Xuống ô tô, chúng tôi đến bến thuyền. Nhờ có sự liên hệ trước với Doanh nghiệp Xuân Trường nên chuyến đi của chúng tôi đã được bố trí, sắp đặt thuận lợi. Khoảng hai chục chiếc thuyền đã neo đợi ở bến. Những chị lái đò, nụ cười hiền hậu, vừa chào, vừa đưa tay đón khách lên thuyền. Theo sự chỉ dẫn của người phụ trách, mỗi thuyền chỉ được ngồi 4 người. Lâu lắm rồi tôi mới lại được đi thuyền, khác chăng là những con thuyền nan xưa nay đã được thay bằng thuyền tôn, sơn xanh. Ghế ngồi cho khách là những tấm gỗ hoặc thân tre ghép lại, trên trải đệm cói. Sau khi ổn định chỗ ngồi, thuyền bắt đầu rẽ nước, tiến về thung áng Mương. Không gian trở nên yên ắng lạ thường. Một cảm giác lâng lâng, nhè nhẹ bắt đầu xuất hiện. Giữa bao la là nước, là núi, là trời chỉ nghe có tiếng mái chèo òam oạp. Những chú vịt trời, những con chim bói cá thấy động, ngơ ngác rồi vỗ cánh bay đi.
ấn tượng đầu tiên đối với tôi là nước ở đây cực trong và mát, trong đến nỗi nhìn rõ cả rong, tảo, phù du dưới đáy hồ. Chừng 10 phút sau, thuyền chúng tôi vào tới hang Tối. Gọi là hang Tối, bởi hang có chiều dài tới 315 m, ánh sáng chỉ vừa đủ để du khách nhận biết đâu là cửa hang. Suốt hành trình trong hang, người ta luôn phải dùng đèn pin để soi đường, soi lên những nhũ đá đủ hình con vật. Những nhũ non gặp ánh sáng giống như những tảng kim cương lóng lánh đủ màu, khiến ta có cảm giác như lọt vào thế giới cổ tích.
Đi qua hang là vào các thung. Từ thung Sáng, thung Tối trong, Tối ngoài... nơi nào cũng có 4 - 5 cửa hang để đi về các phía. Có thể hình dung, núi ở Tràng An giống như những ô bàn cờ, giữa các ô bao giờ cũng có lối thông, chính là hệ thống các hang. Đến nay đã có 31 thung và 48 hang được nạo vét, tôn tạo. Thung lớn nhất là thung Bậc Bài, rộng trên 366 nghìn m2, hang dài nhất có tên là Địa Linh, dài 1.500 m, cùng gần 2 chục hang có chiều dài 200 - 400 m. Theo lời giới thiệu của anh Nguyễn Văn Son, hướng dẫn viên du lịch thì mỗi hang ở đây đều có sự tích. Những cái tên như hang Si, hang Sính, hang Ba Giọt chính là những đoản khúc của một câu chuyện tình: Có chàng trai si mê một người con gái, mong muốn được cưới nàng làm vợ, song giấc mộng không thành, chàng trai đã quyên sinh để chứng tỏ tình yêu của mình. Động lòng trước mối tình trong sáng nhưng trắc trở, ngàn năm nay đá trong hang Ba Giọt vẫn nhỏ lệ. Người ta quan niệm, đi qua hang này, ai đưa tay đón đủ 3 giọt nước, người ấy sẽ gặp may mắn trong tình yêu, bởi bao nhiêu đắng cay chàng trai đã gánh chịu.
Gần trưa, chúng tôi vào tới thung đền Trần, sau khi xuống thuyền, leo hàng trăm bậc đá, chúng tôi có mặt trước một ngôi đền cổ kính, được làm bằng đá xanh nguyên khối, hoa văn tinh xảo. Theo văn bia, đền được xây dựng từ lâu và để thờ Đức Thánh Trần Quý Minh. Đầu Thế kỷ XX, đền được di dời từ phía Đông thung sang phía Tây Bắc như ngày nay. Trước đây, khi Tràng An chưa được quy hoạch thành khu du lịch, nhân dân địa phương vẫn lội nước, luồn hang vào đây thắp hương, cúng lễ. Vì vậy ngôi đền luôn được trông coi, quét dọn sạch sẽ.
Tại thung đền Trần, tôi còn thấy có rừng si rộng cả ha, không ai có thể xác định được đâu là gốc của cây. Nhiều đoạn, thuyền luồn lách dưới những tán si, khiến người ta liên tưởng như đang lạc giữa đất rừng phương Nam. Chị lái đò nói với chúng tôi: ở Tràng An còn có Phượng Hoàng đất - một loài chim có trong sách đỏ. Mỗi khi có khách quý đến thăm, chúng đều bay ra, thay cho lời chào. Nghe thế, mấy người bạn tôi đồng loạt reo lên: Phượng Hoàng ơi, ở đâu, hãy bay ra... Không ngờ chỉ vài phút sau, từ những lùm cây trước mặt xuất hiện 4 - 5 con Phượng Hoàng, lông màu đen, đốm trắng, sải cánh, chao liệng, đem đến sự trầm trồ, thích thú cho mọi người.
Và như muốn để cho du khách được tận hưởng những phút giây thư giãn, thưởng ngoạn tuyệt vời, những dãy núi cao ở Tràng An vô tình đã trở thành bức tường ngăn cách con người với thế giới bên ngoài. Chẳng thế mà những chiếc điện thoại di động cũng trở nên vô nghĩa. Suốt hành trình cứ hết vào hang lại ra thung. Ngày và đêm cứ đan xen nhau, làm cho mọi người quên cả khái niệm thời gian, quên đi những lo toan, hối hả của đời thường...
Ăn trưa xong, chúng tôi xuống thuyền, tiếp tục qua hang Seo lớn, Seo bé, hang Sơn Dương để tới Phủ Khống. Mặt trời lúc này đã đứng bóng, gió xuân nhẹ thổi, cả rừng lau múa cờ xào xạc. Phủ Khống - một công trình lịch sử - văn hóa đã hiện ra trước mắt. Ngoài lối kiến trúc rất riêng, tựa lưng vào núi vững chắc, Phủ Khống còn là bằng chứng của sự trung thần. Tương truyền rằng, sau khi vua Đinh bị sát hại, 7 vị tướng trong triều đình cũng tự sát để giữ trọn khí tiết với nhà Vua. Một vị tướng trấn giữ Phủ Khống vô cùng cảm kích trước nghĩa khí của 7 vị trung thần liền lập bát nhang thờ cúng. Sau khi vị tướng này mất, nhân dân trong vùng đã trồng cây thị ngay trước cửa Phủ để tưởng nhớ công lao, nghĩa khí của các bậc trung thần. Đến nay, cây thị đã được nghìn tuổi, thân cây tuy xù xì, nhưng cành và lá luôn xanh tốt. Đặc biệt, cây luôn cho 2 loại quả, một loại to tròn, một loại dẹt và nhỏ. Mùa thị chín, nhân dân thường hái xuống thắp hương trong Phủ rồi xin lộc về làm quà cho người già và trẻ nhỏ. Anh Son, hướng dẫn viên còn cho chúng tôi biết: Muốn đi hết Tràng An phải mất vài ngày. Với quần thể hang động rộng lớn, Tràng An được chia thành 9 tuyến du lịch bằng đường thủy và 2 tuyến bằng đường bộ. Đây không chỉ là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn với thảm thực vật đa dạng, trong đó còn lưu giữ nhiều loài cây quý hiếm như Chò chỉ, Đinh, Nghiến, Trai, Lộc vừng, Săng đá... cùng nhiều loài động vật có trong sách đỏ; Tràng An còn là vùng đất chứa đựng nhiều di tích lịch sử, văn hóa với Cố đô Hoa Lư, Đền Trần, Phủ Khống, hồ Đàm Thị, chùa Bái Đính... Trong quá trình nạo vét, khơi thông các thung, đã phát hiện rất nhiều cổ vật tại khu hang động. Hiện nay, Tràng An đang được các cấp, các ngành chức năng xem xét, làm thủ tục hướng tới đề nghị UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên văn hóa thế giới.
Với những giá trị nêu trên của Tràng An, xem ra một ngày du xuân của chúng tôi mới chỉ là những cảm nhận, khám phá ban đầu. Vì vậy khi ra về, mọi người đều muốn nói: Hẹn gặp lại Tràng An.
Trang Nhung