Mùa xuân này, cụ Nguyễn Tử Chuấn, thôn Thượng Bắc, xã Ninh Nhất (thành phố Ninh Bình) bước sang tuổi 94. Hiện cụ đang sinh sống cùng con cháu tại Thủ đô Hà Nội. Những ngày giáp Tết về thăm quê, mặc cho cái rét đến cắt da, cắt thịt, cụ Nguyễn Tử Chuấn vẫn đòi con cháu đưa đi thăm hai cây cổ thụ ở chùa Hưng Long. Đây là nếp quen của cụ mỗi dịp cụ về quê ăn Tết. Cụ Chuấn chính là người đầu tiên của xã đã viết đơn đề nghị Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam về thẩm định và công nhận cây Bàng, cây Thị là hai cây di sản. Cụ Chuấn tâm sự: Năm 2010, tôi đọc Báo Tuổi trẻ thấy đưa tin một cây Thị ở Huế có tuổi đời 200 năm được gắn biển cây di sản. Từ đó, tôi đã có ý định viết đơn đề nghị công nhận cây di sản đối với cây Thị và cây Bàng ở quê mình. Sau nhiều nỗ lực của cá nhân cụ Chuấn, của chính quyền địa phương, niềm tự hào đã đến đối với người dân Ninh Nhất khi mới đây, cây Bàng và cây Thị tại chùa Hưng Long, xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam quyết định công nhận là cây di sản Việt Nam. Hai cây di sản này được quản lý và bảo tồn theo quy định của Hội. Đây cũng là hai cây di sản Việt Nam đầu tiên được trao bằng công nhận và gắn bia vinh danh tại tỉnh Ninh Bình.
Cụ Chuấn tâm sự, đối với những người sống xa quê như cụ thì mỗi khi nhớ về làng xóm là nhớ đến mái chùa cổ kính, nhớ cổng Tam quan và đặc biệt là nhớ đến hai cây cổ thụ cao to, tỏa rộng bóng mát mà không mấy nơi có được. Theo kết quả giám định của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, tính đến năm 1998, cây Bàng đã có độ tuổi trên 200 năm, cây Thị có độ tuổi trên 500 năm. Mỗi khi có dịp về thăm quê, bao giờ cụ Chuấn cũng đi thăm chùa, thăm cây để cùng bồi hồi về miền ký ức xa xưa. "Người thì mỗi năm một già đi, còn cây vẫn vậy, oai hùng, trẻ trung"- cụ Chuấn hóm hỉnh.
Cụ Chuấn kể rằng, từ khi cụ còn nhỏ đã thấy cây Bàng, cây Thị to lớn, hiên ngang che chở cho xóm làng rồi. Không chỉ là cây cổ thụ có hàng trăm năm tuổi, mà dưới bóng cây đó còn là những câu chuyện thể hiện tầng sâu văn hóa, lịch sử có tính giáo dục mang bản sắc riêng đã được lưu giữ và truyền qua nhiều thế hệ. Bởi thế, mà cây Bàng, cây Thị còn có ý nghĩa rất lớn trong tâm hồn bao thế hệ người dân Ninh Nhất. Đại đức Thích Minh Quang, trụ trì chùa Hưng Long cho biết, sở dĩ cây Thị thường được lựa chọn để trồng trong các nhà chùa bởi nhiều ý nghĩa. Thị là cây có tuổi thọ cao, gỗ tốt có thể chống chọi được với mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Quả thị đẹp, hương thơm thanh khiết và đặc biệt, theo tiếng Hán, cây thị còn có ý nghĩa là cầu cho mọi sự được như ý. Còn cây Bàng cổ thụ được trồng ở cổng Tam quan, thân cây cao to và đẹp. Cành lá tỏa rộng một vùng, che kín mái Tam quan. Về mùa hè, cây Bàng là nơi nghỉ ngơi, hóng mát của nhân dân địa phương, cho các cháu học sinh vui chơi. Cụ Chuấn kể, vào mùa hè, tiết trời nóng bức người dân trong thôn lại tập trung ra đây ngồi hóng mát. Dưới bóng mát của cây Bàng, người dân vui vẻ trao đổi với nhau những câu chuyện làm ăn, động viên nhau lúc buồn, chia sẻ với nhau niềm vui trong cuộc sống… bởi vậy, mà tình làng nghĩa xóm thêm thắt chặt, keo sơn. Và tình người đối với cây cũng vì thế mà thêm sâu đậm. Tình yêu ấy được truyền từ đời này sang đời kia và cho đến tận ngày hôm nay. Mỗi người dân đều tự có ý thức gìn giữ, chăm sóc và bảo vệ cho cây như nâng niu một "báu vật" của làng.
Có lẽ vậy mà hai cây cổ thụ tuy trải qua nhiều thế kỷ, đối mặt với thời tiết khắc nghiệt nhưng vẫn xanh tốt và phát triển đến ngày hôm nay. Những cây di sản không chỉ đơn thuần là cây cổ thụ mà còn là những nhân chứng lịch sử, gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa, tinh thần, tâm linh của nhân dân. Theo lịch sử của ngôi chùa ghi lại, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chùa Hưng Long là nơi liên lạc, gặp gỡ, vận động gây dựng các phong trào yêu nước. Sân chùa cũng là nơi đặt hòm phiếu để cử tri toàn xã đi bỏ phiếu bầu cử năm 1946… Nhà chùa cũng đã dành một phần lớn diện tích đất cho nhà trường xây dựng thêm các phòng học, tạo điều kiện cho con em trong làng, trong xã học tập an toàn, tránh được bom, đạn. Dưới gốc cây thị, cây bàng, bao thế hệ học trò xưa đã tập đọc, tập viết những nét chữ đầu tiên. Sân chùa cũng là nơi tiễn đưa bao thế hệ con em Ninh Nhất lên đường làm nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam. Những cuộc tiễn đưa lưu luyến ấy bao giờ cũng có sự chứng giám của cây Thị, cây Bàng di sản…
Nguyễn Hùng