Một ngày đầu tháng Tư, chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ ở phường Nam Bình (thành phố Hoa Lư) để tìm gặp cựu chiến binh Phạm Văn Nghinh, nguyên cán bộ y sĩ Bệnh viện 354 (Hà Nội) một trong những nhân chứng sống của “pháo đài” đặc biệt - Trại Davis. Những câu chuyện, ký ức và trải nghiệm của ông đã giúp chúng tôi hiểu hơn về cuộc đấu tranh ngoại giao quân sự đầy bản lĩnh ngay giữa sào huyệt địch, góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân 1975.
Ông Phạm Văn Nghinh cho biết: Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết. Hiệp định Paris được ký kết giữa 4 bên: Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa. Hiệp định gồm 9 chương, 23 điều với những nội dung chủ yếu là: Hoa Kỳ cùng các nước khác cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Hoa Kỳ hoàn toàn chấm dứt chiến tranh xâm lược, chấm dứt sự dính líu về quân sự và can thiệp vào nội bộ của miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết và bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân miền Nam Việt Nam. Hiệp định lịch sử ấy không chỉ là thắng lợi trên bàn đàm phán mà còn mở ra một giai đoạn đấu tranh mới, trên cả ba mặt trận: chính trị, quân sự và ngoại giao, nhằm giám sát và đảm bảo các điều khoản được thực thi nghiêm chỉnh.
Trại Davis bấy giờ nguyên là một trại lính của quân đội Mỹ, nằm gần sát phía Tây Nam sân bay Tân Sơn Nhất (nay thuộc phường 4, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh) được chính phủ Việt Nam Cộng hòa lựa chọn là nơi làm việc của phái đoàn đại biểu quân sự 4 bên và là chỗ ở cho hai phái đoàn đại biểu quân sự của ta (Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam).
Đầu năm 1973, y sĩ Phạm Văn Nghinh, Chủ nhiệm Nhà mổ của Quân y xá Trung đoàn 354, nhận lệnh vào Sài Gòn tham gia phục vụ Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Đoàn A) để cùng với Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đóng quân tại Trại Davis. Cùng với đoàn của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trở thành lực lượng "tiền phương" trên mặt trận ngoại giao quân sự, có nhiệm vụ giám sát việc thực thi Hiệp định.
Tại trại Davis, ông Nghinh được giao nhiệm vụ chính là theo dõi, chăm sóc sức khoẻ cho các cán bộ, chiến sĩ của ta ở phái đoàn A. Kể về cuộc sống tại Trại Davis, ông Nghinh nhớ lại: Để cô lập và gây khó khăn cho hai phái đoàn của ta, chính quyền Sài Gòn đã biến Trại Davis thành một "trại giam lỏng": Xung quanh được rào kín bằng nhiều lớp dây thép gai, bên ngoài dựng tháp canh chĩa súng vào trại suốt ngày đêm nhằm khủng bố tinh thần và gây sức ép với hai phái đoàn của ta.
Không những thế, chính quyền Sài Gòn còn dùng đủ mọi "chiêu trò" nhằm phá hoại và cản trở việc thực thi Hiệp định Paris. Cắt nước, cúp điện kéo dài là những biện pháp thường xuyên được áp dụng để gây sức ép, đẩy phái đoàn ta vào tình thế khó khăn chồng chất.
Thế nhưng, chính trong vòng vây xiết chặt và muôn vàn áp lực ấy, khí phách và ý chí kiên cường của người lính cách mạng lại càng tỏa sáng. Để đối phó với việc cắt nước, các chiến sĩ đã chủ động đào giếng. Khi điện bị cắt, ánh nến vẫn lung linh soi sáng ý chí kiên định.
Theo ông Nghinh, cán bộ, chiến sĩ của ta tham gia phái đoàn đều là những người được lựa chọn kỹ lưỡng, lập trường chính trị vững vàng. Mọi hành động đều hết sức cẩn trọng, luôn duy trì kỷ luật thép và tác phong gương mẫu. Ngay cả những việc tưởng chừng nhỏ nhặt như đi lấy nước máy hay khi tiếp nhận lương thực, các cán bộ, chiến sĩ được giao làm nhiệm vụ cũng luôn giữ tác phong ăn mặc chỉnh tề, thể hiện sự kỷ luật và bản lĩnh của người lính cách mạng.
