Sao mẹ lại gọi giờ này nhỉ? Phải tỉnh táo lại, đừng để mẹ biết mình đang ốm, đang khóc, Hạnh vớ vội cái khăn, lau qua mặt trước khi bấm nghe. Ngày hôm nay mẹ cứ làm sao ấy, bồn chồn mãi không thôi, con vẫn khoẻ chứ. Không được giấu bố mẹ bất cứ chuyện gì con nhé. Con còn bố mẹ đây mà…
Hạnh buông điện thoại, ngồi bất động đợi bản thân bình tĩnh hơn rồi quyết định đặt vé về Việt Nam. Về thôi, thật nhẹ nhõm, từ chiếc radio cũ Hạnh lại đang thấy phát đi những câu thơ: “Gì sâu bằng những trưa hiu quạnh/ Ôi ruộng đồng quê thương nhớ ơi”!