Trao đổi với Phó Giám đốc Sở VH, TT & Du lịch, ông Hoàng Thanh Phong cho biết: Cùng với sự phát triển chung về du lịch của tỉnh Ninh Bình, các cơ sở lưu trú du lịch đã được tỉnh quan tâm quy hoạch và có chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, do đó đã "hút" được nhiều nguồn vốn trong các doanh nghiệp tư nhân, các công ty cổ phần đầu tư vào xây dựng... Ninh Bình có 284 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 4.384 buồng ngủ, trong đó có 851 phòng nghỉ đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 5 sao, 158 cơ sở đã được thẩm định, trong đó có 40 khách sạn (chiếm 25%), số còn lại là nhà nghỉ và nhà có phòng cho khách du lịch thuê.
Những cơ sở này được đầu tư, kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh, lao động chủ yếu là người trong gia đình, do hoạt động tự phát nên trình độ chuyên môn nghiệp vụ du lịch còn nhiều hạn chế. Một số cơ sở lưu trú chưa hoàn thiện việc đăng ký hạng cơ sở, chủ yếu do không đảm bảo yêu cầu về được cơ cấu bộ máy, trình độ đối với người quản lý, người phục vụ…. Nhiều cơ sở lưu trú đăng ký kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ nhưng khi tổ chức thẩm định thì không đạt tiêu chuẩn so với đăng ký kinh doanh…
Lớp tập huấn quản lý khách sạn với 13 chuyên đề có tham chiếu theo tiêu chuẩn VTOS vừa được tổ chức rất bổ ích và cần thiết về nghiệp vụ. Các chuyên đề hợp với xu thế quản lý, vận hành du lịch ở nhiều quốc gia có nền kinh tế du lịch phát triển, vừa rất sát với thực tiễn ở Việt Nam đang trong thời kỳ hội nhập.
Ông Vũ Trung Dũng, Giám đốc hành Khách sạn Ninh Bình Legend chia sẻ: Qua lớp học, chúng tôi nhận thấy, mình còn thiếu nhiều thứ quá. Có những điều tưởng chừng như quá nhỏ trong lúc điều hành công việc lại có thể gây ra những hiệu ứng rất lớn về sau này. Rất mừng là chúng tôi đã được bồi dưỡng, cung cấp những kiến thức để "vá lỗ hổng" mà chúng tôi thiếu.
Ví dụ, ở quản lý hoạt động bộ phận buồng,qua tập huấn chúng tôi hiểu kỹ hơn và có được cả những kiến thức tiêu chuẩn quốc tế về lĩnh vực này. Đó là: nhân viên buồng phải nhận biết tất cả các dịch vụ sẵn có của khách sạn để cung cấp thông tin cho khách, bao gồm cả các dịch vụ trong bộ phần buồng và nhận biết các dịch vụ bên ngoài mà khách có thể yêu cầu. Đồng thời nhân viên buồng cũng cần trang bị một số kiến thức, hiểu biết về văn hóa, phong tục tập quán, thói quen… của người dân địa phương để có thể cho khách lời khuyên có giá trị khi khách cần.
Bộ phận buồng có nhiệm vụ đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, tiện nghi, thoáng mát, làm cho khách lưu trú cảm thấy hài lòng và coi khách sạn là ngôi nhà thứ hai trong thời gian đi du lịch. Vì vậy, nhân viên buồng phải biết cách quan tâm đến khách, phục vụ khách, làm cho mỗi người khách đều cảm thấy họ là người đặc biệt và được chăm sóc như đang ở nhà…
Phó giám đốc Trung tâm Du lịch Sinh thái & Giáo dục Môi trường Vườn Quốc gia Cúc Phương, ông Đỗ Hồng Hải cho biết: Qua lớp học, bản thân được nâng cao khả năng thực hiện việc tổ chức cho nhân viên ở một trung tâm gắn với du lịch sinh thái, gắn với môi trường thiên nhiên… Cách xây dựng biểu mẫu để tổ chức quản lý vận hành hoạt động du lịch trôi chảy, nhịp nhàng. Các vấn đề như: Công tác an ninh, vệ sinh, bảo vệ môi trường cũng được làm rõ. Như làm thế nào để hướng dẫn du khách không bị lạc trong rừng, hành động xả rác, hành động dùng lửa an toàn (phòng, chống cháy rừng) khi vào và nghỉ lại giữa thiên nhiên bao la… đều là những kiến thức hết sức thiết thực.
Bài, ảnh: Nguyễn Minh