Sự cảnh giác cũng được nâng cao đến mức tối đa. Để đối phó với nguy cơ địch bỏ độc vào lương thực, thực phẩm, ông cùng với các chiến sĩ đã nảy ra sáng kiến nuôi cá cảnh để kiểm nghiệm nước và nuôi động vật nhỏ để kiểm nghiệm thức ăn trước khi sử dụng.
Ông Nghinh nhớ lại: Một lần, một chiến sĩ của ta hi sinh vì mắc sốt rét ác tính. Đáng lẽ, thi hài của chiến sĩ đó phải được đưa ra ngoài để lo hậu sự theo đúng quy định. Song, địch cố tình gây khó dễ, cản trở và tìm đủ mọi lý do để “trì hoãn” việc đưa thi hành ra bên ngoài. Các cán bộ của phái Đoàn ta đã phải đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng để giành lại quyền được lo hậu sự cho đồng đội. Hành động này không chỉ thể hiện tình đồng đội sâu sắc, mà còn là sự khẳng định vị thế, bản lĩnh của những người lính cách mạng trong đấu tranh vì lẽ phải, công lý và phẩm giá con người.
Không chỉ đấu tranh trực diện, phái đoàn còn khéo léo thực hiện công tác địch vận. Theo ông Nghinh: ngày lễ, Tết, phái đoàn ta thường chiếu phim ngoài trời vừa phục vụ đời sống tinh thần chiến sĩ, vừa thu hút sự chú ý của địch để nghi binh giúp các bộ phận khác tranh thủ đào hầm, hào... Bằng sự mưu trí và lòng quả cảm, hai đoàn đại biểu quân sự của ta đã biến Trại Davis thành một “pháo đài” vững chắc ngay trong lòng địch, kiên trì thực hiện nhiệm vụ cho đến ngày toàn thắng. Sáng 30/4/1975, lá cờ chiến thắng hiên ngang tung bay tại Trại Davis, trở thành một trong những điểm đầu tiên cắm cờ giải phóng trong ngày toàn thắng.
Cựu chiến binh Phạm Văn Nghinh sinh năm 1944, tại xã Khánh Trung, Yên Khánh. Năm 1964, ông Nghinh xung phong nhập ngũ, mang theo nhiệt huyết tuổi trẻ cống hiến cho đất nước. Sau một thời gian huấn luyện tại Đại đội 9, Tiểu đoàn 6, Trung Đoàn 148, Sư đoàn316 (Quân khu Tây Bắc), ông được đơn vị cử đi học y sĩ, rồi được cùng đồng đội tham gia làm nhiệm vụ quốc tế tại Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (Lào). Năm 1966, ông trở lại Tây Bắc và được cử về công tác tại Quân y xá Trung đoàn 354. Từng tham gia các chiến dịch, mặt trận lớn như: mặt trận phía Tây (1966); Chiến dịch đường 9-Khe Sanh (1968); Hà Nội- Điện Biên phủ trên không (1972)… Khói lửa đạn bom đã tôi luyện bản lĩnh người lính Cụ Hồ trong ông. Đối với ông Nghinh, những tháng ngày làm nhiệm vụ tại Trại Davis là một dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời quân ngũ.
Tháng 8/1974, ông Phạm Văn Nghinh được lệnh của cấp trên trở lại Hà Nội công tác, mang theo ký ức về những ngày tháng thực thi Hiệp định Paris tại Trại Davis đầy khó khăn, thử thách nhưng cũng đầy tự hào. 50 năm sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, giờ đây hồi tưởng lại quãng thời gian đó, ông vẫn không giấu nổi niềm xúc động và tự hào. Khi nói về Đại thắng mùa xuân 1975 và vai trò của Trại Davis, cảm xúc dâng trào trong ông: "Trải qua 823 ngày đêm (từ ngày 28/1/1973 đến 30/4/1975) tại Trại Davis, phái đoàn quân sự của ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. “Đúng như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuốn “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng”: Trại Davis là “một hàn thử biểu báo thời tiết chính trị và quân sự lúc này, đặt ngay trong lòng địch”.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng câu chuyện về Trại Davis, về tinh thần thép và bản lĩnh kiên cường của những người lính "ngoại giao quân sự", trong đó có y sĩ Phạm Văn Nghinh vẫn mãi là một bài học vô giá về lòng yêu nước, kiên trung, mưu lược, dũng cảm, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước.